Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị: Đồng đội hy sinh cho mình được sống

Trong chương trình nhân chứng lịch sử 'Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống', các cựu chiến binh từng là sinh viên xếp bút nghiên lên đường ra trận và chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị xúc động khi nhắc về những đồng chí, đồng đội của mình, những 'đồng đội đã là người hy sinh cho mình được sống'.

Ngày 23/4, tại Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Thành Đoàn Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu với nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống”, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chương trình, những người trẻ sinh ra và lớn lên trong hòa bình và đất nước thống nhất, đã có dịp hiểu thêm về thời kỳ lịch sử "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "xếp bút nghiên lên đường ra trận"... của đất nước và tinh thần thanh niên "Ba sẵn sàng".

Anh Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Đào Đức Việt - Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hà Nội phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Rời giảng đường, lên đường chiến đấu

Tại chương trình, ông Phùng Huy Thịnh - nguyên là trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, phóng viên TTXVN bày tỏ, khi đến thăm trường Trần Phú, cảm xúc đầu tiên là nhớ đến những đồng đội cùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Trong đó, có nhiều người là học trò của trường, đã cùng gác lại ước mơ giảng đường đại học, xếp bút nghiên tình nguyện nhập ngũ lên đường chiến đấu. Rất nhiều bạn rời trường Trần Phú, Chu Văn An, Yên Hòa… trở lành lính pháo binh.

Ông Thịnh tình nguyện nhập ngũ khi là sinh viên năm thứ 2, Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp. Sau những tháng huấn luyện cấp tốc, ông trở thành trinh sát của một đơn vị pháo cối.

Theo ông Thịnh, đơn vị của ông hành quân, phải vác pháo vào Quảng Trị, riêng nòng pháo cối nặng 120kg bốn người khênh vác trầy trật, có người vừa đi vừa khóc.

"Khi ấy, chúng tôi cùng độ tuổi các bạn ở đây, nhưng chiến trường miền Nam ác liệt đang cần bổ sung nhân lực, vật lực. Và, phong trào thanh niên Ba sẵn sàng sục sôi đã lôi cuốn những người đang học ở trường phổ thông, đại học làm đơn tình nguyện xin ra mặt trận chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Thịnh nói.

 Ông Phùng Huy Thịnh (thứ hai từ bên trái sang) và ông An Mạnh Hùng giao lưu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Ông Phùng Huy Thịnh (thứ hai từ bên trái sang) và ông An Mạnh Hùng giao lưu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Còn cựu chiến binh An Mạnh Hùng là chiến sĩ thuộc Tham mưu, E229 Công binh, Bộ Tư lệnh công binh, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị giai đoạn 1972 – 1973, tại Sê Pôn – Lào năm 1974 và tham gia Chiến dịch mùa Xuân năm 1975.

Trước khi nhập ngũ, ông Hùng là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Tại chương trình, ông kể, đó là thời kỳ cả đất nước sục sôi khí thế lên đường ra trận với tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”…

“Không chỉ riêng tôi mà giáo viên, sinh viên… đều rất mong muốn được góp công sức của mình vào chiến trường để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, sau đó quay lại trường học”, ông Hùng nói.

Kể về những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng trị, ông Thịnh và ông Hùng đều dùng từ “khốc liệt”. Số lượng bom đạn trong 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị tương đương 6 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Nhật Bản; mỗi tấc đất Thành cổ Quảng Trị thấm đẫm máu xương của chiến sĩ ta ngã xuống.

“Đánh trận ở Quảng Trị không chết mới lạ vì may mắn”, ông Thịnh bày tỏ và xúc động “Trong trái tim ngoài 70 tuổi của tôi vẫn ghi dấu ấn tình đồng đội. Đồng đội là người hy sinh cho mình được sống”.

“Chúng ta chiến đấu bằng tinh thần, sức mạnh khí tài quân sự hoàn toàn thua xa Đế quốc Mỹ. Nhưng chính tinh thần đó mà sau 81 ngày đêm chúng ta đã lật lại thế cờ, để có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ông Hùng nói.

Ông Phùng Huy Thịnh cho biết, sau hòa bình đã có nhiều dịp tiếp các thượng nghị sĩ Mỹ là cựu chiến binh sang Việt Nam du lịch, trong đó có 3 phi công từng có hàng trăm giờ bay đánh bom Hà Nội, Hải Phòng. Điều đó, không có nghĩa là quên lịch sử.

“Làm sao có thể quên khi tự tay tôi vùi xác bạn mình, đồng đội mình ở chiến trường Quảng Trị, đến ngày hôm sau đạn pháo bầy, bom B52 lại đào xới mộ bạn mình lên… Chúng ta chỉ khép lại quá khứ”, ông Thịnh nói.

Trân trọng giá trị hòa bình, nâng cao năng lực hành động

Nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay, hai cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh và An Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, Hòa bình của nước ta phải trả bằng máu xương của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, thanh xuân của biết bao lớp người.

Chỉ riêng ở Quảng Trị đang thay mặt nhân dân cả nước thắp hương cho 55.000 phần mộ liệt sĩ ở hai nghĩa trang quốc gia và nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trên toàn tỉnh.

Ông Hùng mong muốn, những người trẻ thời đại hiện nay cần trân trọng giá trị hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất của đất nước; nỗ lực học tập và rèn luyện góp công sức dựng xây đất nước, bước vào kỷ nguyên mới.

Ông Phùng Huy Thịnh nhắn nhủ, trong điều kiện đất nước phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, người trẻ cần học hỏi những tinh hoa, điều hay từ các nước trên thế giới; nâng cao năng lực tư duy, trình độ và năng lực hành động.

 Đảng viên trẻ Trường THPT Trần Phú Nguyễn Diệu Linh chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Đảng viên trẻ Trường THPT Trần Phú Nguyễn Diệu Linh chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

 Lãnh đạo Thành Đoàn Hà Nội, Trường THPT Trần Phú tặng hoa khách mời giao lưu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Lãnh đạo Thành Đoàn Hà Nội, Trường THPT Trần Phú tặng hoa khách mời giao lưu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Đại diện thế hệ trẻ Trường THPT Trần Phú, đảng viên trẻ Trần Diệu Linh cho biết, càng cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thống nhất. Trân trọng điều này, mỗi người trẻ càng ý thức trách nhiệm hơn trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, tham gia dựng xây đất nước.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chien-si-thanh-co-quang-tri-dong-doi-hy-sinh-cho-minh-duoc-song-post1736305.tpo