Chính sách cho nhà giáo cần ưu tiên đối với sinh viên giỏi, người có thâm niên công tác tốt
Dự án Luật Nhà giáo sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 20/11. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, nhiều ĐBQH cho rằng, chính sách cho nhà giáo cần ưu tiên, khuyến khích sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm; người có thâm niên như các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy, công tác tốt...
Trong bản Hiến pháp năm 2013 đã xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (Điều 61). Trong đó, yếu tố quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ nhà giáo. Chính vì thế, để thu hút sinh viên giỏi “đầu quân” vào ngành Sư phạm cũng như trọng dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ, chuyên môn cao, tại Kỳ họp thứ 8 này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Một trong những nội dung quan trọng, nhận được nhiều sự quan tâm của các ĐBQH chính là chính sách tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ đối với nhà giáo. Đề cập về các chính sách này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, kịp thời bổ sung các chính sách mới, đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhiều ý kiến trong Ủy ban đề nghị nghiên cứu xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích nhà giáo giỏi làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục; xây dựng đội ngũ quản lý giáo dục chuyên nghiệp.
Về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với quy định trong dự thảo Luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết để thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như quy định tại dự thảo Luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập; không quy định lại chính sách thuê nhà công vụ đã được quy định trong Luật Nhà ở; đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện đối với chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể cho nhà giáo khi đến công tác tại vùng nông thôn.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí quy định về chính sách của Nhà nước đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo (tại Điều 6) và cho rằng, đây là khung chính sách lớn, được tiếp tục cụ thể hóa tại các điều, khoản trong dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã đưa ra một số chính sách mới như tôn vinh, bảo vệ nhà giáo, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp liên tục đối với nhà giáo.
Làm rõ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo
Đề cập về chính sách hỗ trợ nhà giáo, tại khoản 4 Điều 28 Luật Nhà giáo quy định: “Khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục”.
Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc, đảm bảo có sự thống nhất cho các địa phương, địa phương có điều kiện về ngân sách thì ban hành các chính sách riêng hỗ trợ nhà giáo, còn địa phương không có điều kiện về ngân sách thì không ban hành. Điều này chưa đảm bảo sự thống nhất, thiếu công bằng giữa các nhà giáo đang công tác tại các địa phương.
Về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo, tại điểm b khoản 1, Điều 27 quy định: “Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng và theo quy định của pháp luật”. Với chính sách này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát quy định này, vì theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018, từ ngày 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề sẽ được gộp với phụ cấp trách nhiệm theo nghế, phụ cấp độc hại, nguy hiểm và được gọi chung với tên gọi mới là phụ cấp theo nghề. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật giải trình và làm rõ phụ cấp ưu đãi nghề quy định tại dự án Luật khác như thế nào với phụ cấp thâm niên nhà giáo?
Tại điểm d khoản 1, dự thảo Luật quy định: “Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, quy định này chưa phù hợp, chưa cụ thể, không nên cào bằng và bao quát hết tất cả nhà giáo được tuyển dụng phải được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, mà cần có quy định và giới hạn đối tượng là những sinh viên sư phạm khi ra trường được xếp tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, chính sách cho nhà giáo cần ưu tiên, khuyến khích sinh viên giỏi vào ngành Sư phạm; người có thâm niên như các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy, công tác tốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu…
Còn tại khoản 2, dự án Luật Nhà giáo quy định: “Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác”. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Ban soạn thảo rà soát đảm bảo phù hợp, bỏ cụm từ “trừ khi có thỏa thuận khác”, vì quy định như vậy, sẽ gây hiểu nhầm, chưa phù hợp với Bộ Luật lao động quy định tiền lương thực hiện theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội
Đóng góp ý kiến về chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định tại Điều 28, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc băn khoăn về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà giáo tại điều Điều 28 chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đối với các cơ sở ngoài công lập, nhà giáo có được hưởng các chính sách quy định tại Điều này không. Nếu không sẽ tạo ra sự bất công bằng trong xã hội. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội.
Ngoài ra, tại điểm d, khoản 1 Điều 27 đã quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, tại Điều 18 dự thảo Luật quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng chưa xác định rõ chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào. Vì thế, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định chế độ tiền lương với người tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng.
Đứng ở góc độ khác, đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, sản phẩm, hàng hóa thông thường có thể có tỷ lệ lỗi nhất định, nhưng sản phẩm của nghề giáo thì mang tính chất đặc biệt vì đó là hình thành nhân cách của con người, đòi hỏi có sự hoàn thiện về phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Những yêu cầu trên là đơn đặt hàng của xã hội, của đất nước đối với nhà giáo nên họ không được phép tạo ra sản phẩm lỗi. Nhấn mạnh yêu cầu này, đại biểu Châu Quỳnh Giao cho rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là rất cần thiết để tạo lập hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cũng như bảo đảm môi trường làm việc để nhà giáo an tâm, gắn bó với công việc./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=90823