Chiến trường Đồng Lộc và chiến thắng của quân, dân ta

Sau Tết Mậu Thân 1968, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Thời điểm này , Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc, giữ vững mạch máu giao thông

55 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc, sự hy sinh anh dũng của 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, chiến tích Làng K130 vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, nước Việt Nam tạm thời chia cắt làm 2 miền và tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng: cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Năm 1956, Pháp rút quân khỏi miền Nam, đế quốc Mỹ lập tức nhảy vào thế chân Pháp. Từ năm 1961-1965, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, mặc dù đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức, thực hiện nhiều thủ đoạn, biện pháp, nhưng chúng không dập tắt được phong trào cách mạng sục sôi ở miền Nam. Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào, chiến sĩ miền Nam phát triển nhanh chóng, thu được những thắng lợi to lớn, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ từng bước thất bại.

Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam; đồng thời, mở rộng hoạt động không quân và hải quân, ném bom bắn phá miền Bắc gây áp lực hòng làm giảm chi viện về sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam.

Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ từng bước mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và có mối quan hệ chặt chẽ với cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam. Cách mạng 2 miền có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tác động lẫn nhau và đều nhằm thực hiện một nhiệm vụ chiến lược chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

Bộ đội hành quân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu (Nguồn: QĐND)

Bộ đội hành quân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu (Nguồn: QĐND)

Năm 1968 là năm khốc liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Sau Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, nhu cầu tăng viện cho chiến trường miền Nam về vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn vô cùng cấp thiết. Từ ném bom không hạn chế, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện kế hoạch ném bom hạn chế, tập trung toàn bộ sức mạnh không quân, hải quân đánh phá ác liệt 4 tỉnh khu IV cũ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

Do vị trí địa bàn có tính chiến lược quan trọng, ngay từ đầu, đế quốc Mỹ và tay sai đã dùng nhiều thủ đoạn đánh phá Hà Tĩnh. Ngoài việc đánh vào các cơ sở kinh tế và quốc phòng, dân cư, chúng tập trung đánh phá hệ thống GTVT. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc - huyết mạch giao thông quan trọng bị đánh phá ác liệt.

Nhận rõ âm mưu của địch trong chiến tranh phá hoại, thực hiện chiến lược: “kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào” được thông qua tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III (tháng 12/1965), Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã sớm xác định được nhiệm vụ hàng đầu của địa phương bên cạnh việc đánh mạnh tiêu diệt nhiều máy bay, tàu chiến địch, phải đảm bảo GTVT thông suốt. Nghị quyết đặc biệt của BCH Đảng bộ tỉnh họp tháng 3/1966 ghi rõ: “Bất kỳ tình huống nào xảy ra, dù phải trả bất kỳ giá nào kể cả phải hy sinh xương máu, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh ta cũng phải bảo đảm kế hoạch GTVT”.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Ảnh tư liệu

Sau Tết Mậu Thân 1968, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Ảnh tư liệu

Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu GTVT khi các tuyến ở đồng bằng bị cắt đứt. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu. Toàn bộ khu vực Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi các xã: Đồng Lộc (nay là thị trấn Đồng Lộc), Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc. Địa hình trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy, mùa khô đường bụi đỏ, mùa mưa nước đọng, khi bị địch đánh phá khắc phục rất khó khăn.

Nhận rõ vị trí quan trọng của Đồng Lộc, ngay sau khi đánh sập tất cả các cầu trên đường 1A, làm cắt đứt hoàn toàn 157m của tuyến đường này, kẻ thù tiếp tục đánh phá đường 15A (Lạc Thiện - Đồng Lộc - Khe Giao - Hương Khê - Quảng Bình và từ Lạc Thiện - Đồng Lộc - Khe Giao rồi theo đường 21, 22 vào Quảng Bình), trọng điểm là từ cống 19 (Phú Lộc) đến Khe Giao. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, chúng đã đánh vào Ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc-két và đạn 20 mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28 ngày, ngày đánh nhiều nhất 103 lần bay với trên 800 quả bom các loại.

Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom. Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường… Ban ngày, chúng tập trung đánh chặn các lối ra vào. Ban đêm, chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc-két, đạn 20 mm nhằm vào các lực lượng ứng cứu giao thông của ta. Kẻ thù muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành điểm chết, hoang tàn không cho người và xe qua lại. Trước tình hình đó, không còn lựa chọn nào khác là phải giữ huyết mạch giao thông tuyến 15A (Lạc Thiện - Khe Giao) thông suốt, vì nếu tuyến đường này bị cắt đứt thì việc chi viện, tiếp tế cho tiền tuyến gặp rất nhiều khó khăn, phải đi theo đường 8 lên Lào vào đường 13 (Lào).

Ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Nhưng bên địch quyết phá thì bên ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực quyết giữ cho bằng được đường 15A.

Các nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Các nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động lực lượng dồn sức cho Đồng Lộc để giải tỏa điểm chốt, giữ vững mạch máu giao thông. Ban đảm bảo giao thông Trung ương và tỉnh quyết định điều động toàn bộ lực lượng TNXP N55-P18 gồm 7 đại đội vào trấn giữ tại 7 vùng chủ yếu: Đại đội 551 được điều từ La Khê về Khe Giao; Đại đội 552 được điều từ đường 28 về Xuân Lộc; Đại đội 553 được điều về Eo Út; Đại đội 554 được điều từ Khe Ác về Mỹ Lộc; Đại đội 555 được điều về Nhân Lộc và Phú Lộc; Đại đội 556 được điều từ Bãi Dịa (Mỹ Lộc) về Đồng Liên, Đồng Lộc; Đại đội 557 được điều từ Linh Cảm về Đồng Lộc. Tổng số cán bộ, chiến sĩ TNXP N55 thường xuyên xấp xỉ 1.200 người.

Ngoài ra, lực lượng chiến đấu còn bao gồm: Trung đoàn pháo cao xạ 210, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ địa phương, một bộ phận của Tiểu đoàn 30 công binh Quân khu IV, Đại đội chủ lực cầu, Đại đội 2 chủ lực giao thông huyện Can Lộc, Tiểu đội Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh, Viện Kỹ thuật Bộ GTVT, đội xe cơ giới Ty GTVT Hà Tĩnh, Tiểu đoàn 57 Công binh Hà Tĩnh (D57), Tiểu đoàn 94 - Sư đoàn 350 Quân khu III (D94), các đơn vị TNXP và Nhân dân địa phương. Các tổ quan sát, đếm bom, cắt tiêu, tổ rà phá bom mìn, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành.

(Còn nữa)

P.V

(Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/chinh-quyen/chien-truong-dong-loc-va-chien-thang-cua-quan-dan-ta/250618.htm