Chiến thắng đầu tiên của Anh hậu Brexit

Hiệp định mới giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) được xem là chiến thắng đầu tiên của Anh, và là bước đầu đưa nước này trở lại vị thế toàn cầu kể từ khi rời khỏi Liên minh châu Âu.

Khi quan hệ giữa Pháp và Mỹ xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, Anh đã nổi lên như kẻ chiến thắng không lường trước, dù liên minh mới giữa Mỹ, Anh, Australia đã gây ra sự giận dữ và những lời buộc tội trên khắp ba châu lục.

Trong bài bình luận về Anh sau hiệp định AUKUS, New York Times cho biết theo các quan chức ở London và Washington, chính phủ Anh đã đóng vai trò dẫn dắt trong việc môi giới để tạo nên liên minh ba bên với Mỹ và Australia, nhằm triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Thái Bình Dương.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt được công bố vài giờ sau khi Australia hủy thỏa thuận tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Pháp, gây ra sự giận dữ ở Paris, trong khi London tận hưởng sự thỏa mãn.

Đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, đây là chiến thắng hữu hình đầu tiên của ông trong chiến dịch đưa nước Anh trở lại vị thế toàn cầu thời hậu Brexit, New York Times nhận xét.

Tiến gần hơn đến “Nước Anh Toàn cầu”

Kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào 18 tháng trước, những người ủng hộ Brexit luôn nhắc đi nhắc lại cụm từ “Nước Anh Toàn cầu” (Global Britain), nhưng dường như nước này chưa thực sự đạt được thành tựu nào đáng kể để khẳng định khẩu hiệu trên.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái), và Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 15/9. Ảnh: New York Times.

Tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tuyến cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison (trái), và Thủ tướng Anh Boris Johnson vào ngày 15/9. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, thỏa thuận được ký kết vào ngày 15/9, trong đó Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia tàu ngầm, đã khẳng định vị thế của Anh như một cường quốc quân sự có chuyên môn về hạt nhân, cũng như là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ. Thỏa thuận cũng cho thấy nỗ lực của Thủ tướng Johnson trong việc xây dựng sự hiện diện của Anh ở châu Á.

Giờ đây, Anh đã đàm phán các thỏa thuận thương mại với Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời triển khai một tàu sân bay để giúp Mỹ theo dõi Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang khẳng định tham vọng đế quốc của mình bằng cách xây dựng một chuỗi cơ sở quân sự.

Kim Darroch, cựu đại sứ Anh tại Washington, nói: “Lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu trở thành nước Anh toàn cầu. Chúng tôi đang bắt đầu xây dựng sự hiện diện thực sự, trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế, ở khu vực đó của thế giới”.

Ông Darroch cảnh báo rằng các lợi ích kinh tế mà Anh có thể thu được từ thỏa thuận vẫn phải đàm phán với Mỹ. Việc tham gia một liên minh an ninh cũng đặt ra cái giá và kỳ vọng đối với Anh.

Các quan chức Anh nói rằng thỏa thuận này là bằng chứng về khả năng vươn mình của họ một cách cứng rắn trong một thế giới hậu Brexit.

Theo các quan chức Anh, Australia tiếp cận Anh trước để đề nghị Anh và Mỹ giúp nước này triển khai tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Australia cho rằng các mẫu động cơ diesel được cung cấp trong thỏa thuận với Pháp sẽ không phù hợp cho một tương lai mà Trung Quốc là mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết.

 Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6. Ảnh: UPI.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6. Ảnh: UPI.

Các quan chức cho biết Anh và Australia đã tích cực đưa ra đề nghị với Washington, bao gồm cuộc trao đổi giữa ông Johnson và ông Biden vào tháng 6 tại hội nghị Nhóm 7 nước (G7) ở Cornwall, Anh. Họ tiết lộ Anh đã phải thuyết phục phía Mỹ về lý do Australia không thể mua tàu ngầm trực tiếp từ Mỹ.

Trong số các lập luận, Anh nói rằng các giao thức quân sự của nước này liên kết chặt chẽ hơn so với các giao thức của quân đội Australia. Vì vậy, với sự có mặt của Anh, Australia có thể vận hành các tàu được trang bị công nghệ của Anh dễ dàng hơn.

Một quan chức chính quyền Biden cho biết Nhà Trắng không có ý định loại Anh ra khỏi liên minh.

“Đặc biệt không có nghĩa là bình đẳng”

Johnson cho biết ông xem “mối quan hệ đặc biệt” với Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của mình, bất chấp việc ông Biden từng gạt quan điểm của Anh về Afghanistan sang một bên.

Thủ tướng đã nói rõ rằng Anh sẽ ủng hộ ông Biden về ưu tiên của Mỹ trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Năm 2016, ông Johnson lập luận rằng việc rời Liên minh châu Âu sẽ cho phép Anh độc lập hơn trong các hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình ở Hong Kong - thuộc địa cũ của Anh, chính sách về Trung Quốc của Anh gần như không khác so với chính sách của Mỹ.

Một số chính khách Anh cho rằng lợi ích từ thỏa thuận tàu ngầm không đáng để chấp nhận những hậu quả tiềm ẩn. Theresa May, cựu Thủ tướng Anh, cảnh báo rằng Anh có thể bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Bên cạnh đó, thỏa thuận tàu ngầm có thể sẽ làm xấu đi mối quan hệ giữa nước này với Pháp, vốn đang căng thẳng do các tranh chấp hậu Brexit về quyền đánh bắt cá và người di cư qua eo biển Manche.

 Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện đại nhất của Anh tại Căn cứ Hải quân Portsmouth, Anh, hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hiện đại nhất của Anh tại Căn cứ Hải quân Portsmouth, Anh, hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Sự xem thường của chính phủ Pháp đối với Anh thể hiện rõ trong phản ứng của nước này trước tin tức về liên minh. Pháp triệu hồi các đại sứ của mình tại Mỹ và Australia nhưng lại cử đại diện đến Anh - một động thái mà truyền thông Pháp nói rằng có nghĩa là họ coi Anh là một kẻ nhỏ bé trong cuộc chiến địa chính trị.

Các nhà phân tích khác cho biết Pháp đặc biệt khó chịu vì họ tin rằng Mỹ đang giúp đỡ Anh, trong khi nghĩ rằng Anh nên bị trừng phạt vì rời Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, thỏa thuận giữa London và Washington có thể không thuận buồm xuôi gió vì vướng phải một số bất lợi từ Bắc Ireland - phần lãnh thổ đang thúc giục Anh thay đổi một số điều trong các thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

Ngày 17/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, trong chuyến thăm đến London, nhắc lại cảnh báo rằng nếu Anh gây nguy hiểm cho hòa bình ở Bắc Ireland, Quốc hội Mỹ sẽ không thông qua thỏa thuận thương mại giữa Anh và Mỹ.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng thái độ ông Biden đối với Anh ở Afghanistan, cùng với thông báo ngắn mà Nhà Trắng gửi cho Pháp trước khi công bố liên minh an ninh, cho thấy Mỹ sẽ theo đuổi lợi ích của mình mà không quan tâm đến tính nhạy cảm của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Leslie Vinjamuri, giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại Chatham House, một tổ chức nghiên cứu của Anh, cho biết: “Điều đáng chú ý nhất là người Mỹ ít nói về điều này (thỏa thuận tàu ngầm), còn Anh thì nói rất nhiều. Thực tế cơ bản đó nói lên nhiều điều về mối quan hệ đặc biệt này. Đặc biệt không có nghĩa là bình đẳng”.

Hồng Ngọc

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chien-thang-dau-tien-cua-anh-hau-brexit-post1264433.html