Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Xuân Thành vừa ký ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19-4-2022 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trong đó, chiến lược đã nêu bật những quan điểm, mục tiêu, đề ra định hướng xuất nhập khẩu hàng hóa và giải pháp thực hiện đến năm 2030.

Với quan điểm phát triển xuất, nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại tại từng thị trường, khu vực thị trường; gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương, chiến lược đã đề ra hai mục tiêu là xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý và xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hòa.

Bốc xếp hàng hóa tại Công ty Cổ phần Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Bốc xếp hàng hóa tại Công ty Cổ phần Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN

Cụ thể, trong thời kỳ 2021-2030 tốc độ xuất khẩu hàng hóa bình quân là 6-7%/năm, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030, trong đó giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7-8%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 4-5%/năm.

Bên cạnh đó, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030...

Từ những mục tiêu trên, chiến lược đã đưa ra định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn, cần khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN...

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, chiến lược đã đưa ra 6 giải pháp để phát triển gồm: Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.

Với các giải pháp cụ thể, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa 2030 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, giúp các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có định hướng, kế hoạch cụ thể để xây dựng chiến lược sản xuất, xuất nhập khẩu phù hợp. Giúp hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

NGỌC LÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/chien-luoc-xuat-nhap-khau-hang-hoa-den-nam-2030-692893