Chính phủ trình Quốc hội đầu tư đường sắt tốc độ cao

Sáng nay, 13/11, Chính phủ chính thức trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sau đó đại biểu thảo luận tổ cho ý kiến nội dung này.

Trình Quốc hội về đường sắt cao tốc Bắc Nam

Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước. Việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng nhu cầu vận tải.

Chính phủ cho biết phương án đầu tư tối ưu đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài 1541km, đường đôi khổ tiêu chuẩn 1435mm, trong đó công trình cầu, hầm chiếm 70%, nền đường khoảng 30%.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi - Hà Nội, qua 20 tỉnh thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm - TP Hồ Chí Minh, kết nối trực tiếp hai đô thị dạng đặc biệt với qui mô dân số lên tới khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại I có quy mô dân số từ 500.000 người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.

Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự li trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng phục vụ tốt hậu cần quốc phòng và đặc biệt mở ra không gian, dư địa mới cho tất cả các địa phương tuyến đi qua. Chủ yếu công trình cầu để hạn chế sự chia cắt cộng đồng, không làm gia tăng ngập lụt và ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.

Chính phủ kiến nghị lựa chọn tốc độ thiết kế 350 km/h cho đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam để đáp ứng tiêu chí hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa kinh tế đất nước.

Sơ bộ tổng kinh phí đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ đô la Mỹ. Bình quân khoảng 43 triệu đô la Mỹ/km, ở mức trung bình so với các nước trên thế giới. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác trên nguyên tắc chi phí hợp lý và không chịu sự ràng buộc về công nghệ. Ngoài ra cần huy động các nguồn vốn chi phí thấp khác trong và ngoài nước.

Trong quá trình khai thác, sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu dịch vụ thương mại tại các ga, doanh nghiệp trả phí thuê kết cấu hạ tầng cho Nhà nước. Tiến độ dự kiến nhu cầu vốn trung bình mỗi năm khoảng 5,6 tỷ đô la Mỹ, bằng khoảng 25% số vốn đầu tư công trung hạn hàng năm giai đoạn này là 22,4 tỷ đô la Mỹ/năm. Tỷ lệ 25% này sẽ còn giảm xuống trong giai đoạn tới.

Về tiến độ, sẽ tập trung nguồn lực đầu tư khởi công đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang vào cuối năm 2027, khởi công đoạn Vinh - Nha Trang trước năm 2030 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Dự kiến, trên mỗi đoàn tàu đều có 3 hạng vé để không chỉ đảm bảo hiệu quả mà nhắm đến cả nhu cầu và khả năng chi trả của người dân

Mức thấp nhất về giá vé chỉ tương đương 60% giá vé máy bay trung bình cả hàng không bình thường và hàng không giá rẻ để đa số người dân có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Dự kiến, Quốc hội sẽ thảo luận hội trường nội dung này vào ngày 20/11 và biểu quyết thông qua vào 30/11, ngày cuối cùng của Kỳ họp thứ 8.

Trên thế giới, 60 năm kể từ khi ra đời, đến nay, đường sắt tốc độ cao đã phát triển ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 60.000km đã đưa vào khai thác và 20.000km đang xây dựng.

Đường sắt cao tốc trên thế giới

Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển đột phá. Chỉ trong 15 năm, từ năm 2005-2020, Trung Quốc đã xây dựng hơn 40.000km, chiếm hơn 2/3 tổng chiều dài đường sắt tốc độ cao thế giới. Sau khi đưa tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Thượng Hải dài 1.318km, tốc độ 380km/h vào khai thác năm 2011, có khoảng 1,7 tỷ lượt khách đi lại trên tuyến này, tạo ra hơn 850 cơ hội việc làm. Giá trị đất đai khu vực dự án tăng lên đến 13%, nhất là khu vực lân cận ga đường sắt. Khách du lịch đến các địa điểm tham quan nổi tiếng tăng hơn 2.5 lần. Chỉ sau 10 năm đưa vào khai thác, GIDP dọc tuyến tăng gấp đôi

Với tỷ lệ đúng giờ 99.9%, an toàn và thân thiện với môi trường, đường sắt tốc độ cao đã đóng góp to lớn vào sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản, thông qua phân bố lại các đô thị, dân cư, giao thông thuận tiện, đem lại việc làm và phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Tàu cao tốc Shinkansen đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản về tính hiệu quả và tốc độ.

Tại Tây Ban Nha, kể từ khi tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên được đưa vào khai thác năm 1992, đến nay, nước này đã có khoảng 4.000km đường sắt tốc độ cao, đưa Tây Ban Nha trở thành quốc gia có số km đường sắt tốc độ cao đứng số một châu Âu và thứ hai thế giới, với tốc độ từ 250-320km/h, giúp giảm trung bình 27% thời gian đi lại giữa các vùng.

Xu hướng hiện nay, về công nghệ, các quốc gia trên thế giới tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao chạy trên ray hơn là công nghệ chạy trên đệm từ trường hay chạy trong ống vì mức độ phổ biến, độ tin cậy, an toàn và hiệu quả. Công nghệ giải tốc độ từ 200-250km/h ra đời cách đây hơn 50 năm và thành xu hướng phổ biến cho đến 25 năm trước. Xu thế hiện nay, tốc độ này chỉ áp dụng cho tuyến nâng cấp và tuyến có cự ly ngắn. Các tuyến có cự ly dài, đặc biệt trên 800km, xu hướng đầu tư với tốc độ 350km/h, do tốc độ này mang lại sự hấp dẫn và hiệu quả hơn.

Đến thời điểm này, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao không phải là vấn đề quá khó khăn với các nước. Nhiều quốc gia sở hữu công nghệ đã cởi mở hơn và sẵn sàng cho chuyển giao công nghệ. Các nước mới đầu tư gần đây là Indonesia, Ma rốc, Ả rập Xê út, Ấn Độ. Mỹ đang đầu tư tuyến mới từ Las Vegas đến Califonia với tốc độ 350km/h. Nga đang lên kế hoạch đầu tư tuyến mới từ Moscow đến Saint-Peterburg với tốc độ 360km/h.

Indonesia là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á phát triển đường sắt tốc độ cao. Nước này quy hoạch xây 730km đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Jakarta đến thành phố Surabaya. Năm 2023, Indonesia đã khai thác đoạn tuyến đầu tiên dài 143km, với tốc độ 350km/h.

Lê Huyền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-280056.htm