Chiến lược của Trung Quốc trong thương chiến: Gây sức ép với các 'đại gia' công nghệ Mỹ
Các quan chức Trung Quốc đang lập danh sách các công ty công nghệ Mỹ có thể bị điều tra chống độc quyền và áp dụng các biện pháp khác, với mục tiêu gây ảnh hưởng đến các lãnh đạo ngành công nghệ, những người có quan hệ mật thiết với ông Trump.
![Trụ sở chính của Nvidia tại Santa Clara, California. Bắc Kinh đã ra lệnh điều tra chống độc quyền đối với công ty này. Ảnh: WSJ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_309_51455445/448bc592f3dc1a8243cd.jpg)
Trụ sở chính của Nvidia tại Santa Clara, California. Bắc Kinh đã ra lệnh điều tra chống độc quyền đối với công ty này. Ảnh: WSJ.
Những người am hiểu chiến lược của Bắc Kinh cho biết Trung Quốc muốn thu thập càng nhiều “quân bài” càng tốt để sử dụng trong các cuộc đàm phán với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về các vấn đề Mỹ - Trung, bao gồm thuế quan mà ông Trump đã áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh đã tuyên bố đang điều tra Nvidia và Google với cáo buộc liên quan đến chống độc quyền. Những công ty Mỹ khác cũng nằm trong tầm ngắm bao gồm Apple, công ty công nghệ Thung lũng Silicon Broadcom và nhà cung cấp phần mềm thiết kế bán dẫn Synopsys, theo những nguồn tin thân cận. Hiện tại, thương vụ mua lại trị giá 35 tỷ USD của Synopsys vẫn đang chờ sự chấp thuận của Bắc Kinh.
“Trung Quốc cần mọi lợi thế có thể để đáp trả Mỹ, và chống độc quyền là một trong những công cụ hữu ích nhất”, ông Tom Nunlist, chuyên gia chính sách công nghệ tại công ty tư vấn Trivium China có trụ sở ở Thượng Hải, nhận định.
“Trung Quốc đang trong quá trình thu thập chip”, ông Nunlist nói. “Họ muốn ngồi vào bàn đàm phán và cần có thứ để mặc cả”.
Các công ty Mỹ gần đây ít sẵn lòng vận động cho Trung Quốc hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Những động thái đe dọa này có thể phản tác dụng, khiến doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào Trung Quốc – điều mà Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy.
![Sundar Pichai của Google, đứng bên phải Elon Musk, nằm trong số những giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu tại lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Ảnh: WSJ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_309_51455445/ff62717b4735ae6bf724.jpg)
Sundar Pichai của Google, đứng bên phải Elon Musk, nằm trong số những giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu tại lễ nhậm chức của Tổng thống Trump. Ảnh: WSJ.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng các công cụ quản lý của mình, học hỏi từ cách tiếp cận của Mỹ. Năm 2020, Bắc Kinh lập danh sách “thực thể không đáng tin cậy,” tương tự danh sách của Mỹ nhằm chặn Huawei và các công ty Trung Quốc khác hợp tác với doanh nghiệp Mỹ. Đến năm 2022, Trung Quốc sửa đổi luật chống độc quyền nhằm siết chặt các quy định đối với các vụ sáp nhập gây hạn chế sự cạnh tranh.
Các quan chức Trung Quốc hy vọng thu hút sự chú ý của những người có ảnh hưởng trong giới chính trị của ông Trump, bao gồm các lãnh đạo công nghệ đã có mặt trong ngày ông nhậm chức, như Sundar Pichai của Google và Tim Cook của Apple, theo những nguồn tin thân cận với các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh.
Những đòn đáp trả của Trung Quốc
Ngay sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 10% lên hàng hóa Trung Quốc vào 4/2, Bắc Kinh lập tức tuyên bố mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google.
Năm 2019, Trung Quốc từng bày tỏ sự bất mãn khi Google tuân thủ quy định của Mỹ và hạn chế Huawei sử dụng hệ điều hành Android trên thiết bị di động. Sau đó, Huawei mất quyền truy cập vào kho ứng dụng Google và phần mềm độc quyền khác, buộc công ty phải phát triển hệ điều hành riêng.
Một động thái “ăn miếng trả miếng” khác diễn ra vào tháng 12 năm ngoái khi chính quyền Joe Biden thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với chất bán dẫn cao cấp của Trung Quốc. Chỉ một tuần sau, Bắc Kinh thông báo mở cuộc điều tra nhắm vào Nvidia – hãng sản xuất chip mạnh nhất phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) – liên quan đến một thương vụ sáp nhập từ năm 2019.
![Google đã tham gia Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải vào năm ngoái. Ảnh: WSJ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_309_51455445/987f17662128c8769139.jpg)
Google đã tham gia Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải vào năm ngoái. Ảnh: WSJ.
Cuộc điều tra đó tập trung vào việc liệu Nvidia có phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc khi ngừng bán một số sản phẩm nhất định hay không, theo nguồn tin thân cận. Kể từ năm 2022, quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã cấm Nvidia bán các chip AI tiên tiến nhất cho Trung Quốc. Nvidia từ chối bình luận.
Apple từ lâu đã vướng vào tranh chấp với các công ty công nghệ Trung Quốc về việc thu phí từ các nhà phát triển ứng dụng khi họ bán dịch vụ trong ứng dụng, chẳng hạn như mua vật phẩm trong game. Hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc – Tencent và ByteDance, công ty mẹ của TikTok – đã phàn nàn với Apple rằng một số chính sách của App Store không công bằng.
Những khiếu nại tương tự đã bị các cơ quan quản lý trên thế giới xem xét. Apple khẳng định chính sách của mình nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho ứng dụng.
Ban đầu, các nhà quản lý Trung Quốc chỉ quan sát cuộc tranh chấp này từ xa, nhưng những tuần gần đây họ đã xem xét kỹ lưỡng hơn, theo những nguồn tin am hiểu vấn đề. Một số quan chức cho rằng phí của Apple tại Trung Quốc quá cao và các quy tắc thanh toán trong ứng dụng của hãng gây cản trở cạnh tranh. Vì vậy, Bắc Kinh coi Apple là một “quân bài” khác có thể sử dụng trong đàm phán với Mỹ.
Các thương vụ sáp nhập giữa các tập đoàn đa quốc gia thường cần sự phê duyệt từ các cơ quan quản lý chống độc quyền trên toàn cầu. Nếu không được chấp thuận từ một quốc gia lớn, thỏa thuận có thể đổ vỡ.
Năm 2018, giữa bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Qualcomm đã hủy bỏ kế hoạch mua lại nhà sản xuất chip Hà Lan NXP Semiconductors sau khi không nhận được sự phê duyệt từ Trung Quốc.
Thương vụ thâu tóm VMware trị giá 61 tỷ USD của nhà sản xuất chip Mỹ Broadcom, công bố vào tháng 5/2022, từng đứng trước nguy cơ đổ bể cho đến khi có cuộc gặp giữa ông Biden và Chủ tịch Trung Quốc ông Tập Cận Bình vào tháng 11/2023. Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý hạ nhiệt căng thẳng, và ngay sau đó, Trung Quốc đã phê duyệt thương vụ vào phút chót với điều kiện Broadcom phải đảm bảo cung ứng cho khách hàng Trung Quốc.
![Văn phòng của Tencent tại Thượng Hải. Ảnh: WSJ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_309_51455445/4320cf39f97710294966.jpg)
Văn phòng của Tencent tại Thượng Hải. Ảnh: WSJ.
Siết chặt quy định với công ty Mỹ
Theo giới luật sư, Trung Quốc ngày càng gắn thêm các điều kiện như vậy vào các thương vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, khiến các công ty vẫn có nguy cơ bị giám sát ngay cả sau khi thương vụ hoàn tất. Những năm gần đây, các công ty chip Mỹ như Intel và AMD cũng đã được phê duyệt thỏa thuận với những điều kiện ràng buộc tại Trung Quốc.
“Bằng cách áp đặt các điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt, Bắc Kinh có thể gây áp lực lên các doanh nghiệp và áp dụng hình phạt nếu họ không tuân thủ”, bà Angela Zhang, giáo sư tại Đại học Nam California chuyên về luật chống độc quyền Trung Quốc, nhận định.
Tuy nhiên, bà Zhang cũng lưu ý rằng “Bắc Kinh phải thận trọng khi hành động chống lại các công ty Mỹ, đặc biệt là những công ty mà Trung Quốc phụ thuộc vào để có được các linh kiện quan trọng, như Nvidia.”
Một thương vụ đang bị đình trệ là kế hoạch mua lại công ty phần mềm kỹ thuật Ansys trị giá 35 tỷ USD của nhà cung cấp phần mềm thiết kế chip Synopsys. Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng khi Synopsys tuân thủ lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và cắt quyền truy cập của Trung Quốc vào một số phần mềm thiết kế chip tiên tiến. Vào tháng 12 năm ngoái, cơ quan chống độc quyền Trung Quốc đã thông báo với Synopsys rằng họ sẽ tạm ngừng xem xét hồ sơ, viện dẫn lý do thiếu tài liệu, theo những người thân cận với thương vụ.
Người phát ngôn của Synopsys cho biết công ty tự tin rằng quá trình xem xét sẽ có kết quả thuận lợi và dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025.
An ninh quốc gia là một công cụ khác mà Trung Quốc có thể sử dụng để hạn chế các công ty Mỹ. Năm 2023, Trung Quốc cấm các doanh nghiệp lớn trong nước mua hàng từ nhà sản xuất chip Mỹ Micron Technology, sau khi một cuộc điều tra an ninh mạng kết luận rằng sản phẩm của công ty này tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh quốc gia. Khi đó, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố rằng các biện pháp hạn chế của Trung Quốc không có cơ sở thực tế.