Khí cầu Trung Quốc có thể phát hiện tiêm kích F-35 của Mỹ từ gần 2.000 km
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy khí cầu tầng bình lưu, được trang bị hệ thống phát hiện hồng ngoại tiên tiến, có thể xác định vị trí tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ từ khoảng cách gần 2.000 km.
![Khí cầu Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51456418/b4e44f2778699137c878.jpg)
Khí cầu Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Phát hiện này hé lộ một điểm yếu tiềm tàng trong công nghệ tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ.
Theo tờ SMCP, nhóm nghiên cứu tại Viện quang học, cơ học Tinh vi và vật lý Changchun (CIOMP), một tổ chức chủ chốt trong các chương trình tên lửa và không gian của Trung Quốc, đã phân tích dấu hiệu hồng ngoại của F-35 trong các kịch bản mô phỏng tác chiến liên quan đến Đài Loan. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Công nghệ Hàng không vũ trụ vào tháng 5/2024.
Kết quả cho thấy lớp phủ hấp thụ sóng radar và bề mặt bên ngoài của F-35 được làm mát xuống trung bình 281 độ Kelvin (7,85°C), giúp nó gần như vô hình trước các hệ thống radar truyền thống. Tuy nhiên, luồng khí thải từ động cơ, có nhiệt độ gần 1.000 độ Kelvin, phát ra bức xạ hồng ngoại trung sóng mạnh gấp 1.000 lần so với phần thân máy bay.
Bằng cách tập trung vào dải bước sóng 2,8-4,3 micromet, khu vực ít bị ảnh hưởng bởi nhiễu khí quyển và sử dụng các cảm biến thủy ngân cùng kính viễn vọng có khẩu độ 300mm, khí cầu không người lái bay ở độ cao 20 km có thể phát hiện tín hiệu nhiệt từ phần đuôi của F-35 ở khoảng cách hơn 1.800 km khi quan sát từ phía sau hoặc bên hông. Tuy nhiên, khi quan sát từ phía trước, phạm vi phát hiện giảm xuống còn 350 km do thiết kế tàng hình giúp giảm dấu hiệu nhiệt.
Mạng lưới khí cầu giúp mở rộng khả năng giám sát
![Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_294_51456418/67ec9e2fa961403f1970.jpg)
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nhóm nghiên cứu, việc triển khai một mạng lưới khí cầu có thể khắc phục những điểm mù và mở rộng phạm vi giám sát tổng thể. Một đội hình sáu khí cầu theo bố cục lục giác có thể tăng cường khả năng cảnh báo sớm, trong khi chiến thuật bầy đàn với hàng nghìn khí cầu mini được trang bị cảm biến hồng ngoại nhỏ hơn có thể tạo ra lưới giám sát chồng lấn. Ngay cả khi một nửa số khí cầu bị vô hiệu hóa, hệ thống này vẫn duy trì khả năng phát hiện.
Nhóm nghiên cứu do Tian Hao, nhà khoa học tại CIOMP, dẫn đầu cho biết: “Các khí cầu này có thể lơ lửng ở độ cao 20km hoặc hơn trong nhiều tháng, nằm ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu”.
Ngoài ra, khí cầu tầng bình lưu hoạt động ở một vùng lý tưởng, gần Trái Đất hơn vệ tinh nhưng cao hơn máy bay cảnh báo sớm trên không (AWACS), giúp chúng có thể theo dõi liên tục trên một khu vực rộng lớn.
Nghiên cứu trên thu hút sự chú ý sau khi Đại học Bách khoa Tây Bắc Trung Quốc thông báo rằng một khí cầu không người lái hai động cơ mới đã vượt qua các tiêu chuẩn về độ tin cậy vào tháng trước. Các bộ phận quan trọng của khí cầu có thời gian trung bình giữa các lần hỏng hóc (MTBF) dài hơn 15% so với yêu cầu, một bước tiến quan trọng hướng đến sản xuất hàng loạt.
Mỹ - Trung cạnh tranh trong công nghệ không gian cận vũ trụ
Những tiến bộ này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, đặc biệt sau vụ tiêm kích Mỹ bắn hạ khí cầu do thám Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina vào năm 2023.
Mặc dù Bắc Kinh giữ kín các chương trình khí cầu tầng bình lưu, một số chuyên gia quân sự cho rằng những khí cầu này có thể bổ sung cho hệ thống chống tàng hình hiện có của Trung Quốc, bao gồm radar JY-27A và các chòm vệ tinh giám sát quỹ đạo thấp.
Tuy nhiên, khí cầu vẫn có những hạn chế. Với tốc độ di chuyển khoảng 120 km/h, chúng tương đối chậm và kích thước lớn khiến chúng dễ bị tấn công bởi các hệ thống đánh chặn chuyên biệt. Mặc dù vậy, do hoạt động ở độ cao nằm giữa không phận thương mại và quỹ đạo vệ tinh, việc tiêu diệt chúng không hề đơn giản.
Bước đột phá này nhấn mạnh cuộc đua ngày càng gay gắt trong công nghệ không gian cận vũ trụ. Khác với vũ khí siêu vượt âm, khí cầu tầng bình lưu mang lại khả năng giám sát bền bỉ với chi phí thấp, có thể làm thay đổi cán cân an ninh khu vực.
Hiện nay, nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ và một số nước châu Âu, cũng đang phát triển các nền tảng giám sát tương tự. Một số chuyên gia quốc phòng cho rằng quân đội có thể kết hợp theo dõi hồng ngoại từ khí cầu với cảm biến không gian và radar để tạo ra một thách thức nhiều lớp đối với máy bay tàng hình.