Chiến thần livestream phải nộp thuế thế nào sau những phiên doanh thu trăm tỷ?
Trong các phiên livestream trên TikTok, Shopee mang lại doanh thu cả trăm tỷ đồng. Bên cạnh băn khoăn về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, việc đóng thuế đối cũng được nhiều bạn trẻ mong muốn gia nhập thị trường này hết sức quan tâm.
Gần 2 tháng trước, trong "đại chiến" livestream ngày 5/6 và 6/6, phiên live nhà Quyền Leo Daily (Lã Quốc Quyền - sinh năm 1995 và Nguyễn Lan Anh - sinh năm 1992) với mục tiêu đạt 150 tỷ đồng. Phiên live bắt đầu từ 10h sáng ngày 5/6 và chính thức dừng bán hàng ở khoảng 20h ngày 6/6. Chỉ sau 1 giờ đầu tiên, Quyền Leo thông báo đã đạt doanh thu 11 tỷ đồng. Tính tổng cộng, thời lượng bán hàng của cặp đôi “chiến thần" này khoảng 34 tiếng. Cặp đôi đã chốt được 232k đơn hàng doanh thu, đạt gần 76 tỷ đồng.
Nhiều người tinh ý nhận ra, cặp đôi cũng thường xuyên thay đổi cách công bố doanh thu trong phiên live. Ban đầu vợ chồng Quyền Leo cập nhật ngay trên màn hình live đồng thời liên tục đăng video cập nhật. Tuy nhiên đến chiều tối ngày 5/6, doanh thu cập nhật cũng như tổng doanh thu mục tiêu đều đã được tắt đi, thay bằng tỷ lệ giảm giá. Chia sẻ ở cuối phiên live, Quốc Quyền nhấn mạnh mình đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật, toàn bộ hàng hóa chính hãng.
Cũng trong giữa tháng 5 vừa qua, “chiến thần” livestream Võ Hà Linh tiếp tục có phiên bán hàng với các sản phẩm giảm giá từ 30-70%, kèm deal sốc, voucher freeship, giảm giá khi mua combo cùng nhiều quà tặng… Phiên livestream thường xuyên duy trì lượt theo dõi khủng, lên đến 110.000–130.000 mắt xem cùng thời điểm.
Phiên bán hàng thu hút đến mức nhiều sản phẩm trong phiên bán cháy hàng. Chỉ sau gần 2 tiếng livestream, Võ Hà Linh đã đạt 85% doanh thu cam kết với các nhãn hàng, nên phiên livestream có thể kết thúc sớm hơn so với dự kiến. Võ Hà Linh không công bố doanh thu của phiên livestream với lý do “nhạy cảm” nhưng nhiều người dự đoán phiên bán hàng này mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Trước làn sóng những phiên livestream mang lại doanh thu khủng trên khắp các sàn thương mại điện tử TikTok Shop, Shopee, nhiều người băn khoăn việc các chiến thần livestream nộp các khoản thuế thế nào.
Livestream không ĐKKD, nộp thuế lên tới 35%
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 - 150 tỷ đồng mỗi phiên. Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội.
Nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% VAT, 2% thu nhập cá nhân).
Đối với cá nhân không đăng kí kinh doanh, việc livestream coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%.
“Tôi hết sức bất ngờ với những phiên bán hàng doanh thu kỷ lục như của gia đình Quyền Leo Daily và nhiều bạn trẻ khác”, bà Cúc nói.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 50 năm trong ngành thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế lưu ý, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.
Bà Cúc gợi ý, người livestream bán hàng nộp thuế theo hai hình thức. Thứ nhất, nếu cá nhân đăng kí nộp thuế với hộ cá nhân kinh doanh thì nộp thuế 7% trên hoa hồng nhận được từ nhãn hàng (5% VAT, 2% thu nhập cá nhân). Trường hợp thứ hai, nếu cá nhân không đăng kí kinh doanh, việc livestream coi như làm thuê cho nhãn hàng thì nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từng phần từ 5% - 35%. Nhãn hàng tạm khấu trừ thuế 10% trên hoa hồng trước khi chi trả cho cá nhân, nộp vào ngân sách nhà nước và cá nhân có trách nhiệm tự khai quyết toán thuế năm với cơ quan thuế.
“Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người dùng”, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế nhấn mạnh.
Bà Cúc chỉ ra có nhiều người kinh doanh do vô tình hoặc hữu ý đã “quên” thực hiện nghĩa vụ về thuế. Thực tế, không ít người có doanh thu hàng tỷ đồng từ thương mại điện tử, nhưng lại không có suy nghĩ cần phải nộp thuế.
Dẫn thông tin từ Tổng cục Thuế, 6 tháng đầu năm, cơ quan này rà soát, kiểm tra gần 43.000 doanh nghiệp, cá nhân về khai, nộp thuế, thu gần 9.980 tỷ đồng, tăng khoảng 3.480 tỷ đồng so với cùng kỳ, bà Cúc chỉ ra việc thu thuế những năm gần đây hiệu quả hơn là do cơ quan thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tốt lên.
Do vậy, người bán hàng cần phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, cân nhắc giữa cái lợi của việc kê khai, nộp thuế đầy đủ với việc trốn thuế. Việc nộp thuế còn góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.
"Nếu không tự đăng ký, kê khai và nộp thuế, ngoài việc bị truy thu thuế, người nộp thuế còn bị phạt chậm nộp thuế 0,03%/ngày. Và khi bị cơ quan chức năng phát hiện cố tình trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên thì người nộp thuế sẽ bị xử lý hình sự" - bà Cúc thông tin.
Bà Cúc gợi mở các hộ và cá nhân kinh doanh nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Đồng thời, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Nhiều rủi ro về thuế trong kinh doanh TMĐT
Thông tin về thực trạng bán hàng trên sàn TMĐT, bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối nền tảng kế toán dịch vụ của Công ty Misa, phân tích việc kinh doanh TMĐT hiện nay bộc lộ nhiều khó khăn trong quản lý doanh thu vì hàng hóa được bán trên nhiều sàn, nhiều nền tảng khác nhau. Do đó, việc thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ tốn nhiều nhân sự để xuất hóa đơn.
Khi xuất hóa đơn thủ công, do thông tin trên sàn và trên phần mềm quản lý khác nhau; số lượng về hóa đơn phải xuất hàng ngày rất lớn, nhà bán hàng dễ dẫn đến sai thời điểm vì thực trạng bán hàng không cố định thời gian. Với các hộ kinh doanh kê khai và doanh nghiệp, việc thông tin rời rạc ở nhiều giải pháp quản lý khác nhau có thể gây ra sai sót số liệu; việc lập tờ khai thủ công và đối chiếu các tờ khai báo cáo thuế dẫn tới rủi ro về thuế; thiếu thông tin cập nhật về thuế, dẫn tới việc xử lý sai sót và rủi ro về thuế…
Do đó, theo bà Trang, các doanh nghiệp cần có bộ giải pháp kết nối trực tiếp với các sàn TMĐT, đồng bộ dữ liệu vào phần mềm bán hàng để quản lý hàng hóa, tồn kho và doanh thu từ nhiều kênh, tích hợp với hóa đơn điện tử, chữ ký số và phần mềm kế toán. Từ đó, hệ thống tự động xuất hóa đơn và truyền dữ liệu lên cơ quan thuế và thực hiện các nghĩa vụ kê khai, báo cáo thuế nhanh chóng, chính xác.
TikTokShop không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam biết, cũng nhận định mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop. “Nhiều bạn trẻ coi livestream bán hàng như một công việc làm thêm buổi tối để có thêm khoản thu nhập. Tuy chỉ mang lại vài trăm ngàn mỗi ngày nhưng là nguồn thu bảo đảm cuộc sống cho họ. Việc này mang ý nghĩa nhân văn nên TikTok muốn làm bền vững”, ông Thanh nói.
Tuy vậy, ông Thanh cũng thừa nhận những vấn đề về thuế đang được các nhà bán hàng, nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm là khoản phải nộp khi có doanh thu, nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết…
Cho rằng TikTok là nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký kê khai và nộp thuế nhà thầu đối với nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số theo quy định của pháp luật Việt Nam, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, theo quy định hiện tại, TikTokShop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng và vì vậy, TikTokShop cũng sẽ không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Tùy từng trường hợp cụ thể, TikTokShop sẽ làm việc với cơ quan thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành.
Giải đáp thắc mắc tiền hoa hồng nhà sáng tạo nội dung nhận từ TikTokShop đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân chưa, đại diện TikTok Việt Nam lý giải: "Tiền hoa hồng mà nhà sáng tạo nhận được là số tiền chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân. Con số này ngoại trừ một số trường hợp nhà bán hàng đã thực hiện khấu trừ và sẽ có thông báo hiển thị trên ứng dụng".
Theo ông Thanh, trong trường hợp nhà bán hàng thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của nhà sáng tạo, đây là số tiền thuế tạm tính. Theo đó, nhà sáng tạo sẽ có thể phải nộp thêm thuế hoặc được hoàn thuế khi thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân hằng năm, tùy từng trường hợp cụ thể.