Chiến lược của Ả Rập Xê-út trong canh bạc sản lượng OPEC+

Nỗ lực của Ả Rập Xê-út nhằm nhanh chóng gia tăng sản lượng dầu trong khuôn khổ OPEC+ có thể giúp Riyadh giành lại thị phần, đồng thời củng cố quyền lực thống trị trong dài hạn.

OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng chung thêm 548.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8. Ảnh: AFP.

OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng chung thêm 548.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8. Ảnh: AFP.

Một nhóm gồm tám quốc gia khai thác dầu lớn - bao gồm Ả Rập Xê-út, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Oman, Iraq, Kazakhstan và Algeria - đã quyết định tăng sản lượng chung thêm 548.000 thùng mỗi ngày trong tháng 8, nhằm đẩy nhanh quá trình gỡ bỏ phần cắt giảm sản lượng 2,17 triệu thùng/ngày, đã được áp dụng từ tháng 4.

Việc đẩy nhanh tiến trình kết hợp thỏa thuận nâng mức sản lượng cơ sở của UAE thêm 300.000 thùng/ngày, cũng đồng nghĩa đến cuối tháng 9, OPEC+ nhiều khả năng sẽ tăng mục tiêu sản lượng thêm tổng cộng 2,5 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Tuy nhiên, các hạn ngạch mới sẽ không làm thay đổi tổng sản lượng thực tế của nhóm, vì phần lớn các thành viên đã khai thác ở mức ngang hoặc vượt các ngưỡng này.

Kazakhstan là ví dụ điển hình, khi nước này liên tục không tuân thủ mục tiêu sản lượng của OPEC+, khiến Ả Rập Xê-út bất bình trong nhiều tháng qua. Quốc gia Trung Á này đã khai thác 1,88 triệu thùng/ngày trong tháng 6, ngang mức cao kỷ lục từng đạt vào tháng 3, cao hơn nhiều so với mục tiêu sản lượng tháng 8 là 1,53 triệu thùng/ngày.

Tám quốc gia thành viên OPEC+ đã khai thác tổng cộng khoảng 32 triệu thùng/ngày trong tháng 6, so với hạn ngạch 31,38 triệu thùng/ngày, theo ước tính của Reuters. Điều đó cho thấy việc gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng hiện tại chủ yếu nhằm điều chỉnh để phù hợp với thực tế sản lượng hiện tại.

Ả Rập Xê-út - quốc gia được xem là lãnh đạo trên thực tế của OPEC+ và là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - đang ở vị thế thuận lợi để vừa tái lập kỷ luật nội bộ, vừa gia tăng thị phần của mình trên thị trường toàn cầu.

Dư địa tăng sản lượng

Theo Báo cáo Thống kê Năng lượng Thế giới của Viện Năng lượng (Energy Institute), thị phần năng lượng của Ả Rập Xê-út trong tổng sản lượng dầu thô toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 13% trong ba thập kỷ qua xuống còn 11% vào năm 2024.

Tương tự, theo công ty phân tích Kpler, xuất khẩu dầu thô của quốc gia này cũng chỉ chiếm 15% tổng lượng xuất khẩu dầu thô bằng đường biển toàn cầu năm 2024, giảm so với mức trung bình 18% trong thập kỷ trước đó.

Riyadh dường như đang muốn đảo ngược xu hướng này và củng cố vị thế thống trị toàn cầu, bởi theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), doanh thu từ dầu khí đã đóng góp gần 22,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ả Rập Xê-út trong năm 2024.

Theo Keshav Lohiya, người sáng lập công ty tư vấn Oilytics, dựa trên dữ liệu từ Petro-Logistics, quốc gia này đã khai thác khoảng 9,55 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6. Điều này đồng nghĩa họ vẫn có khả năng tăng sản lượng thêm 200.000 thùng/ngày cho đến tháng 8 theo thỏa thuận OPEC+.

Ngoài ra, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ả Rập Xê-út còn có vùng đệm sản xuất với gần 3 triệu thùng/ngày có thể khai thác trong vòng 90 ngày.

Nhìn chung, ngoại trừ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Ả Rập Xê-út là quốc gia duy nhất trong OPEC+ có đủ tiềm năng để tăng sản lượng đáng kể trong các quý tới.

Cuộc chiến giá cả

Việc tăng sản lượng bổ sung sẽ tạo áp lực giảm giá đối với dầu thô chuẩn, vốn đã giảm khoảng 15% trong năm nay, xuống dưới mức 70 USD một thùng. Nguyên nhân chính là do OPEC bắt đầu nới lỏng các đợt cắt giảm nguồn cung cùng với lo ngại về nhu cầu tiêu thụ liên quan đến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, giá dầu giảm có thể sẽ giúp Ả Rập Xê-út hưởng lợi vì các nhà khai thác trong và ngoài OPEC+ đều có xu hướng cắt giảm chi tiêu khi giá thấp, đồng nghĩa với việc Riyadh - với công suất dự phòng dồi dào và chi phí sản xuất thấp - sẽ có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ để đáp ứng nhu cầu trong những năm tới.

Mức giá sụt giảm gần đây đã ảnh hưởng rõ rệt đến các nhà khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu của Mỹ sẽ giảm từ mức cao kỷ lục 13,5 triệu thùng/ngày trong quý 2 năm nay xuống khoảng 13,3 triệu thùng/ngày vào quý 4 năm 2026, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ khi sản lượng tăng vọt vào cuối thập niên trước.

Trước những diễn biến này, Riyadh có thể sẽ tìm cách đẩy nhanh các đợt cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong những tháng tới nhằm gia tăng áp lực lên các đối thủ đồng thời tăng sản lượng quốc gia.

Cuộc đua dài hạn

Ả Rập Xê-út dường như đang đặt cược vào một chiến lược dài hạn.

Dù các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ - vốn linh hoạt và phản ứng nhanh - có thể đã phản ứng ngay lập tức với bước đi của Riyadh, thì tác động đối với phần còn lại của ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ mất nhiều thời gian hơn để quan sát.

Việc giảm đầu tư vào các năng lực sản xuất mới, chẳng hạn như các mỏ ngoài khơi, sẽ cần nhiều năm để cắt giảm sản lượng thực tế.

Trên thực tế, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 1,6 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 104,6 triệu thùng/ngày vào năm 2025, và sẽ tăng thêm 970.000 thùng/ngày vào năm sau, vượt xa mức tăng dự báo về nhu cầu trong cùng kỳ, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Và theo IEA, phần lớn mức tăng nguồn cung sẽ đến từ các nhà khai thác ngoài khối OPEC+, như Mỹ, Brazil, Argentina, Guyana và Canada.

Chính những dự báo này là lý do khiến Ả Rập Xê-út buộc phải hành động để duy trì vị thế thống trị thị trường trong dài hạn.

Và với bối cảnh thị trường hiện tại - khi các nhà khai thác dầu hạn chế đầu tư vào các dự án mới do giá giảm và những bất ổn xoay quanh nhu cầu toàn cầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng - Riyadh hoàn toàn có thể nhận thấy rằng canh bạc này đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Anh Thư

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chien-luoc-cua-a-rap-xe-ut-trong-canh-bac-san-luong-opec-729874.html