Chiến lược sống còn với doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, không 'bỏ hết trứng vào một giỏ'

Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, lấy tên Hưng Yên, trung tâm hành chính đặt tại Hưng Yên hiện nay.

Bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", chia sẻ với Tạp chí Thương gia, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình nhận định, đây là cơ hội để cả hai tỉnh phát huy những tiềm năng, dư địa của mình.

Trên cương vị người dẫn dắt Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, ông có nhận định gì về chủ trương sáp nhập tỉnh đang được cả nước tích cực triển khai? Theo tầm nhìn của hiệp hội, sự thay đổi này có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng nào đến sự phát triển và hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn?

Chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố nói chung và sáp nhập hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên nói riêng là một quyết sách mang tầm quốc gia, và trên tinh thần đồng thuận, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng như cộng đồng doanh nghiệp địa phương hoàn toàn ủng hộ bước đi chiến lược này, hướng tới một tương lai phát triển mạnh mẽ hơn.

Dù không tránh khỏi những tâm tư, băn khoăn ban đầu, song chúng ta cần nhìn về phía trước, bởi sự hợp nhất này hứa hẹn một sự cộng hưởng sức mạnh vượt trội. Dưới góc độ Hiệp hội, chúng tôi nhận thấy rõ ràng tiềm năng về một vùng kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội lớn mạnh hơn sau sáp nhập.

Đặc biệt, về mặt kinh tế, sự kết hợp này sẽ tạo ra một cú hích đáng kể. Nếu như trước đây, Thái Bình có khoảng 11.000 doanh nghiệp, thì việc hợp nhất với Hưng Yên sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần về số lượng. Hơn nữa, sự đa dạng trong lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ được mở rộng, không chỉ tập trung vào nông nghiệp như trước đây, mà còn đón nhận thêm nhiều ngành nghề tiềm năng từ Hưng Yên. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự sáp nhập này sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp đáng kể.

Theo ông, quyết định này có thể mang lại những tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp địa phương, cả về cơ hội lẫn thách thức?

Về phát triển kinh tế, sáp nhập tỉnh vừa là cơ hội vàng, vừa là phép thử bản lĩnh của cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Về những lợi thế, sự hợp nhất sẽ tạo ra một không gian kinh tế năng động hơn với nhiều cơ hội hợp tác đa dạng về hàng hóa, khách hàng và ngành nghề. Doanh nghiệp địa phương sẽ có cơ hội mở rộng thị trường, mở rộng bạn hàng, mọi sự hợp tác sẽ được thực hiện dễ dàng hơn khi thủ tục hành chính sẽ thuận lợi hơn, không còn khái niệm “liên tỉnh” nữa.

Song song đó, thách thức cạnh tranh gia tăng cũng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điểm sáng nằm ở tiềm năng phát triển dài hạn, chúng tôi đánh giá cao chủ trương này bởi nó hứa hẹn sự hoàn thiện về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Nói riêng về Thái Bình, chúng tôi còn rất nhiều dư địa phát triển mà thời gian qua chưa thể tận dụng hết, đường bờ biển dài 52km với khu kinh tế biển quy mô 31.800 ha, hạ tầng giao thông đang được đầu tư đồng bộ như đường cao tốc, cảng biển và đang quy hoạch sân bay, đường sắt. Đây chính là nền tảng vững chắc để Thái Bình và Hưng Yên cùng nhau vươn lên, và doanh nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển này. Dù giai đoạn đầu có thể còn nhiều gian nan, nhưng chúng tôi tin tưởng vào một tương lai tươi sáng phía trước.

Về chính trị, một mặt, chúng ta kỳ vọng vào sự lớn mạnh và hiệu quả hơn của bộ máy chính trị sau khi hợp nhất. Không thể phủ nhận những bất cập có thể phát sinh. Việc thay đổi vị trí trung tâm hành chính sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể trong sinh hoạt và công việc của cán bộ, công chức, cũng như người dân và doanh nghiệp trong quá trình giao dịch.

Tuy nhiên, chắc chắn với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại sẽ là công cụ hữu hiệu để chúng ta vượt qua những rào cản về khoảng cách địa lý. Với sự nỗ lực của mỗi người, chắc chắn những khó khăn này sẽ được giải quyết.

Thưa ông, đứng trước một sự thay đổi lớn như sáp nhập tỉnh, chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng. Với vai trò là lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp, ông có lời khuyên nào muốn gửi gắm đến cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này để họ có thể vững vàng vượt qua và tận dụng tốt nhất những cơ hội mới?

Thứ nhất, trong giai đoạn chuyển giao quan trọng này, sự chủ động thích nghi và niềm tin là then chốt để doanh nghiệp thành công. Dù ở bất kỳ đâu, tôi khuyên các doanh nghiệp sự nỗ lực tự thân, tính độc lập và tự chủ luôn là yếu tố then chốt để doanh nghiệp phát triển bền vững.

Thứ hai, tôi muốn nhấn mạnh một điều cốt lõi, thế giới kinh doanh ngày nay là một sân chơi toàn cầu, không còn ranh giới địa lý. Do đó, các doanh nghiệp phải mạnh dạn vươn ra biển lớn, chủ động hội nhập quốc tế. Chúng ta không thể mãi bó hẹp tư duy trong phạm vi một tỉnh. Thái Bình, Hưng Yên chỉ là điểm khởi đầu. Tầm nhìn của doanh nghiệp phải vượt ra khỏi biên giới, hướng tới các tỉnh thành khác và chinh phục thị trường thế giới. Hãy sẵn sàng đánh đổi những lợi ích nhỏ để gặt hái thành công lớn hơn

Để làm được điều đó, chúng ta phải thích nghi với cái điều kiện thực tế của doanh nghiệp và chấp nhận những cái khó khăn của doanh nghiệp trong lúc này, để từ đó chúng ta phải tạo cái bàn đạp để chúng ta phát triển trong tương lai. Một cách thiết thực nhất, doanh nghiệp phải chủ động mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và đối tác.

Song song đó, tái cấu trúc doanh nghiệp cho gọn gàng, hiệu quả là bắt buộc. Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số không chờ đợi ai, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số mạnh mẽ là con đường tất yếu. Thêm vào đó, hãy thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm, tăng năng suất, hạ giá thành để đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa toàn cầu.

Chỉ có như vậy, cơ hội phát triển mới thực sự nằm trong tay chúng ta. Cuối cùng, hơn bao giờ hết, nâng tầm quản trị, ứng dụng công nghệ để điều hành nhanh nhạy, hiệu quả mới là chìa khóa thành công, quản trị mô hình của mình tốt nhất, sản phẩm của mình bán hàng thuận lợi nhất và giá cả của đồng cạnh tranh nhất, chất lượng của mình sẽ tốt nhất, doanh nghiệp sẽ tồn tại.

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn đối mặt với những thách thức từ chính sách thuế quan và xung đột thương mại toàn cầu, Hiệp hội Doanh nghiệp đã có những hành động cụ thể nào để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, thưa ông?

Khi sóng gió thương mại quốc tế nổi lên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đã không đứng ngoài cuộc. Chúng tôi nhanh chóng gặp gỡ doanh nghiệp, trực tiếp lắng nghe, động viên và vạch hướng đi cho doanh nghiệp.

Quan điểm của chúng tôi là, trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội. Việc áp thuế có thể làm xáo trộn thị trường, nhưng đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại các thị trường bị ảnh hưởng, ví dụ như Hoa Kỳ. Vì vậy, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần giữ cái đầu lạnh để thích ứng với những thay đổi.

Chiến lược sống còn là đa dạng hóa thị trường, không 'bỏ trứng vào một giỏ' mang tên Hoa Kỳ để không bị phụ thuộc. Và tối quan trọng là phải 'làm mới' doanh nghiệp từ bên trong, tái cơ cấu để tối ưu năng suất và giảm chi phí, sẵn sàng cho cuộc đua trên đấu trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Bảo An

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/chien-luoc-song-con-voi-doanh-nghiep-phai-da-dang-hoa-thi-truong-khong-bo-het-trung-vao-mot-gio-post559381.html