Chiến tranh mạng Nga – Ukraine: Nga 'lãnh đủ' từ đội quân hacker tình nguyện
Với gần 300.000 hacker được huy động, đội quân đông đảo này của Ukraine đã liên tục tấn công vào các tổ chức chính phủ, cũng như dịch vụ web của Nga.
Đội quân tình nguyện hùng hậu của Ukraine
Sau khi dồn dập tấn công mạng Ukraine ở thời điểm mở đầu cuộc chiến, đặc biệt là các cuộc tấn công vào website Chính phủ và ngân hàng, trong 2 tuần vừa qua có vẻ như số vụ tấn công mạng từ Nga vào Ukraine đã thuyên giảm. Gần như không có thông tin về các cuộc tấn công mạng tiếp theo nào nghiêm trọng của Nga vào Ukraine trong thời gian gần đây, tuy nhiên ở chiều ngược lại Nga lại liên tục phải đối phó với các cuộc tấn công mạng vào nước mình. Tất cả các cuộc tấn công này đến từ nhiều nơi trên thế giới, được thực hiện bởi đội quân tình nguyện mà Ukraine kêu gọi trong thời gian vừa qua.
Gần 300.000 hacker tình nguyện trên khắp thế giới đã tham gia vào đội quân công nghệ thông tin của Ukraine để chống lại Nga theo lời kêu gọi của nước này. Các hacker này đến từ Anh, Mỹ, Thụy Sỹ hay cả những nước như Lithuania… tất cả đều chung một mục tiêu đó là tấn công vào các cơ quan trọng yếu của Nga nhằm giảm tiềm lực kinh tế của nước này, qua đó buộc họ phải dừng các cuộc tấn công vào Ukraine.
Theo NetBlocks, công ty giám sát kết nối internet toàn cầu, đội quân hacker đông đảo đã thành công trong việc phá vỡ các dịch vụ web của Nga. NetBlocks cho biết tính khả dụng của các trang web Điện Kremlin và Duma (Hạ viện Nga) "không liên tục" kể từ khi cuộc tấn công Ukraine bắt đầu. Trang web cho các dịch vụ truyền thông thuộc sở hữu nhà nước Nga, một số ngân hàng và tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom cũng bị nhắm mục tiêu.
Alp Toker, Giám đốc NetBlocks, nói: “Các cuộc tấn công có nguồn lực từ cộng đồng đã thành công trong việc phá vỡ các trang web truyền thông của chính phủ và nhà nước Nga”. Mặc dù Nga đã tiến hành nhiều biện pháp để giảm thiểu và ngăn chặn hacker, tuy nhiên thực tế hệ thống các trang web của nước này vẫn liên tục gặp gián đoạn trong thời gian dài.
Nga “lãnh đủ” từ các cuộc tấn công mạng
Theo Gadget360, số vụ tin tặc nhằm vào trang web chính phủ và các ngân hàng của Nga trong 2 tuần đầu tháng 3 vừa qua đã tăng gấp 4 lần so với tháng 2.
Các trang web của tổ chức chính phủ và các công ty thuộc sở hữu nhà nước Nga đã trở thành mục tiêu tấn công mạng sau các sự kiện ở Ukraina. Các trang của Điện Kremlin, hãng hàng không Aeroflot và công ty cho vay lớn Sberbank đã nằm trong số những trang web bị ngừng hoạt động hoặc gặp các vấn đề truy cập tạm thời.
Chi nhánh an ninh mạng của công ty viễn thông Rostelecom, hôm 11/3 cho biết đã ghi nhận hoạt động gia tăng trên các diễn đàn tin tặc vào ngày 22-23/2, tiếp theo đó là các cuộc tấn công hàng loạt vào tài nguyên Internet của chính quyền Nga bắt đầu từ ngày 25/2.Mục tiêu chính của những kẻ tấn công là các nguồn lực của chính phủ Nga và chỉ trong ba ngày qua 1.700 cuộc tấn công DDoS đã nhằm vào một cổng thông tin của chính phủ Nga.
Theo hãng tin Sputniknews, ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trang web của bộ này đã bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) cả ngày lẫn đêm. Phát biểu trong chương trình Solovyov Live trên YouTube, bà Zakharova cho biết thêm “trang web (của Bộ Ngoại giao Nga), giống như trang web của các cơ quan chính phủ khác, đã bị tấn công DDoS 24/24 trong hai tuần nay."
Cũng theo chi nhánh an ninh mạng trên, tấn công thương mại cũng gia tăng, khi hơn 1.100 cuộc tấn công vào các doanh nghiệp của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng, vốn cũng đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề, kéo dài từ ngày 1 đến ngày 10/3, nó đã vượt quá tổng số vụ xảy ra trong tháng 2.
Hơn 450 cuộc tấn công mạng đã được ghi nhận nhằm vào các ngân hàng Nga, cao hơn gấp bốn lần so với tổng số vụ xảy ra trong tháng 2/2022.
Những rủi ro khi sử dụng đội quân tình nguyện
Xét một cách tổng thể, nhờ đội quân tình nguyện Ukraine đang thắng thế trên mặt trận tấn công mạng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia an ninh mạng họ cảm thấy lo lắng khi có thể có những rủi ro đến từ đội quân tình nguyện này.
Theo ông Alan Woodward, Giáo sư về an ninh mạng tại Đại học Surrey (Anh), cho biết, ông lo ngại về việc thiếu trách nhiệm liên quan đến việc ai là người chỉ đạo kế hoạch chiến đấu và chiến lược tổng thể.
Ông nhận định, những gì mà đội quân này đang làm chủ yếu là gây nhiễu, nó gây phiền toán cho người Nga, nhưng có thể thấy các cuộc tấn công mạng này không thực sự ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Nga trên mặt trận trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, theo Alan Woodward chia sẻ một đội quân gồm 300.000 hacker sẽ luôn có một số mầm mống xấu. Cụ thể, những tình nguyện viên này có thể bắt đầu tấn công các mục tiêu không thực sự như những gì chính phủ Ukraine muốn. Điều này có thể là tình cờ.
“Bao lâu thì ransomware (mã độc tống tiền) sẽ được sử dụng và gây ảnh hưởng? Tôi không nghĩ có ai muốn điều đó. Bạn không bao giờ biết ai trong một nhóm tình nguyện viên. Họ không chỉ có thể làm điều gì đó không mong muốn nhân danh Ukraine mà còn có thể làm gì đó ảnh hưởng trực tiếp đến luận điệu của người Nga”, ông phân tích.
Đánh giá về việc tập hợp đội quân tình nguyện là rất đáng chú ý, nhưng theo bà Agnes Venema, học giả về an ninh quốc gia và tình báo tại Đại học Malta, bình luận: “Mức độ hữu ích của họ phụ thuộc vào mức độ bạn có thể kiểm tra họ. Bạn có thể điều phối họ tốt như thế nào và kỹ năng của họ ra sao. Đổi tên du thuyền của Putin thì dễ thương, nhưng việc hack các đài truyền hình Nga để phát bài quốc ca Ukraine có giúp người Ukraine đạt được mục tiêu chiến lược của họ không?”.
Cũng theo bà Agnes Venema, việc sử dụng đội quân tình nguyện cũng gây ra nhiều nguy hiểm cho họ, bởi ngay sau khi bắt đầu nhận lệnh từ quân đội Ukraine, hacker sẽ bỏ tư cách là dân thường và có thể được coi là chiến binh. Điều đó có nghĩa là những người này là mục tiêu quân sự hợp pháp.
Liệu những người bảo vệ quyền tồn tại của Ukraine có biết hay lo lắng về điều đó không là câu hỏi khác.
Lê Mỹ(Tổng hợp)