Chính sách cho tăng trưởng xanh: Thưởng phạt phân minh

Tăng trưởng xanh, xu thế toàn cầu và là sự lựa chọn tất yếu, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, chính sách về tăng trưởng xanh còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện.

Tuân thủ luật chơi của các nước phát triển

Tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 28/11, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là xu thế mà còn là một yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới, bởi hàng hóa xuất khẩu và các thị trường lớn, khó tính luôn đòi hỏi các chứng chỉ về môi trường, carbon...

Theo ông Đông, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland…

Ngoài cơ hội mang lại, điều này cũng đặt ra những khó khăn, thách thức đối với các nước phát triển. Đó là các nước phát triển dựng lên và áp dụng thêm hàng rào kỹ thuật, trong đó có liên quan đến những yếu tố như chất lượng hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc hay những tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, từ đó hạn chế sản phẩm giá rẻ từ những nước đang phát triển.

Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Với những mức thuế nhập khẩu tại các nước tham gia các FTA thế hệ mới có thể về đến 0%, đây sẽ là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thế giới.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần quyết liệt đổi mới tư duy, đổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Nghĩa là, phải lưu ý các yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa và những tiêu chuẩn về môi trường và chúng ta phải tuân thủ luật chơi của các nước phát triển.

Muốn 'xanh hóa', cần 'bệ đỡ' về cơ sở pháp lý

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển của Việt Nam những năm tiếp theo.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Kế hoạch này đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cho các bên tham gia, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP

Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, ông Việt Anh nhận xét, thời gian qua, chính sách về tăng trưởng xanh cũng còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện, dư địa dành cho nội dung hoàn thiện này còn rất lớn. Và việc đầu tiên cần triển khai thời gian tiếp theo là phải có hệ thống phân loại xanh quốc gia rất rõ ràng, cụ thể.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành hệ thống ngành xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, sẽ xác định được rõ doanh nghiệp nào, dự án đầu tư nào được hưởng các ưu đãi về cơ chế, chính sách dành cho tăng trưởng xanh. Sau khi hệ thống này được ban hành, sẽ có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi kèm theo rõ ràng dành cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế "nâu" sang "xanh" khó có thể đạt hiệu quả cao nếu thiếu sự đồng thuận, chủ động thực hiện của các địa phương và nỗ lực từ doanh nghiệp.

Theo ông Lê Việt Anh, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mình được hưởng cơ chế ưu đãi nào từ phía Chính phủ.

Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải xác định hệ thống, cơ chế chính sách để có thưởng phạt phân minh, tức là ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn và có chế tài áp dụng cho những doanh nghiệp làm ăn chưa đúng. Qua đó, không để bỏ sót những doanh nghiệp xứng đáng được hưởng ưu đãi cũng như không bỏ sót doanh nghiệp phải chịu chế tài khắt khe của hệ thống chính sách pháp luật cũng như công luận.

Ngọc Cương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chinh-sach-cho-tang-truong-xanh-thuong-phat-phan-minh-2346618.html