Chính phủ cần giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn cho cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trong năm 2026

Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án trong năm 2026.

Sáng 22/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có tốc độ từ 100 - 120km/h

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và TP HCM.

"Việc đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tại các Nghị quyết số 23-NQ/TW, số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã định hướng đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành trước năm 2030”, ông Thắng nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Về phạm vi đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: Dự án đầu tư khoảng 128,8 km, trong đó: tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km (bao gồm 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe).

Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100 – 120 km/h.

Để đảm bảo kết nối, phát huy hiệu quả khai thác, trong phạm vi dự án dự kiến đầu tư 11 nút giao liên thông, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối dân sinh như đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang... nhằm hạn chế tối đa chia cắt cộng đồng, đảm bảo điều kiện đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quá trình thi công và vận hành khai thác.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần.

Về hình thức đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần, trong đó: Dự án thành phần 1 (đường cao tốc) đầu tư theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT); các dự án thành phần 2, 3, 4, 5 thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Phước triển khai theo hình thức đầu tư công”.

Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, gồm: ngân sách trung ương 10.536,5 tỷ đồng (1.766,5 tỷ đồng bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và 8.770 tỷ đồng bố trí từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022); ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư thu xếp 12.770 tỷ đồng.

Đồng thời, việc chuẩn bị dự án năm 2023 và năm 2024; giải phóng mặt bằng năm 2024 và năm 2025; thi công xây dựng từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Địa phương cần cam kết bố trí đủ nguồn vốn

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung trên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết đầu tư Dự án với những lý do đã nêu tại Tờ trình số 112, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Về sơ bộ phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án.

Bên cạnh đó, số hộ dân bị ảnh hưởng lớn, vì vậy đề nghị cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.

Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt chi phí liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lúa của Dự án.

 Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Về phương án tài chính, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, theo Tờ trình số 215, lãi suất vốn vay Dự án là 10,7%, do đó, có ý kiến đề nghị làm rõ sự phù hợp lãi suất vốn vay với quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP. Bên cạnh đó, việc tính toán phương án tài chính của Dự án được lập trên cơ sở xác định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo chặng. "Do đó, có thể vượt quá khả năng chi trả của người tham gia giao thông tại khu vực này, làm giảm lưu lượng xe và ảnh hưởng đến phương án tài chính, tính khả thi, hiệu quả của Dự án, vì vậy đề nghị bổ sung làm rõ", ông Thanh nhấn mạnh.

Về nguồn vốn, cụ thể, đối với vốn ngân sách trung ương (NSTW) khoảng 10.536,5 tỷ đồng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, có ý kiến cho rằng việc bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 là không khả thi.

Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, số vốn Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được thực hiện đến ngày 31/01/2026. Dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Dự án trong năm 2026.

 Các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn NSĐP cho Dự án thực hiện bảo đảm tiến độ.

Các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn NSĐP cho Dự án thực hiện bảo đảm tiến độ.

Đối với vốn ngân sách địa phương (NSĐP) khoảng 2.233,5 tỷ đồng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, để bảo đảm tiến độ, chất lượng cho Dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn NSĐP cho Dự án thực hiện bảo đảm tiến độ.

"Có ý kiến cho rằng, hai địa phương này hiện chưa tự cân đối được ngân sách, hằng năm vẫn nhận hỗ trợ từ NSTW, do vậy việc cam kết bố trí vốn NSĐP như dự kiến sẽ rất khó khăn, đề nghị phải có giải pháp cụ thể hơn", ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Đối với vốn do nhà đầu tư thu xếp khoảng 12.770 tỷ đồng, chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án (chiếm 65% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 1 theo phương thức đối tác công tư), ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Để bảo đảm tính khả thi cho Dự án, đề nghị Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho Dự án, tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công.

Một nội dung đáng chú ý khác là kiến nghị các cơ chế chỉ định thầu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, để đẩy nhanh tiến độ Dự án thì việc kiến nghị cho phép áp dụng các cơ chế chỉ định thầu là phù hợp, thực tế thời gian qua Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế này đối với một số dự án. Tuy nhiên, đề nghị cần có các giải pháp trong quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-phu-can-giai-trinh-lam-ro-viec-bo-tri-nguon-von-cho-cao-toc-gia-nghia--chon-thanh-trong-nam-2026-post296448.html