Chiêm ngưỡng một số Di sản Thế giới mới của UNESCO
UNESCO - Cơ quan văn hóa của Liên Hợp Quốc - vừa công bố 27 địa điểm Di sản Thế giới sau kỳ họp thứ 45 ở Riyadh, Ả Rập Saudi, với một danh sách trải dài khắp các châu lục. Hãy cùng Congluan.vn điểm qua những Di sản nổi bật nhất trong số đó.
Rừng trà cổ trên núi Jingmai (Cảnh Mại Sơn), Trung Quốc
Ẩn mình trên dãy Cảnh Mại Sơn, gần thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cảnh quan văn hóa này bao gồm các đồn điền trà và những ngôi làng được xây dựng từ hàng ngàn năm trước.
Kể từ thế kỷ thứ 10 đến nay, tổ tiên dân tộc Bố Lãng sinh sống ở khu vực này biết đến giống trà cổ nguyên sinh. Họ tận dụng hệ thống sinh thái rừng và kết hợp cùng các dân tộc sinh sống lâu đời ở Cảnh Mại Sơn, trong đó có dân tộc Thái, phát triển kỹ thuật trồng “trà dưới rừng”. Trải qua hàng ngàn năm bảo vệ và phát triển rừng trà cổ, hình thành cảnh quan văn hóa độc đáo cùng tồn tại hài hòa giữa rừng với trà, giữa con người với thiên nhiên.
Cùng với thổ nhưỡng riêng có của ngọn núi và khí hậu gió mùa cận nhiệt đới nuôi dưỡng những cây trà quý, người dân ở Cảnh Mại Sơn cũng có những kỹ thuật thu hoạch và chế biến độc đáo để tạo ra thứ trà Phổ Nhĩ thượng hạng.
Gò mộ Gaya Tumuli, Hàn Quốc
Những gò đất bất thường này là nơi chôn cất cổ xưa của Liên minh Gaya cai trị miền trung-nam của Triều Tiên trong thời gian từ thế kỷ 1 đến thế kỷ thứ 6, thời kỳ mà lịch sử Triều Tiên gọi là Tam quốc.
Người ta tin rằng hình dạng của những địa điểm này cũng mang tính biểu tượng của hệ thống chính trị, nơi các nhà lãnh đạo tồn tại với tư cách là “những người có quyền chính trị tự trị bình đẳng trong khi chia sẻ những điểm chung về văn hóa”.
Đánh giá của UNESCO cho biết: “Việc đưa ra các hình thức lăng mộ mới và tăng cường hệ thống phân cấp không gian ở các khu mộ phản ánh những thay đổi về cấu trúc mà xã hội Gaya đã trải qua trong suốt lịch sử của nó”.
Tượng đài đá hươu, Mông Cổ
Những cột đá hươu được trang trí phức tạp này từng được sử dụng như một phần của các nghi lễ và tang lễ vào thời kỳ đồ đồng muộn (1200 đến 600 trước Công Nguyên). Với chiều cao khoảng 5 mét, các cây cột này được khắc hình những con hươu và được đặt tại một số 'bàn thờ hiến tế' ở Mông Cổ.
Ủy ban UNESCO cho biết: “Được bao phủ bởi các hình khắc hình con hươu mang tính cách điệu hoặc mang tính biểu tượng cao, cột đá hươu là cấu trúc quan trọng nhất còn sót lại thuộc về văn hóa của những người du mục thời đại đồ đồng Á-Âu đã phát triển và sau đó dần biến mất giữa thiên niên kỷ thứ 2 và thứ 1 trước Công nguyên”.
Cảnh quan văn hóa Gedeo, Ethiopia
Những di tích đáng chú ý này nằm ở trung tâm của những khu rừng thiêng dọc theo rìa phía đông khu vực có tên Khe nứt chính của Ethiopia.
Di sản này có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo của cộng đồng Gedeo bản địa, nơi rất coi trọng môi trường tự nhiên. Người Gedeo sử dụng phương pháp canh tác nhiều lớp với những cây lớn che chở cho cây lương thực, dưới đó trồng cà phê và các loại cây bụi khác. Trong các sườn núi được canh tác là những khu rừng thiêng theo truyền thống được cộng đồng địa phương sử dụng cho các nghi lễ gắn liền với tôn giáo Gedeo.
Địa điểm khảo cổ thời tiền sử Talayotic Menorca, Tây Ban Nha
Những tảng cự thạch bất thường này có nét giống kỳ lạ với Stonehenge bên Anh, nhưng thực ra nó nằm ở Tây Ban Nha.
Cấu trúc này được gọi là 'taylot' và là một trong nhiều cấu trúc thời kỳ đồ đồng được tìm thấy trên đảo Menorca ở phía tây biển Địa Trung Hải.
Dù nhiều cấu trúc trong số này được cho là đã được sử dụng cho mục đích phòng thủ, nhưng những cấu trúc khác vẫn chưa được hiểu rõ ràng.
Đánh giá của UNESCO thừa nhận rằng vị trí của cự thạch Talayotic Menorca tương ứng với 'các định hướng thiên văn' có thể mang ý nghĩa tôn giáo.
Quần thể Đền Koh Ker, Campuchia
Nằm ở trung tâm rừng rậm Campuchia, địa điểm cổ xưa này bao gồm nhiều ngôi đền và khu bảo tồn linh thiêng ra đời trong giai đoạn từ năm 928 đến 944.
Người ta tin rằng địa điểm này được xây dựng trong khoảng thời gian 23 năm và từng là thủ đô của toàn bộ Đế quốc Khmer trong thời gian ngắn.
Một loạt các tác phẩm điêu khắc, chữ khắc và tranh vẽ trên tường vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, chứng tỏ rằng các công trình nghệ thuật này chính là trung tâm của thành phố cổ xưa.
Pháo đài thời Viking, Đan Mạch
Mặc dù những cấu trúc hình chiếc nhẫn này có thể trông giống như những vòng tròn trên cánh đồng kiểu UFO nhưng chúng thực sự là những pháo đài thời Viking.
Người Viking - còn được gọi là người Norsemen - là một nhóm người đi biển đến từ vùng Scandinavia nổi tiếng với sự tàn bạo và bạo lực trên khắp châu Âu.
Người ta tin rằng các chiến binh Viking có thể đã đến tận Bắc Phi và Trung Đông trong các chuyến hành trình kéo dài từ năm 793 đến năm 1066.
Các pháo đài hình vòng tròn ở Aggersborg, Fyrkat, Nonnebakken, Trelleborg và Borgring, có vị trí chiến lược gần các tuyến đường bộ và đường biển quan trọng của Đan Mạch.
Mục đích chính xác của hình dạng chiếc nhẫn của các pháo đài vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.