Chiềng Khay phát triển cây ăn quả trên đất dốc

Thay đổi tư duy về sản xuất, những năm gần đây, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chú trọng cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nông dân xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai chăm sóc cây ăn quả.

Nông dân xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai chăm sóc cây ăn quả.

Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Từ nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn tài trợ, xã hội hóa, nhân dân trong xã đã được hỗ trợ 50 ha giống cây ăn quả, tổng kinh phí trên 900 triệu đồng, nâng diện tích cây ăn quả của xã lên hơn 150 ha. Hiện, trong xã đã xuất hiện một số mô hình kinh tế hiệu quả, như: Mô hình trồng chanh leo, mận hậu, kết hợp trồng sả của ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng su su, cây ăn quả của gia đình ông Lò Văn Thịnh, bản Có Nàng, thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; trồng mận, xoài, dược liệu, mắc ca của hộ bà Tẩn Thị Phan, bản Phiêng Bay, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm... Cùng với đó, xã thu hút một số doanh nghiệp đến đầu tư trồng cây chanh leo và cây mắc ca, với diện tích 100 ha, qua đó, giúp các hộ nâng cao kỹ thuật chăm sóc cây trồng và tiêu thụ nông sản.

Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả kết hợp trồng sả của ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay. Với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, gia đình ông đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng ngô, sắn sang trồng 1.500 cây bơ, mận hậu, xoài, mận tam hoa... Theo đó, ông vận động 7 hộ trong bản thành lập HTX Chiềng Khay Xanh do ông làm Giám đốc. Đến nay, HTX có ha 27 ha cây quả, trong đó, 12 ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Lò Xuân Hồ, cho biết: Khi chuyển đổi từ trồng ngô, sắn sang trồng cây ăn quả sẽ cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/ha, những diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP có thể đạt từ 200-500 triệu đồng/ha. Cùng với đó, HTX còn liên kết với các hộ dân trong xã trồng 3 ha sả Java để sản xuất tinh dầu và trồng 15 ha bí xanh.

Còn gia đình anh Lò Văn Sỹ, bản Có Nàng, chuyển đổi 1,5 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc sang trồng xoài Đài Loan, vụ xoài năm nay dự kiến thu hơn 6 tấn quả. Anh Sỹ chia sẻ: Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình gặp không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật. Với sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn và học hỏi từ các mô hình tôi đã có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây ăn quả. Dự kiến riêng vụ xoài năm nay thu về hơn 60 triệu đồng.

Mở rộng diện tích cây ăn quả, Chiềng Khay đang tập trung quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; tổ chức cho các hộ dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình trồng cây ăn quả thành công tại các địa phương trong và ngoài huyện... Đồng thời, chú trọng phát triển mở rộng diện tích cây quế, góp phần nâng cao tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi trọc. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn xã có 300 ha cây ăn quả chất lượng cao và 100 ha cây quế.

Những nương đồi phủ màu xanh của cây ăn quả đã làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp của Chiềng Khay. Hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã và đang góp phần hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2022, Chiềng Khay cán đích nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chieng-khay-phat-trien-cay-an-qua-tren-dat-doc-50755