Chính phủ đề xuất bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Chính phủ đề xuất bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức.

Nội dung trên được đề cập tại dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Công chức TP Hà Nội hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: Hữu Thắng)

Công chức TP Hà Nội hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: Hữu Thắng)

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và quán triệt chủ trương của Đảng, một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất sửa đổi là đổi mới công tác tuyển dụng công chức theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.

Quy định các phương thức tuyển dụng linh hoạt, ngoài thi tuyển, xét tuyển truyền thống còn bổ sung hình thức tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước… hoặc thực hiện ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

"Bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý công chức, đồng thời tăng cường cơ chế hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo phân quyền đi đôi với kiểm soát quyền lực hiệu quả", tờ trình của Chính phủ nêu rõ.

Đây là một thay đổi đáng chú ý so với quy định hiện hành, vốn yêu cầu bắt buộc kiểm định chất lượng đầu vào thống nhất trên cả nước đối với công chức.

Thay vào đó, Chính phủ đề xuất 4 nguyên tắc tuyển dụng công chức, gồm: Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng; Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; Ưu tiên tuyển dụng người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.

Dự thảo Luật quy định, việc tuyển dụng công chức vào vị trí việc làm được thực hiện thông qua thi tuyển, xét tuyển hoặc tiếp nhận.

Việc tuyển dụng bằng hình thức tiếp nhận chỉ áp dụng đối với trường hợp tuyển dụng người có tài năng từ khu vực ngoài công lập hoặc tuyển dụng người có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm đang là viên chức, người hưởng lương trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, tổ chức cơ yếu mà không phải là công chức và các trường hợp khác đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của hệ thống chính trị.

Căn cứ vào kết quả tuyển dụng, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức ban hành quyết định tuyển dụng, bố trí vào vị trí việc làm và xếp lương ở ngạch công chức tương ứng đối với người trúng tuyển.

Bên cạnh đó, theo dự thảo Luật, căn cứ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để đáp ứng ngay yêu cầu, nhiệm vụ, cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành quy định nêu trên của dự thảo Luật để bảo đảm và phát huy tính tự chủ của Bộ, ngành, địa phương, phù hợp với phân cấp thẩm quyền quản lý công chức (trong đó có việc tuyển dụng công chức).

Cơ quan thẩm tra đánh giá, đề xuất bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để thực hiện chủ trương mới của Đảng tại Kết luận số 121, đó là "đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát", "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng nhận định quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất đã được bổ sung vào Luật Cán bộ, công chức năm 2019 nhưng quá trình triển khai thực tế gặp nhiều vướng mắc. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, nhưng đến tháng 2/2023, Chính phủ mới ban hành quy định bắt buộc về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, tức là chậm hơn 2,5 năm so với thời điểm luật có hiệu lực.

Chính phủ quy định từ tháng 8/2024, các cơ quan chỉ được tuyển dụng công chức đã vượt qua kỳ thi kiểm định chất lượng đầu vào cấp quốc gia do Bộ Nội vụ tổ chức hai lần mỗi năm vào tháng 7 và tháng 11.

Thí sinh sẽ thực hiện bài thi trắc nghiệm trên máy tính, đánh giá năng lực tư duy, ứng dụng kiến thức; hiểu biết về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức xã hội, văn hóa, lịch sử.

Đối với vị trí yêu cầu trình độ đại học, thí sinh phải trả lời 100 câu hỏi trong 120 phút; vị trí yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp gồm 80 câu hỏi trong 100 phút. Thí sinh đạt yêu cầu nếu trả lời đúng một nửa số câu hỏi. Kết quả kiểm định có giá trị trong hai năm. Người đạt kỳ kiểm định có thể đăng ký thi tuyển công chức tại các cơ quan trên toàn quốc.

"Tuy nhiên, ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2024, trong đó sửa quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức của Nghị định số 06/2023, theo đó không bắt buộc cơ quan tuyển dụng công chức phải có kết quả kiểm định chất lượng đầu vào mới được thực hiện việc tuyển dụng", Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chinh-phu-de-xuat-bo-quy-dinh-ve-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-cong-chuc-ar939920.html