Chiến khu Ba Lòng: Hai chiều thời gian…
Ngày xưa chiến tranh gian khó, người dân Ba Lòng vẫn một lòng chở che nuôi giấu bao nhiêu lớp cán bộ chiến sĩ đi đến ngày thắng lợi... Ba tuần trước, ngày 25-7-2024, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị họp bàn cùng UBND huyện Đakrông để nghe báo cáo phương án xây dựng Khu lưu niệm di tích lịch sử - văn hóa chiến khu Ba Lòng, huyện Đakrông.
Không lãng quên
Khu lưu niệm có tổng diện tích 2,5ha với nhiều hạng mục quan trọng, kinh phí khoảng 41 tỷ đồng... Bản tin nhỏ về chiến khu xưa khiến những ai nặng lòng cùng Ba Lòng không giấu được niềm vui!
Trong kháng chiến, chiến khu Ba Lòng là trung tâm lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây từng diễn ra 4 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Vào đầu năm 1999, chiến khu Ba Lòng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia; tháng 2-2023, là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ...
Những năm đầu kháng Pháp, có những vùng rừng hẻo lánh trở thành chiến khu, và chiến khu trở thành những “phố rừng” kháng chiến. Ba Lòng là một thung lũng nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn. Gần 80 năm trước, chưa kịp hưởng thành quả độc lập tự do của Cách mạng Tháng 8, Pháp quay lại xâm lược nước ta từ ngày 23-9-1945. Và cuộc kháng chiến bắt đầu lan rộng. Cùng với những đoàn quân Nam tiến, các tỉnh thành cũng bắt đầu lập nên những chiến khu để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Ba Lòng ngày ấy với vị trí của mình có thể nối dài với chiến khu Dương Hòa của Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía Nam, cũng như từ đây đi ra phía Tây Quảng Bình và vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh được an toàn và dễ dàng đến biên giới Việt Lào. Vì thế Ba Lòng không chỉ là một chiến khu của Quảng Trị mà mang tầm vóc của một vùng kháng chiến rộng lớn của Bắc Trung bộ.
Tôn vinh và gìn giữ
Trong rất nhiều hồi ký về chiến khu Ba Lòng một thuở, nhà văn Nhất Lâm có viết về một hiệu ảnh ở chiến khu Ba Lòng những năm 1949-1952. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi của Quảng Trị như nhà thơ Vĩnh Mai,
Chế Lan Viên, Lương An, Hồng Chương, Tân Trà... có được những bức ảnh tư liệu quý hiếm nhờ hiệu ảnh đơn sơ ấy.
Ba Lòng ngày ấy đâu chỉ có một hiệu ảnh, còn có cả những tờ báo, những xưởng in, những xưởng quân khí... Trong bài khảo cứu về Ba Lòng trên Tạp chí Cửa Việt, tác giả Hoàng Đức Cường cũng nhắc đến: “Cuối năm 1948, ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp ra đời với nhiều cơ xưởng khác nhau: xưởng rèn, xưởng sửa chữa vũ khí trong quân đội, xưởng mộc, xưởng in, xưởng giấy, xưởng dệt phục vụ tốt cho cuộc sống sinh hoạt và công cuộc kháng chiến...”.
Chỉ vài dòng cũng đủ cho ta hình dung sức sống sinh động của chiến khu xưa. Ba Lòng ngày ấy, nhờ vào địa thế hẻo lánh của mình nên trở thành căn cứ kháng chiến không chỉ cho Quảng Trị mà cho cả vùng Bình Trị Thiên.
Thung lũng Ba Lòng với đất đai màu mỡ trở thành nơi canh tác của các đơn vị Vệ quốc đoàn với ngô, lúa, sắn khoai, để cung cấp cho lính, vừa sản xuất vừa kháng chiến. Tuy rừng cao núi thẳm nhưng Ba Lòng ngày đó khá nhiều thức ăn. Cái thung lũng phì nhiêu màu mỡ dọc theo sông Ba Lòng ấy nuôi dưỡng nguồn sống cho cả trung đoàn 95 “khét tiếng”, quân Pháp chỉ nghe danh Trung đoàn trưởng Hùng Việt đã khiếp vía! Chiến khu Ba Lòng còn là trạm dừng chân an toàn cho các đồng chí lãnh đạo ra Bắc vào Nam. Đoàn của đồng chí Lê Đức Thọ dừng chân tại Ba Lòng năm 1949; đoàn của đồng chí Phạm Văn Đồng ghé năm 1951. Năm 1952, đồng chí Lê Duẩn ghé lại cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị đóng tại Ba Lòng...
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi nhưng Ba Lòng vẫn tiếp tục là căn cứ cho một cuộc chiến khác khốc liệt hơn. Từ Ba Lòng, tháng 5-1974, Quân đoàn 2 được thành lập, trở thành một trong những quân đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Rồi dài theo con đường chiến trận cho đến ngày hòa bình, do vùng đất chiến khu này cách trở đò giang, giao thông đi lại khó khăn nên có thời gian bị quên lãng.
Một lần lên thăm bạn bè là giáo viên dạy ở Ba Lòng, bạn tôi bảo: “Ba Lòng là trường… quốc tế”. Trong khi tôi còn ngơ ngác chưa kịp hiểu, bạn dẫn tôi đến từng đơn nguyên của ngôi trường gắn trên những phòng học như: “Công trình Trường THCS Ba Lòng do hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan tài trợ...”, “Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha - Tổ chức PLAN Việt Nam và cộng đồng hợp tác thực hiện - Dự án hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bão số 9 - Ketsana...”.
Có thể gặp ở chiến khu xưa những công trình đền đáp ân tình như thế, nhưng có lẽ sự đáp đền lớn nhất chính là câu chuyện những giá trị lịch sử của vùng đất chiến khu xưa đang được tôn vinh và gìn giữ. Bây giờ hòa bình, đời sống đã phát triển, hạ tầng cầu đường trường trạm chắc sẽ đáp ứng được, lòng dân chỉ sợ nhất là sự lãng quên...
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chien-khu-ba-long-hai-chieu-thoi-gian-post754574.html