Chính quyền ông Trump tái cấu trúc Vòm Vàng giữa lúc rạn nứt với Elon Musk

Chính quyền Tổng thống Trump mở rộng hợp tác với Amazon, Lockheed và các công ty công nghệ mới nhằm giảm phụ thuộc vào SpaceX của tỷ phú Elon Musk trong chương trình phòng thủ tên lửa Vòm Vàng.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang mở rộng tìm kiếm đối tác cho chương trình phòng thủ tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome), trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa nhà lãnh đạo Mỹ với tỷ phú Elon Musk đe dọa vị thế thống trị của SpaceX trong dự án này. Theo 3 nguồn tin, Washington đang tiếp cận Dự án Kuiper của Amazon và các tập đoàn quốc phòng lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa Vòm Vàng bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, tại Phòng Bầu Dục, ngày 20/5/2025. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch lá chắn phòng thủ tên lửa Vòm Vàng bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, tại Phòng Bầu Dục, ngày 20/5/2025. Ảnh: Reuters

Giảm phụ thuộc vào SpaceX

Động thái này đánh dấu bước chuyển chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào SpaceX – công ty mà các mạng lưới vệ tinh Starlink và Starshield hiện đóng vai trò then chốt trong thông tin liên lạc quân sự của Mỹ.

Sự thay đổi diễn ra giữa lúc mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và tỷ phú Elon Musk xấu đi nghiêm trọng, đỉnh điểm là cuộc khẩu chiến công khai hôm 5/6. Hai nguồn tin cho biết, ngay cả trước đó, các quan chức Lầu Năm Góc và Nhà Trắng cũng đã bắt đầu tìm kiếm lựa chọn thay thế, lo ngại nguy cơ phụ thuộc quá mức vào một đối tác duy nhất cho những phần quan trọng của hệ thống phòng thủ không gian đầy tham vọng trị giá 175 tỷ USD.

SpaceX hiện chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, khi phản hồi một bài đăng trên mạng xã hội X liên quan đến bài viết của Reuters, ông Musk viết: “Quy định đấu thầu liên bang yêu cầu sử dụng nhà cung cấp tốt nhất với mức giá tốt nhất. Làm khác đi là phạm luật”.

Nhờ quy mô, thành tích đã phóng hơn 9.000 vệ tinh Starlink và kinh nghiệm đấu thầu các hợp đồng chính phủ, SpaceX vẫn đang giữ vai trò hàng đầu trong việc thực hiện những hạng mục then chốt của dự án Vòm Vàng, đặc biệt là các hợp đồng phóng vệ tinh.

Trong khi đó, Dự án Kuiper, hiện mới chỉ triển khai 78 trong số hơn 3.000 vệ tinh quỹ đạo thấp theo kế hoạch, đã được Lầu Năm Góc tiếp cận để tham gia chương trình. Điều này cho thấy chính quyền Trump sẵn sàng tích hợp các công nghệ thương mại vào hạ tầng phòng thủ quốc gia, thay vì chỉ dựa vào các nhà thầu quốc phòng truyền thống.

Chủ tịch điều hành Amazon, Jeff Bezos, hồi tháng 1/2025 nói với Reuters rằng Kuiper “chủ yếu phục vụ mục đích thương mại”, song thừa nhận “chắc chắn sẽ có ứng dụng quốc phòng cho những chòm vệ tinh quỹ đạo thấp như vậy”.

Tham vọng của dự án Vòm Vàng giống với hệ thống Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel – lá chắn phòng thủ tên lửa trong lãnh thổ, nhưng với quy mô lớn hơn và cấu trúc phòng thủ phân tầng phức tạp hơn, đòi hỏi một mạng lưới vệ tinh rộng lớn trên quỹ đạo bao phủ nhiều khu vực hơn.

Theo một quan chức Mỹ, trong cuộc tìm kiếm thêm các nhà cung cấp vệ tinh cho Vòm Vàng, “Kuiper là một đối tác quan trọng”.

Mặc dù SpaceX vẫn là ứng viên hàng đầu nhờ năng lực phóng vệ tinh vượt trội, tỷ lệ đóng góp của họ trong chương trình có thể bị thu hẹp. Các quan chức Mỹ đã tiếp cận những công ty tên lửa mới như Stoke Space và Rocket Lab - những doanh nghiệp đang dần khẳng định tên tuổi và có thể tham gia đấu thầu từng hợp đồng phóng vệ tinh riêng lẻ khi chương trình đi vào giai đoạn triển khai.

Theo kế hoạch, ở giai đoạn sau, “mỗi lần phóng sẽ được tổ chức đấu thầu, và chúng tôi sẽ phải mời các bên khác ngoài SpaceX tham gia”, một nguồn tin cho biết.

Vệ tinh - trụ cột của Vòm Vàng

Mỹ hiện đang có nhu cầu khẩn cấp về sản xuất vệ tinh. Năm 2024, Quốc hội đã cấp cho Lực lượng Không gian Mỹ ngân sách 13 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 900 triệu USD trước đó, để mua dịch vụ thông tin liên lạc dựa trên vệ tinh, trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất vệ tinh tư nhân.

Dự án Kuiper của Amazon - sáng kiến trị giá 10 tỷ USD do các cựu lãnh đạo Starlink từng bị Elon Musk sa thải vì chậm tiến độ điều hành, hiện vẫn tụt hậu so với SpaceX về triển khai. Tuy nhiên, tiềm năng ứng dụng vào quốc phòng, như phục vụ thông tin liên lạc và hỗ trợ theo dõi tên lửa, đang thu hút sự chú ý trở lại, khi chính quyền Tổng thống Trump chuẩn bị phân bổ khoản tài trợ 25 tỷ USD đầu tiên theo đạo luật ngân sách và thuế mới được thông qua.

Các tập đoàn quốc phòng truyền thống như Northrop Grumman, Lockheed Martin và L3Harris cũng đang đàm phán để tham gia hỗ trợ chương trình. Giám đốc tài chính L3Harris, ông Kenneth Bedingfield, nói rằng công ty ông đang chứng kiến nhu cầu tăng vọt đối với các công nghệ cảnh báo và theo dõi tên lửa – những yếu tố được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống Vòm Vàng.

Trong khi đó, ông Robert Fleming – người đứng đầu mảng không gian của Northrop – cho biết công ty đang theo đuổi nhiều hạng mục, bao gồm cả đánh chặn tên lửa từ không gian – một thành phần sẽ cho phép tấn công tên lửa từ quỹ đạo.

“Lockheed Martin sẵn sàng hỗ trợ chương trình Vòm Vàng của Mỹ với tư cách là một đối tác sứ mệnh đáng tin cậy”, ông Robert Lightfoot, Chủ tịch Lockheed Martin Space, tuyên bố.

Ban đầu, chương trình Vòm Vàng tìm đến các công ty công nghệ trẻ ở Thung lũng Silicon vốn được đánh giá là linh hoạt, hiện đại và tiềm năng tiết kiệm chi phí so với các tập đoàn quốc phòng lớn. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Musk đã làm thay đổi tính toán ban đầu này.

Nhiều công ty có mối quan hệ thân thiết với ông Trump ngoài SpaceX, bao gồm Palantir và Anduril từng được xem là ứng viên sáng giá để giành phần lớn giá trị của dự án 175 tỷ USD. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa nhà lãnh đạo Mỹ và tỷ phú công nghệ Elon Musk đã tái định hình cục diện cạnh tranh. Gần đây, ông Musk tuyên bố thành lập “Đảng nước Mỹ” – một phong trào chính trị thiên về công nghệ và trung dung, nhằm đánh bại các nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ chương trình chi tiêu lớn của ông Trump.

Lập kế hoạch triển khai Vòm Vàng trong 120 ngày

Tổng thống Trump khởi động sáng kiến Vòm Vàng chỉ một tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai và yêu cầu triển khai nhanh chóng. Tướng Michael Guetlein của Lực lượng Không gian, người vừa được Thượng viện phê chuẩn ngày 17/7 vừa qua, sẽ là người đứng đầu và có với toàn quyền chỉ đạo chương trình Vòm Vàng.

Theo một chỉ thị chưa từng được công bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, ông Guetlein có 30 ngày kể từ khi nhậm chức để thành lập nhóm phụ trách, 60 ngày để trình bản thiết kế hệ thống ban đầu và 120 ngày để đưa ra kế hoạch triển khai đầy đủ – bao gồm vệ tinh và các trạm mặt đất.

Ngày 22/7, Lầu Năm Góc đã ra thông cáo báo chí xác nhận kiến trúc hệ thống Vòm Vàng sẽ được “hoàn thiện trong vòng 60 ngày tới”.

Việc tích hợp các nền tảng thương mại như Kuiper đặt ra những lo ngại về an ninh. Các vệ tinh của họ sẽ cần được tăng cường khả năng chống lại chiến tranh điện tử và tấn công mạng – những thách thức mà mạng lưới Starlink của SpaceX cũng không thể tránh khỏi. Hồi tháng 5/2024, ông Musk cho biết SpaceX đang “chi rất nhiều tiền để chống lại hoạt động gây nhiễu từ Nga. Đây là một vấn đề nan giải”.

Bất chấp những lo ngại về an ninh và địa chính trị, giới chức Mỹ dường như vẫn quyết tâm thúc đẩy triển khai Vòm Vàng với sự tham gia của các tập đoàn quốc phòng lớn, vốn được coi là lựa chọn an toàn và giàu kinh nghiệm hơn. Các nhà thầu quốc phòng lâu đời như Lockheed và RTX (trước đây là Raytheon) có khả năng vẫn sẽ đứng đầu danh sách trúng thầu. Lãnh đạo RTX – nhà sản xuất hệ thống Patriot – ngày 22/7 nói rằng họ tin hệ thống này sẽ là một phần không thể thiếu của Vòm Vàng “nếu Mỹ muốn tạo ra tác động lớn trong 2-3 năm tới”.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Reuters

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-quyen-ong-trump-tai-cau-truc-vom-vang-giua-luc-ran-nut-voi-elon-musk-post1216977.vov