Tự hào là người con của thành phố nghĩa tình
Ngày 23/4, Thành ủy- HĐND- UBND- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh tổ chức tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP. Hồ Chí Minh (1975-2025). Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh là một trong 60 cá nhân được tôn vinh dịp này. Đây là niềm tự hào của một người con ở thành phố nghĩa tình sau 50 năm đất nước thống nhất như ông Lê Đức Thịnh.
60 cá nhân tiêu biểu là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến, đóng góp cho cộng đồng, xã hội và được nhân dân ghi nhận trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP Hồ Chí Minh. Họ là những người đã đặt nền móng, kiến tạo và tiếp bước cho một thành phố hiện đại, văn minh, phát triển, tạo động lực cho thế hệ trẻ noi gương, tiếp nối sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố; đồng thời, lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong xã hội, truyền cảm hứng về sự cống hiến, trách nhiệm và sáng tạo trong công việc.
60 cá nhân tiêu biểu ( trong đó có 31 người đã mất) chia theo các lĩnh vực gồm: chính trị, quản lý nhà nước có 13 cá nhân; hoạt động xã hội có 12 cá nhân; giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học công nghệ có 11 cá nhân; văn hóa, nghệ thuật và báo chí truyền thông có 10 cá nhân; kinh tế có 5 cá nhân; quốc phòng an ninh có 4 cá nhân; dân tộc, tôn giáo có 5 cá nhân.

60 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP. Hồ Chí Minh (1975-2025). Ảnh: Việt Dũng

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, HIệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, Anh hùng LLVTND Trung tướng Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM là 3 trong 60 cá nhân tiêu biểu được tôn vinh. Ảnh: Việt Dũng
Đối với ông Lê Đức Thịnh, việc được chọn là một trong 60 cá nhân tiêu biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất là một vinh dự và tự hào. “Tự hào vì mình là người Việt Nam, là người con của thành phố này. 50 năm qua, thành phố đã ôm ấp, chở che, nâng bước cho tôi trên mọi bước đường. Tôi trưởng thành cùng với sự yêu thương ấy. 50 năm sau thống nhất đất nước, Hồ Chí Minh là thành phố của văn minh, hiện đại nhưng mãi luôn là thành phố của nghĩa tình. Lòng tôi luôn khắc sâu, tri ân những yêu thương ấm áp, sự đóng góp, hy sinh của đồng bào cả nước nói chung và nhân dân thành phố nói riêng, cùng các vị lãnh đạo qua nhiều thời kỳ đã cống hiến dựng xây để có một TP Hồ Chí Minh ngày nay. Cho nên trách nhiệm của một cá nhân nhỏ bé như tôi là luôn mong mỏi được đóng góp cho sự phát triển của thành phố, của đất nước. Vì tôi yêu thành phố này, yêu dân tộc này nên tôi luôn nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh mà là để mọi người luôn cảm thấy hạnh phúc, yêu thương nhau”, ông Lê Đức Thịnh xúc động chia sẻ.

Lãnh đạo TP.HCM trao bảng tri ân cho Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh. Ánh: Việt Dũng.
Ông Lê Đức Thịnh sinh ra và lớn lên trong gia đình Công giáo làm nông nghiệp tại giáo xứ Phúc Nhạc ở xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Tuổi thơ với bao khó nhọc, từ lớp 6 ông đã đi làm thuê phụ giúp gia đình. Nhưng với nỗ lực của bản thân, gia đình cùng với đức tin của người Công giáo đã giúp ông vươn lên có cuộc sống no ấm và có điều kiện để giúp đỡ người nghèo.
Là người có tấm lòng bác ái, kinh doanh dư dả được đồng nào, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh lại đem tiền đi giúp đỡ người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Ông vận động, quyên góp hàng trăm tỷ đồng làm đường giao thông thôn, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nghèo, xây nhà tình thương, mổ mắt, mổ tim, chăm sóc người già neo đơn, tàn tật, đặc biệt là công tác khuyến học, chăm lo cho trẻ em nghèo được đến trường. Ở những vùng khó, ông không chỉ mang đến sự giúp đỡ về vật chất mà còn mang theo thông điệp của yêu thương, đoàn kết. Bằng nỗ lực và ý chí tìm hạnh phúc từ trong gian khó để vươn lên.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao hỗ trợ cây giống cho bà con đồng bào dân tộc tại xã Rờ Kơi,huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Quang Vinh.
Trong nhiều lần gặp gỡ với chúng tôi, ông khiêm nhường không nhắc đến những công việc đã làm nhưng lại luôn bày tỏ trăn trở về những việc muốn làm và chưa làm được. “Tôi thật sự chưa bao giờ thống kê về những gì mình đã làm, bởi dù có là gì thì đó cũng chỉ là góp ít sức mọn, cùng Giáo hội thực hiện đường hướng Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Làm việc thiện là từ tấm lòng của bản thân, nhưng theo tôi, nếu chỉ dừng lại ở một cá nhân thì chưa đủ, mà còn phải khởi xướng và nhân lên trong cộng đoàn. Mình làm tốt rồi thu hút người khác cùng tham gia là đã tạo lan tỏa, để có nhiều nguồn lực hơn trong việc giúp đỡ người kém may mắn, chứ một vài cá nhân thì chỉ như muối bỏ biển khơi”,ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh tri ân các cựu chiến binh trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh Quang Vinh.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao quà cho các cháu nhỏ đang được các sơ thuộc Dòng ảnh Phép lạ Kon Tum nuôi dưỡng. Ảnh; Quang Vinh.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và phu nhân- nữ Hiệp sĩ Đại Thánh giá Nguyễn Thị Kim Yến thăm hỏi người già neo đơn đang được chăm sóc tại Dòng Đức mẹ thăm viếng Bùi Chu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quang Vinh.
Hành trình của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh không dừng ở chỗ thiện nguyện, bác ái... mà ông đã đóng vai trò như người bắc những nhịp cầu để mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội địa phương ngày một hiểu nhau hơn, làm vơi đi những thành kiến để cùng đối thoại, hợp tác, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ông là người đã và đang hiện thực hóa huấn dụ của Giáo hoàng Francis “Hãy bắc cầu - Đừng xây tường”.
Bắc cầu, không xây tường mà còn phá bỏ những rào cản chính là công việc ông thầm lặng làm trong hàng chục năm qua. Ông kiên nhẫn đi trên những lối mở chưa thành đường, rồi vun đắp để mọi người gặp nhau trên con đường đó để cảm thông, chia sẻ. Hàng chục năm xuôi ngược, đã có biết bao nút thắt lớn nhỏ được mở lối từ con đường gặp gỡ và đối thoại này…
Hàng chục năm qua, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen cho những nỗ lực của mình. Trong đó ông từng được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đó là lúc ông đã nảy ra ý tưởng xin Nhà nước hỗ trợ tiêm vắc xin riêng cho các cơ sở tôn giáo, bởi tính chất đặc thù của các cơ sở này hầu hết đều đang nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi, thai phụ cơ nhỡ nên việc đi lại xếp hàng chờ đến lượt sẽ khó khăn hơn những nơi khác.


Hơn 50 cơ sở của các tôn giáo không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn Bình Dương, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận…được tiêm vắc xin từ đề nghị hỗ trợ của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh. Ảnh: Lê Na
Lời đề nghị hỗ trợ vắc xin của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh liền được lãnh đạo các cấp tạo điều kiện, cấp 15.000 liều vắc xin Pfizer. Ngay sau đó, ông kêu gọi lãnh đạo Bệnh viện Ða khoa Quốc tế Nam Sài Gòn đưa nhân viên y tế đến tận các cơ sở tôn giáo tiêm cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và tăng ni Phật tử. Gần 100 chuyến xe lăn bánh, phục vụ vô vị lợi, bất kể giờ giấc cho hơn 50 cơ sở của các tôn giáo không chỉ ở TPHCM mà còn đến Bình Dương, Ðà Lạt, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Thuận…
Trước đó, ông cũng được UBND TP Hồ Chí Minh trao phần thưởng cao quý tại Lễ tuyên dương những tấm gương thầm lặng mà cao cả lần 6 – năm 2024. Và ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cũng được Bộ Công an vinh danh tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28 và biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo, giai đoạn 2014-2024.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là người gắn bó công tác Mặt trận lâu nhất hiện nay khi trải qua 10 đời Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ thời Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến nay, và cũng là người quen biết, đồng hành cùng với ông Lê Đức Thịnh từ những ngày đất nước mới thống nhất. Đánh giá về hành trình 50 năm của người Công giáo tiêu biểu này, ông Nguyễn Túc cho rằng, đó là một hành trình tỏa sáng đức tin để phục vụ dân tộc và bảo vệ dân tộc, đem lại nhiều giá trị thiết thực cho đất nước và Giáo hội, từ đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giám mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục Giáo phận Kon Tum cho biết, Đức Giáo hoàng Francis đã kêu gọi, là người Kito giáo không tạo ra các bức tường, mà hãy bắc những cây cầu. Hành trình của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đang đi chính là hiện thân cho tinh thần của một Kitô hữu ở thế gian xây cầu, không xây tường. Những cây cầu giúp mọi người đến được với nhau, hiểu biết nhau, thông cảm với nhau, từ đó góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. “ Tôi mong rằng, trong thời gian tới, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh tiếp tục dấn thân bắc những cây cầu, lan tỏa tình yêu thương của Thiên Chúa đến với mọi người, mọi nhà nhất là người nghèo khổ”, Giám mục Nguyễn Hùng Vị chia sẻ.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thăm hỏi tri ân các gia đình chính sách tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ảnh: Quang Vinh
Tước phẩm Hiệp sĩ có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao. Ông Lê Đức Thịnh và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Yến được Giáo hoàng Benedict 16 ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại thánh giá và Hiệp sĩ Đại thánh giá Phu nhân vào ngày 12/6/2007. Kể từ năm 1831 cho đến nay, trên thế giới có 13 Hiệp sĩ Đại thánh giá, trong đó ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tước phẩm. Bà Nguyễn Thị Kim Yến cũng là người phụ nữ đầu tiên được Giáo hoàng phong tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tu-hao-la-nguoi-con-cua-thanh-pho-nghia-tinh-10304365.html