Chính quyền số tăng tốc đồng hành cùng mô hình 2 cấp

HNN - Sau gần 1 tháng chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, TP. Huế đang dần đi vào quỹ đạo nhờ có hệ sinh thái các nền tảng số hiện đại được thiết lập từ trước. Các dịch vụ công, quy trình hành chính, công cụ điều hành… đang được vận hành hiệu quả nhờ hạ tầng số đồng bộ và đội ngũ cán bộ đã 'thấm' văn hóa số.

 Hệ thống dịch vụ hành chính công ở các phường, xã của TP. Huế dần đi vào ổn định nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng số đã được xây dựng trước đó

Hệ thống dịch vụ hành chính công ở các phường, xã của TP. Huế dần đi vào ổn định nhờ sự hỗ trợ của các nền tảng số đã được xây dựng trước đó

Nền tảng hiện đại, xuyên suốt

Theo ông Trần Trọng Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh thành phố Huế (HueIOC), để kết nối thống nhất, xuyên suốt trong xử lý công việc giữa thành phố và các xã, phường khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, từ ngày 1/7/2025, đơn vị đã nâng cấp nền tảng Hue-S để phù hợp với mô hình mới. Các chức năng như tương tác 2 cấp, giám sát nhiệm vụ, làm việc số, họp không giấy tờ đều được tinh chỉnh nhằm kết nối hiệu quả giữa cấp xã và cấp sở, ngành. "Sổ tay 2 cấp" cũng được HueIOC cập nhật trên Hue-S, cung cấp tài liệu, hướng dẫn thủ tục và các nội dung chuyên môn giúp cán bộ cấp cơ sở nhanh chóng tra cứu, xử lý nghiệp vụ.

"Chúng tôi đã tích hợp mục "Giám sát nhiệm vụ" để các địa phương có thể báo cáo tiến độ thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ, đồng thời làm căn cứ đánh giá hiệu suất công việc. Công cụ "Tương tác 2 cấp" là nơi để cán bộ cấp xã gửi câu hỏi cho cấp thành phố, sở, ngành liên quan, đồng thời tham khảo kinh nghiệm xử lý của các xã, phường khác để cùng điều hành, giải quyết, xử lý thủ tục hành chính thống nhất, hiệu quả", ông Hiếu cho biết.

Nền tảng làm việc số cũng là một giải pháp nổi bật. Với trên 30 quy trình số hóa, cán bộ có thể xử lý văn bản, tiếp nhận phản ánh hiện trường, tổ chức họp… hoàn toàn trên môi trường số. Ông Hồ Văn Tấn, chuyên viên Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Mỹ Thượng cho biết, cán bộ và nhân viên đã quen với Hue-S, với công nghệ số, nên khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thao tác thủ tục hành chính không còn lúng túng, xử lý công việc nhanh và rõ ràng hơn.

Hệ thống camera giám sát hoạt động tại các Trung tâm Phục vụ Hành chính công của 40 phường, xã qua HueIOC

Hệ thống camera giám sát hoạt động tại các Trung tâm Phục vụ Hành chính công của 40 phường, xã qua HueIOC

Nền tảng báo cáo số và Bản đồ số GISHue cũng trở thành công cụ quan trọng trong quản lý, điều hành. Với hơn 100 báo cáo, 400 dashboard, 3.000 biểu đồ, lãnh đạo các cấp có thể theo dõi tình hình kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Trong khi đó, GISHue với 76 lớp dữ liệu đã tích hợp hơn 100 đồ án quy hoạch, phục vụ quản lý hạ tầng, giám sát ngập lụt, theo dõi môi trường và phòng, chống thiên tai.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chính quyền số ở Huế đang phát triển theo hướng "liên thông dữ liệu - thống nhất hành động", trên nền tảng công nghệ hiện đại. Điểm mạnh của Huế là không làm từng mảnh lẻ. Từ nền tảng Hue-S đến hệ thống báo cáo số, giám sát dịch vụ công hay bản đồ số GISHue đều được kết nối, tạo thành một hệ sinh thái nhất quán phục vụ điều hành. Đây là hướng đi bền vững cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Các bên cùng hưởng lợi từ số hóa

Chị Phạm Kim Tiên, trú tại phường Thủy Xuân chia sẻ: "Tôi mới làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tất cả đều thực hiện trực tuyến, được hướng dẫn tận tình các thao tác trên điện thoại và trên app Hue-S. Rất tiện lợi, không mất nhiều thời gian như trước".

Các nền tảng số tại Huế, như Hue-S, Hueecom (hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại điện tử) và các nền tảng số khác được phát triển bởi HueCIT về quản lý cây xanh, vé điện tử, phần mềm quản lý thanh tra, OpenData... Ngoài ra, còn có các nền tảng số khác như: Chính quyền số, Đoàn thanh niên, Dân vận khéo, Quản lý giao thông, Hội phụ nữ, Bản đồ BTS... được tích hợp trên Hue-S, góp phần phục vụ công tác quản lý, kết nối, tra cứu, tìm kiếm thông tin của các ngành, lĩnh vực.

Hệ thống giám sát xã hội qua camera ứng dụng AI cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý đô thị. Tính đến nay, TP. Huế đã lắp hơn 650 camera, sử dụng 27 giải pháp trí tuệ nhân tạo để phục vụ cảnh báo ngập lụt, giám sát cháy rừng, đốt rơm rạ trái phép và vi phạm giao thông. Trong mùa mưa bão, người dân có thể theo dõi trực tiếp tình hình ngập tại 50 điểm nóng ngay trên ứng dụng Hue-S để chủ động di chuyển. Hệ thống giám sát dịch vụ công cũng được vận hành nhằm đảm bảo công chức không để trễ hạn hồ sơ, hướng dẫn không rõ ràng hay xử lý sai quy trình.

Thống kê cho thấy, sau khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỷ lệ hồ sơ hành chính được xử lý đúng và trước hạn tại TP. Huế đạt 96%. Đặc biệt, đánh giá giai đoạn đầu vận hành, TP. Huế dẫn đầu toàn quốc về giải quyết thủ tục hành chính cấp xã, phường. Cụ thể, sau 2 tuần vận hành, TP. Huế đã tiếp nhận và giải quyết hơn 17.700 hồ sơ thủ tục hành chính tại 40 xã, phường, trong đó tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt trên 76%. TP. Huế đã vươn lên vị trí số 1 toàn quốc, hoàn thành 85% chỉ số đánh giá việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã, phường trên cả nước theo Kế hoạch 02-KH/BCĐTW, ngày 19/6/2025 về thúc đẩy chuyển đổi liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Huế không chỉ là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chính quyền số, mà còn là hình mẫu về cách làm bài bản, đồng bộ, dựa trên dữ liệu, công nghệ và con người. Chính quyền số ở Huế sẽ tiếp tục là động lực lớn cho cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước và hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, nhanh hơn và minh bạch hơn.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/chinh-quyen-so-tang-toc-dong-hanh-cung-mo-hinh-2-cap-155910.html