Chiến lược dài hơi để duy trì thế độc tôn của Apple

Tận dụng hệ sinh thái mạnh mẽ của mình, Apple đã và đang triển khai một chiến lược 'dài hơi' để duy trì thế độc tôn và lấn sân sang ngành dịch vụ tài chính.

Apple - công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, có doanh thu phần lớn đến từ iPhone. Tận dụng sự thống lĩnh về phần cứng, "Táo khuyết" nhiều năm qua liên tục đa dạng hóa hoạt động, chủ yếu thông qua việc tập trung vào mảng dịch vụ, mà hiện chiếm tỷ lệ kỷ lục là 26% tổng doanh thu. Trong đó, dịch vụ tài chính là lĩnh vực được Apple chú trọng, giải quyết gần như tất cả nhu cầu, từ thanh toán không tiếp xúc cho đến tài khoản tiết kiệm.

Một trong những vũ khí cạnh tranh tốt nhất của Apple là hệ sinh thái mạnh mẽ

Một trong những vũ khí cạnh tranh tốt nhất của Apple là hệ sinh thái mạnh mẽ

Wallet và sự mở rộng sang dịch vụ tài chính

Dù có thể chỉ mới phổ biến gần đây, các dịch vụ của Apple là kết quả của một chiến lược kéo dài hàng chục năm nhằm mở rộng hệ sinh thái và khai thác thị trường công nghệ tài chính (fintech) đang phát triển. Một ví dụ là Wallet - ứng dụng có tên gọi ban đầu là Passbook và được thiết kế làm nơi lưu trữ thẻ lên máy bay, vé sự kiện, phiếu giảm giá... Ra mắt từ năm 2012, chiếc ví số này đã dần trở thành trọng tâm trong chiến lược dịch vụ tài chính của Apple khi liên tục được bổ sung các tính năng mới.

Tính năng đầu tiên là Apple Pay. Trước 2014, các mạng lưới thẻ lớn đã thúc đẩy EMV - tiêu chuẩn toàn cầu cho thẻ thanh toán tín dụng và thẻ ghi nợ dựa trên công nghệ thẻ chip. EMV làm tăng nhu cầu về thẻ thanh toán không tiếp xúc, và Apple đã nhận ra cơ hội tích hợp từ làn sóng này bằng cách thêm chip NFC vào iPhone, để biến thiết bị của mình thành một chiếc thẻ. Apple Pay chính thức ra mắt năm 2014, đúng thời điểm khi việc áp dụng thanh toán không tiếp xúc tăng vọt 872% vào năm sau.

Kế đó, Apple tích hợp thanh toán ngang hàng. Dù loại hình giao dịch này đã tồn tại từ lâu, nhưng chỉ trở nên phổ biến với sự ra mắt của các ứng dụng như Venmo và Cash App. Venmo - hệ thống thanh toán dựa trên tin nhắn, ra mắt năm 2009; trong khi Cash App cho phép người dùng gửi tiền qua email ra mắt năm 2013.

Các dịch vụ nói trên trở nên phổ biến khi chuyển sang nền tảng ưu tiên thiết bị di động, và đến giữa những năm 2010, cả hai chứng kiến lượng người dùng tăng kỷ lục. Tận dụng xu hướng này, Apple ra mắt Apple Cash năm 2017 - thẻ kỹ thuật số cho phép gửi và nhận tiền qua ứng dụng tin nhắn trên iPhone, iPad hoặc Apple Watch.

Hai năm sau, công ty tiếp tục có bước đi táo bạo vào thị trường dịch vụ tài chính với sự ra mắt của Apple Card - thẻ tín dụng cho phép theo dõi chi tiêu, thanh toán và xem số dư tài khoản. Được tạo ra từ quan hệ đối tác với ngân hàng Goldman Sachs, Apple Card có quy trình đăng ký đơn giản, không mất phí và nhiều tính năng độc đáo, giúp Apple mở rộng sang dịch vụ ngân hàng.

Sau khi đại dịch Covid-19 thúc đẩy mua sắm trực tuyến và dịch vụ mua trước, trả sau (buy now, pay later/BNPL), dịch vụ Apple Pay Later được ra mắt, cho phép người dùng chia nhỏ các giao dịch mua thành 4 khoản thanh toán trong 6 tuần mà không tính lãi suất và không mất phí.

Hơn nữa, Apple đã thành lập công ty con do công ty sở hữu hoàn toàn là Apple Financing để xử lý dịch vụ cho vay và kiểm tra tín dụng. Đây là sự kiện đánh dấu lần đầu tiên công ty tự quản lý dịch vụ tài chính như cho vay, quản lý rủi ro và đánh giá tín dụng. Đến quý II năm nay, công ty công bố Apple Savings - một loại tài khoản tiết kiệm với lãi suất 4,15%/năm dành riêng cho người dùng Apple Card.

Các dịch vụ của Apple là kết quả của một chiến lược kéo dài hàng chục năm nhằm mở rộng hệ sinh thái và khai thác thị trường fintech đang phát triển.

Các dịch vụ của Apple là kết quả của một chiến lược kéo dài hàng chục năm nhằm mở rộng hệ sinh thái và khai thác thị trường fintech đang phát triển.

Lý do Apple chọn dịch vụ tài chính

Việc ngày càng tập trung vào dịch vụ là chiến lược để Apple tăng trưởng và duy trì vị thế độc tôn, đặc biệt khi doanh số phần cứng của công ty gặp khó khăn. Trong năm tài chính 2023, doanh số phần cứng giảm khoảng 5,7% và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong ba quý đầu của năm tài chính 2024.

Ngược lại, doanh thu dịch vụ liên tục phá kỷ lục. Bên cạnh đó, thị trường fintech được định giá hơn 294 tỷ USD năm 2023 và dự kiến lên hơn 1.100 tỷ USD năm 2032, tạo ra cơ hội doanh thu đáng kể cho Apple.

Nếu sản phẩm Apple duy nhất một người sử dụng là iPhone, việc chuyển đổi thương hiệu điện thoại thông minh tương đối dễ dàng. Để duy trì thế độc tôn, "Táo khuyết" muốn người dùng khó khăn và bất tiện nhất có thể khi chuyển đổi thương hiệu, và việc khuyến khích sử dụng các sản phẩm khác của công ty là một cách để đạt được điều này: càng sử dụng nhiều dịch vụ của Apple, khả năng ngừng mua iPhone trong tương lai càng thấp.

Nếu dựa vào Apple Pay để thanh toán không tiếp xúc, Apple Cash để gửi tiền và Apple Card để mua hàng, về cơ bản một người sẽ gắn bó với iPhone mãi mãi vì các dịch vụ này là độc quyền. Điều này đồng nghĩa rằng, khi đến lúc nâng cấp điện thoại thông minh, iPhone vẫn sẽ là lựa chọn số một, bất kể thương hiệu khác cung cấp những gì.

Hệ sinh thái này cũng rất mạnh mẽ trong việc thu hút khách hàng mới, và nó đã trở thành chiến lược thu hút khách hàng chính của Apple với các dịch vụ tài chính của mình. Ước tính, khoảng 1,46 tỷ người dùng iPhone trên toàn cầu, và Apple tận dụng quyền kiểm soát thiết bị của mình để thúc đẩy dịch vụ tài chính đến với người dùng.

Quảng cáo cho các tính năng này được tích hợp liền mạch vào Wallet, khiến chúng thân thiện với người dùng và hấp dẫn hơn so với các đối thủ. Ví dụ, Apple Card có bảng điều khiển chuyên dụng trong Apple Wallet, trong khi các loại thẻ khác chỉ hiển thị giao dịch trước đây. Apple cũng liên kết tất cả dịch vụ này lại với nhau. Đơn cử, để mở tài khoản Apple Savings, cần có Apple Card, và để có Apple Card, cần có iPhone.

Thương hiệu và sự thống trị của Apple trên thị trường phần cứng cũng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối tác với các công ty đã thành danh trong ngành tài chính. Việc Apple thúc đẩy dịch vụ tài chính phức tạp hơn đã đạt được thông qua hợp tác với Goldman Sachs cho Apple Card và Apple Savings. Điều này có lý vì Apple không phải một ngân hàng, nên không có đủ giấy phép và cơ sở hạ tầng cần thiết.

Tuy nhiên, quan hệ đối tác này không phải là không có thách thức. Các báo cáo chỉ ra rằng các yêu cầu của Apple, chẳng hạn như chấp thuận gần như tất cả ứng viên và cung cấp thẻ miễn phí theo nghĩa đen, đã khiến Apple Card trở nên tốn kém với Goldman Sachs, dẫn đến tổn thất đáng kể.

Việc Apple dấn thân vào cuộc đua ngân hàng trong bối cảnh áp lực gia tăng với các nhà băng trên khắp nước Mỹ, nhất là những ngân hàng nhỏ và khu vực. Tiền gửi đang chảy sang các sản phẩm trả lãi cao hơn, như quỹ thị trường tiền tệ, trong bối cảnh lãi suất điều hành của Mỹ đi lên.

CEO J.P.Morgan Chase Jamie Dimon đã gọi Apple là một “ngân hàng”, nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng tăng của "Táo khuyết" trong lĩnh vực tài chính. Khi các dịch vụ tài chính của công ty ngày càng mở rộng, nhiều lãnh đạo ngành thừa nhận cảm thấy lo lắng về sự cạnh tranh từ các công ty công nghệ lớn như Apple và Amazon. Các ngân hàng đặc biệt lo ngại về Apple Wallet, rằng khi càng nhiều người sử dụng, họ sẽ ngừng sử dụng thẻ ngân hàng, khiến Apple trở thành công ty duy nhất mà người dùng tương tác khi thanh toán cho một thứ gì đó.

Về tương lai của Apple trong các dịch vụ tài chính, công ty có thể sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ của mình trong ngắn hạn. Công ty đã nói muốn tập trung vào các sản phẩm được thiết kế để cải thiện cuộc sống tài chính lành mạnh hơn của người dùng. Dựa trên trọng tâm này, có lý do để mong đợi Apple phát triển một bộ công cụ cho phép mọi người kiểm soát, quản lý và tối ưu hóa tài chính của họ, tương tự như những gì công ty hiện đang cung cấp với ứng dụng và dữ liệu Sức khỏe của mình.

Bảo Quân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/chien-luoc-dai-hoi-de-duy-tri-the-doc-ton-cua-apple-314356.html