Chinh phục các dự án Nghiên cứu quốc tế
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Trại sáng tác – VSL Writing Camp 7 với chủ đề 'Chinh phục các dự án Nghiên cứu quốc tế'.
Sự kiện do Câu lạc bộ Nhà Khoa học ĐHQGHN (VSL) trong 3 ngày từ 29/11 đến 1/12 với chủ đề “Chinh phục dự án nghiên cứu quốc tế” ghi danh 60 học viên là các nhà khoa học đến từ các nhóm nghiên cứu, các đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN cùng với các Chuyên gia am hiểu hệ thống các Quỹ tài trợ nghiên cứu UK, ASEAN, các chuyên gia là nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong việc chủ trì các dự án nghiên cứu quốc tế và các mentor từ Ban Điều hành VSL.
Chuyên đề “Xác định nhu cầu nghiên cứu và xây dựng ý tưởng” do GS.TS Trần Xuân Bách - Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ, đã giúp các học viên xác định rõ nhu cầu nghiên cứu khoa học quốc tế và các thách thức, cơ hội trong lĩnh vực cụ thể; Nắm được cách xác định vấn đề nghiên cứu có giá trị thực tiễn và khoa học cao và phát triển ý tưởng nghiên cứu phù hợp với xu hướng toàn cầu và định hướng cá nhân.
Giáo sư cũng đã dành thời gian chia sẻ thêm với các nhóm về phương pháp xử lý dữ liệu và những kinh nghiệm quý báu trong quá trình nghiên cứu và quản lý dự án; giúp các nhà khoa học có thể bắt đầu xây dựng các ý tưởng nghiên cứu vừa khả thi và vừa có khả năng thu hút đầu tư.
Chuyên đề “Xây dựng khung đề xuất dự án” do GS.TS Trần Thị Thanh Tú, Trưởng ban KHCN kiêm Phó Chủ tịch CLB VSL cùng TS. Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa tiếng Anh - Trường ĐH Ngoại ngữ, thành viên Ban Điều hành VSL phối hợp thực hiện. Với phương pháp giảng dạy hiện đại kết hợp với các hoạt động nhóm, thực hành, thảo luận sôi nổi, giúp các nhà khoa học nắm bắt được những điểm quan trọng nhất cùng chiến lược để xây dựng đề xuất hiệu quả và “trúng đích”.
PGS.TS Lê Đức Minh đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã chia sẻ chuyên đề "Kỹ thuật viết đề xuất hấp dẫn và thuyết phục". Với kinh nghiệm Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN “Phân tích gen môi trường và bảo tồn – eGenomic Analysis and Conservation (GAC)”, GS Minh đã giúp học viên học cách trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, logic, khoa học và đồng thời đã củng cố thêm các kỹ thuật viết hấp dẫn, làm nổi bật giá trị nghiên cứu của dự án.
TS Bùi Thị Thanh Hương, Phó Trưởng ban Điều hành VSL cũng đã chia sẻ chuyên đề về “Tiếp cận và chinh phục các dự án dành cho nhà khoa học nữ”. Đây là chuyên đề đặc biệt dành cho các nhà khoa học nữ - thành phần được BTC ưu tiên xét tham dự Trại sáng tác lần này. TS Hương đã chia sẻ các thông tin về các dự án dành cho nhà khoa học nữ và chia sẻ các khía cạnh giúp họ vượt qua rào cản và khai thác các cơ hội tài trợ dành riêng cho đối tượng này.
Cùng với các chuyên đề về phát triển kỹ năng, học viên Trại sáng tác số 7 còn được các chuyên gia đến từ các tổ chức/bộ ngành có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý, am hiểu các quỹ tài trợ quốc tế. Cùng với việc chia sẻ thông tin về các quỹ tài trợ nghiên cứu, các chuyên gia đã chia sẻ thêm quy trình và những lưu ý quan trọng trong quá trình thực hiện dự án hợp tác ASEAN, UK.
Qua đó các nhà khoa học có thể hiểu rõ các yêu cầu và tiêu chí đánh giá của các Quỹ tài trợ nghiên cứu tiềm năng để phân tích các cơ hội tài trợ phù hợp với định hướng nghiên cứu của cá nhân để lựa chọn dự án phù hợp với mục tiêu và khả năng nghiên cứu của mình. VSL-WRITING CAMP 7 khép lại nhưng mở ra các cơ hội hợp tác, kết nối nghiên cứu giữa các nhóm.
Câu lạc bộ Nhà Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội – VNU Scientist Links, hay còn gọi tắt là VSL được thành lập theo quyết định số 463/QĐ-TCCB ngày 07/02/2013 của Giám đốc ĐHQGHN, là tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và phi lợi nhuận, phi hành chính nhằm kết nối các nhà khoa học trong và ngoài ĐHQGHN. Là kênh kết nối, hỗ trợ các nhà khoa học và còn là nơi nuôi dưỡng, đào tạo các nguồn nhân lực khoa học trình độ cao của ĐHQGHN.
Mô hình Trại sáng tác VSL – WRITING CAMP là ý tưởng của GS.TS Lê Quân, Giám đốc ĐHQGHN kiêm Chủ tịch VSL, đến nay đã tổ chức được 7 số với sự tham gia của gần 400 cán bộ, nhà khoa học, giảng viên của ĐHQGHN được thụ hưởng trực tiếp. Đây là mô hình đào tạo, chú trọng việc thực hành, hoạt động nhóm dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nhà khoa học và chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chinh-phuc-cac-du-an-nghien-cuu-quoc-te-post710938.html