Chính phủ ban hành quy định mới về hoạt động đầu tư từ các quỹ bảo hiểm
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường công tác quản lý đầu tư đối với các quỹ bảo hiểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 212/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết về hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/7/2025.
Theo quy định tại Nghị định mới, danh mục đầu tư trong nước được mở rộng và cụ thể hóa, bao gồm các sản phẩm tài chính an toàn và có tính thanh khoản cao.
Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được phép đầu tư vào công cụ nợ của Chính phủ như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc và công trái xây dựng Tổ quốc. Ngoài ra, danh mục đầu tư còn bao gồm trái phiếu của chính quyền địa phương và trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh.
Đáng chú ý, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng được phép gửi tiền tại các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần có trên 50% vốn điều lệ là vốn nhà nước. Tuy nhiên, không được thực hiện đầu tư tại các ngân hàng thương mại đang bị kiểm soát đặc biệt.
Tương tự, việc đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ giới hạn trong phạm vi các ngân hàng đủ điều kiện như đã nêu trên, nhằm đảm bảo tính an toàn và kiểm soát rủi ro. Đối với thị trường quốc tế, danh mục đầu tư chỉ giới hạn ở trái phiếu Chính phủ nước ngoài.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam được phép tự đầu tư hoặc thực hiện đầu tư thông qua hình thức ủy thác. Trong trường hợp ủy thác đầu tư, đơn vị này có trách nhiệm xây dựng phương án đầu tư cụ thể và trình Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội phê duyệt trong kế hoạch đầu tư hằng năm.
Trên cơ sở phương án đã được phê duyệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ lựa chọn tổ chức nhận ủy thác đầu tư và ký kết hợp đồng theo quy định pháp luật, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình triển khai.
Về nguyên tắc sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư, Nghị định quy định việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro phải tuân thủ giới hạn nhất định.
Cụ thể, mức trích lập hằng năm tối đa không vượt quá 2% tổng số tiền sinh lời, và chỉ được trích lập cho đến khi số dư quỹ dự phòng đạt mức 5% tổng dư nợ đầu tư vào các sản phẩm tiền gửi và trái phiếu ngân hàng nêu tại danh mục đầu tư trong nước của năm liền kề trước đó. Mức trích lập cụ thể sẽ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định trên cơ sở tình hình thực tiễn.
Trong thời gian chưa sử dụng, quỹ dự phòng rủi ro được phép đầu tư vào công cụ nợ của Chính phủ để đảm bảo tính an toàn và sinh lời bền vững.
Phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập quỹ dự phòng sẽ được phân bổ cho các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo tỷ lệ tương ứng với mức đóng góp lợi nhuận của từng quỹ. Việc phân bổ được thực hiện định kỳ hàng tháng và được điều chỉnh sau khi có kết quả quyết toán năm tài chính.
Cụ thể, đối với quỹ bảo hiểm xã hội, sau khi trích chi phí tổ chức và hoạt động theo quy định pháp luật, phần còn lại của lợi nhuận được phân bổ tiếp cho các quỹ thành phần theo tỷ lệ đóng góp vào lợi nhuận chung.
Lợi nhuận phân bổ vào quỹ bảo hiểm y tế sẽ được bổ sung vào quỹ dự phòng của quỹ này, sử dụng theo đúng quy định pháp luật. Tương tự, toàn bộ lợi nhuận phân bổ cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được đưa vào quỹ này để phục vụ cho các hoạt động theo đúng chức năng.
Nghị định cũng quy định rõ cơ chế kế toán, theo dõi và hạch toán dòng tiền đầu tư. Tất cả khoản tiền lãi phát sinh từ các tài khoản phản ánh thu, chi của các quỹ, bao gồm cả lãi từ tiền gửi kỳ hạn theo hình thức chuyển tiền tự động sẽ được xử lý và hạch toán theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cơ chế tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp.
Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động đầu tư, bao gồm chi phí lưu ký, chi phí giao dịch và các chi phí hợp pháp khác, cũng sẽ được hạch toán và chi trả theo đúng quy định.
Đặc biệt, số tiền gốc thu được từ các khoản đầu tư sẽ được theo dõi và ghi chép tách biệt theo từng loại quỹ, trong đó quỹ bảo hiểm xã hội phải được chi tiết hóa theo từng quỹ thành phần và hạch toán đúng theo chế độ kế toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Lợi nhuận thu được từ toàn bộ hoạt động đầu tư, bao gồm cả phần sinh lời từ quỹ dự phòng rủi ro sẽ được phân bổ cho các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội.
Tất cả hoạt động hạch toán phải tuân thủ chặt chẽ quy định kế toán hiện hành. Trong trường hợp thu hồi khoản đầu tư đã quá hạn, thứ tự hạch toán sẽ được ưu tiên theo nguyên tắc thu hồi nợ gốc trước, sau đó mới đến phần sinh lời. Trường hợp có bản án hoặc quyết định của Tòa án, việc hạch toán phải được thực hiện theo đúng nội dung phán quyết.