Chính quyền tỉnh Ninh Thuận nói gì về kế hoạch tái khởi động dự án điện hạt nhân?

Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản tham gia góp ý đối với báo cáo số 250/BC-BCT ngày 1/10/2024 của Bộ Công thương về phát triển điện hạt nhân (ĐHN) tại địa phương này.

Cách đây 15 năm, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận với tổng công suất 4.000MW. UBND tỉnh Ninh Thuận xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, tác động lớn và có vai trò động lực quyết định đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Do đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2020 đã được xây dựng xoay quanh trục phát triển của Dự án ĐHN và những tác động lan tỏa của dự án này đến các lĩnh vực ngành nghề trong kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến năm 2020.

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) là nơi đã từng được quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) là nơi đã từng được quy hoạch xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

7 năm sau Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 26/11/2016, dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận. “Chủ trương này phá vỡ các kịch bản tăng trưởng và phát triển của Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước bối cảnh đó và trên cơ sở xác định tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo tại địa phương, tỉnh Ninh Thuận đã phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 57 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3.750MW, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết.

Tuy nhiên, từ khi triển khai cho đến khi có chủ trương dừng thực hiện hai Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2, Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng hệ thống cấp điện phục vụ thi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1; xây dựng khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở Ban Quản lý dự án. Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân trong vùng dự án và phát triển khu dân cư đối với hai địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 cũng được triển khai, đến nay đã cấp nguồn kinh phí 423 tỷ đồng để thực hiện việc đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó có 273 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương.

Và hiện nay tỉnh Ninh Thuận còn đang triển khai xây dựng 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng nằm trong đề án nêu trên. Bên cạnh đó, sau khi có chủ trương đầu tư Dự án ĐHN Ninh Thuận, Bộ GD&ĐT đã cử 323 sinh viên đi đào tạo các chuyên ngành liên quan ĐHN tại các trường đại học của Liên bang Nga, trong số đó có 87 sinh viên là người Ninh Thuận...

Liên quan đến việc tái khởi động Dự án ĐHN Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có nêu rõ: “Giữ các vị trí đã quy hoạch xây dựng các Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 làm đất dự trữ chiến lược lâu dài cho năng lượng, đảm bảo thuận lợi để thu hồi sau này khi có yêu cầu thực hiện các dự án quan trọng của quốc gia….”. Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển ĐHN nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ĐHN có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước…

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đồng thuận về sự cần thiết nghiên cứu phát triển ĐHN theo đề nghị của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trong năm 2050, UBND tỉnh đã đưa ra một số kiến nghị cần phải xác định lộ trình phát triển ĐHN cụ thể để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực đất đai tại hai vị trí xây dựng Nhà máy ĐHN và nguồn nhân lực đã được đào tạo chuyên sâu về ĐHN. Mặt khác, Bộ Công thương cần kiến nghị các cơ quan thẩm quyền Trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển ĐHN tại Ninh Thuận; xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển ĐHN.

“Ninh Thuận có tiềm năng về phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo, được Chính phủ xác định là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018, do đó trong quá trình triển khai chiến lược phát triển ĐHN, Bộ Công thương cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng tỉnh Ninh Thuận thành “Trung tâm công nghiệp xanh, sạch” để tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh cũng như cho quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến” – Văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị.

Chiều 12/11, phát biểu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dự báo nhu cầu điện tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12 - 13% và những năm sau còn cao hơn nữa. Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy định pháp luật để tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng nguồn điện; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh và vận hành linh hoạt, có khả năng tự động hóa cao tập trung hoàn thành thủ tục, khởi công và đưa vào vận hành các dự án điện lớn, quan trọng; tăng cường các biện pháp tiết kiệm năng lượng và quản lý nhu cầu điện… Về lâu dài, để đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững, Chính phủ đã và đang đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án ĐHN, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Hữu Toàn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/chinh-quyen-tinh-ninh-thuan-noi-gi-ve-ke-hoach-tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan--i750213/