Chiều nay, lần thứ 5, Thủ tướng đối thoại với nông dân
300 đại biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu nông dân trên cả nước sẽ có mặt trực tiếp tham gia đối thoại với Thủ tướng tại đầu cầu Hà Nội.
Chiều nay, 30-12, tại Hà Nội sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Nông dân là chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững". Tham dự trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội có 300 đại biểu, đại diện cho hơn 10,2 triệu nông dân trên cả nước.
Đây là lần thứ năm Thủ tướng đối thoại với nông dân. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Văn phòng Chính phủ tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.
Tham gia đối thoại với Thủ tướng tại hội nghị lần này gồm đại diện các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân Việt Nam xuất sắc; các hợp tác xã tiêu biểu do Hội Nông dân Việt Nam hướng dẫn thành lập; các chuyên gia, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Ngoài ra còn có sự tham gia của các lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.
Tại các điểm cầu địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương; Thường trực tỉnh, thành Hội Nông dân và các ban, đơn vị trực thuộc, Thường trực Hội Nông dân cấp huyện...
Trước đó, từ năm 2018 đến nay, đã có bốn lần Thủ tướng đối thoại với nông dân. Lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Hải Dương (2018), lần thứ hai được tổ chức tại TP Cần Thơ (2019), lần thứ ba tại tỉnh Đắk Lắk (2020) và lần thứ tư tại tỉnh Sơn La (2022).
Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra ngay sau Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công tốt đẹp.
Đặc biệt, tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó cho biết Đảng và Nhà nước đã xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng bày tỏ băn khoăn về việc phải làm sao phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa cả ở thị trường trong nước và ngoài nước?
Làm sao để nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước. Làm sao để nông dân được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiếp cận các dịch vụ của đô thị?
Làm sao để nông thôn phát triển, an ninh được bảo đảm và thực sự trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa quê hương đều khát khao, mong muốn được trở về quê?
Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu Đảng cũng nhấn mạnh: “Bức tranh nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đó có thực sự hoàn mỹ hay không và giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, song Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam có vai trò trực tiếp và nòng cốt”.
Phấn đấu kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới mỗi năm
Với vai trò quan trọng của tầng lớp nông dân Việt Nam, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 46 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Nghị quyết đã đề ra các mục tiêu cụ thể như hằng năm, phấn đấu kết nạp từ 200.000 hội viên nông dân mới trở lên; 100% cán bộ hội nông dân chuyên trách các cấp, chi hội trưởng chi hội nông dân được bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ.
Cạnh đó, mỗi năm phải đào tạo, bồi dưỡng nghề cho từ 250.000 hội viên nông dân, lao động nông thôn trở lên; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho 50.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện trở lên.
Thành lập mới 5.000 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 500 chi hội nông dân nghề nghiệp. Vận động từ 450.000 hội viên nông dân trở lên tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã; thành lập mới 1.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và 200 hợp tác xã nông nghiệp.
60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu, trong đó có 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; 50.000 hội viên nông dân trở lên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chieu-nay-lan-thu-5-thu-tuong-doi-thoai-voi-nong-dan-post769439.html