Chính sách của các chúa Nguyễn đối với một số tôn giáo ở Đàng Trong
Năm 1734, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc. Năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát lại cho trùng tu chùa Hàm Long, ban 'Sắc tứ Báo Quốc tự'. Hơn hai thế kỉ tồn tại, chính quyền Đàng Trong xây dựng và trùng tu nhiều chùa am.
Mục lục bài viết
1. Nội dung và phương thức ban hành chính sách
1.1. Nội dung chính sách
1.2. Phương thức ban hành
2. Chính sách đối với Nho giáo và Phật giáo
2.1. Đối với Nho giáo
2.2. Đối với Phật giáo
Năm 1734, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc. Năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát lại cho trùng tu chùa Hàm Long, ban “Sắc tứ Báo Quốc tự”. Hơn hai thế kỉ tồn tại, chính quyền Đàng Trong xây dựng và trùng tu nhiều chùa am.
Thích Chúc Hòa
Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023
1. Nội dung và phương thức ban hành chính sách
1.1. Nội dung chính sách
Các chúa Nguyễn nhận thức được ảnh hưởng, tác động cũng như vai trò của tôn giáo trong việc thu phục nhân tâm, tạo dựng nền văn hóa mới ở Đàng Trong. Đặc biệt vai trò của Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo trong mục tiêu xây dựng nền chính trị và thiết chế xã hội. Do đó, những người đứng đầu chính quyền Đàng Trong đã thể hiện rõ quan điểm coi trọng Tam giáo ở nội dung chính sách của mình.
Đối với Nho giáo, việc phổ biến nội dung kinh điển của đạo Khổng như tứ thư, ngũ kinh, mô hình thiết chế nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, và tình hình chính sự của Đàng Ngoài đã được chú trọng suốt các thế kỉ XVII – XVIII. Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác đã được những người đứng đầu Đàng Trong quan tâm như là việc tổ chức đào tạo, thi tuyển và bổ dụng lực lượng nho sĩ vào bộ máy chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương nhằm đáp ứng cho việc xây dựng và vận hành phong kiến chuyên chế tập quyền dựa trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. Ngoài ra, các hoạt động tổ chức xây dựng văn miếu, đàn tế, khen thưởng… cũng thuộc nội dung quan trọng trong hệ thống chính sách của các chúa Nguyễn.
Đối với Phật giáo, các chúa Nguyễn chú trọng phát triển Phật giáo Đại thừa. Một số kinh điển của nhà Phật như kinh Kim Cang, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa… đã được những người đứng đầu phủ chúa cho tổ chức sao chép, in khắc để phổ biến trong dân chúng. Ngoài ra, việc dựng chùa, tạc tượng, tổ chức giới đàn cũng nằm trong nội dung chính sách của những người đứng đầu phủ chúa Nguyễn nhằm phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.
Đạo giáo trên vùng đất Đàng Trong thường kết hợp với Nho giáo và Phật giáo về mặt nội dung và hình thức biểu hiện. Do đó, nội dung trong chính sách của những người đứng đầu chính quyền đối với tôn giáo này cũng được thể hiện lồng ghép vào các nội dung chính sách Nho giáo và Phật giáo trên tinh thần “cư Nho mộ Thích”.
Nội dung tư tưởng của Tam giáo được dùng làm hệ tư tưởng giúp các chúa Nguyễn giải thích và giải quyết những hiện tượng diễn ra trong thực tiễn. Bên cạnh đó, việc thực hành các nghi lễ tôn giáo trở thành một nội dung trọng yếu trong chính sách của những người đứng đầu chính quyền. Thực tế cho thấy, cùng với các hoạt động lễ nghi về Nho giáo và Phật giáo, các chúa Nguyễn cũng rất quan tâm và tiến hành các nghi lễ Đạo giáo như trực tiếp tham gia tế lễ, cầu đạo ở các đền, đạo quán, chùa am hay văn miếu.
Đối với Thiên Chúa giáo, các chúa Nguyễn quan niệm đây là một tôn giáo mới, có ảnh hưởng không nhỏ đến một cộng đồng dân cư, đặc biệt ở các thương cảng. Do vậy, tùy vào từng vị chúa, từng thời điểm mà đối sách của những người đứng đầu Đàng Trong sẽ mang nội dung về thái độ khoan hòa tiếp nhận hoặc từ chối, ngăn chặn sự hiện diện của tôn giáo này trên vùng đất phía nam Linh giang. Trong nội dung chính sách tiếp thu Thiên Chúa giáo, các chúa Nguyễn thể hiện đường lối khoan hòa, cho phép tín đồ Thiên Chúa giáo xây dựng cơ sở thờ tự, tạo điều kiện cho các giáo sĩ truyền đạo. Nội dung chủ yếu của chính sách khi đó là các biện pháp nhằm ngăn chặn sự phát triển của Thiên Chúa giáo ở Đàng Trong cụ thể như cấm ban hành lệnh cấm người dân theo đạo, đập phá ảnh tượng, nhà thờ, trục xuất giáo sĩ… một vài trường hợp đặc biệt, các chúa Nguyễn còn ra lệnh xử tử những người nào cố chống lệnh do chính quyền ban bố.
1.2. Phương thức ban hành
Những người đứng đầu của chính quyền Đàng Trong thông qua hệ thống phương tiện như văn bia, lệnh dụ sắc chỉ huấn điều nhằm phổ biến tới dân chúng các nội dung của chính sách tôn giáo. Song song đó, các chúa Nguyễn còn dùng hình thức và phương tiện khác như tự nhận danh xưng đạo hiệu tạc tượng, đúc chuông đúc vạc, ban biểu ngạch, xây dựng các công trình tôn giáo như đền, miếu chùa, văn miếu, đạo quán… nhằm thể hiện các quan điểm thái độ của người đứng đầu phủ chúa về các tôn giáo cụ thể, đồng thời truyền tải các nội dung chính sách tôn giáo đã được đề ra.
Về cách thức thi hành chính sách, những người đứng đầu phủ chúa chủ yếu thông qua việc ban hành các văn bản hành chính như lệnh dụ, chỉ dụ, sắc lệnh huấn điều đến các địa phương. Dựa vào nội dung trên các văn bản, người đứng đầu các cấp chính chính quyền địa phương sẽ phổ biến đến dẫn chúng và tổ chức thực hiện những nội dung đã được ban hành đó. Chẳng hạn trong bản Huân điệu của chúa Nguyễn Phúc Chủ ban bỏ vào tháng Giêng năm Bính Ngọ (1726) đã quy định, hướng dẫn và giao quyền phân cấp cụ thể xuống các địa phương trong việc thực hiện các chính sách của các người đứng đầu chính quyền Đàng Trong: “Ngày dụ văn đến các công đường sở tại phải đưa về khắp nha môn phủ huyện để cáo thị cho dân, cho hiểu rõ ý ta là lấy đức trị dân”(1)
2. Chính sách đối với Nho giáo và Phật giáo
2.1. Đối với Nho giáo
Các chúa Nguyễn đều có chính sách riêng để phát triển Nho giáo. Đàn Nam giao, đàn xã tắc được dựng lên góp phần phát triển Nho giáo hơn. Chưa xác định thời gian chính xác lập đền Nam giao tại Phú Xuân nhưng dựa trên tờ văn khế ghi năm Cảnh Thịnh thứ 3 (1742), cho biết sự hiện hiện của đàn tế này: “Chúng tôi chủ xã chính phong, lão bỉnh… xin khai rằng: nguyên vào năm trước đây, ông thủ xã Tỉ và vợ lẽ tên là Dẫn có vỡ một khoảnh rừng làm đất tư, ở gần đất Đàn Nam giao”(2). Bên cạnh đó, các chúa Nguyễn đã sớm coi trọng việc xây dựng và phát triển văn miếu. Lịch sử phát triển Đàng Trong ghi nhận phủ chúa Nguyễn được dời đổi nhiều lần, từ Cổn Tiên đến Dinh Cát lại đến Trà Bát (1570), vào Phúc An – Phước Yên (1626), chuyển về Kim Long (1636), xuống Phú Xuân (1687), ra Bác Vọng (1712) rồi quay lại Phú Xuân (1738). Mặc dù vậy, Văn miếu Triều Sơn đã được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sách Đại Nam nhất thống chí xác nhận: “Hồi đầu triều, Văn miếu ở địa phận xã Triều Sơn, năm Canh Dần thứ 5 đời Duệ Tông, dời đến địa phận xã Long Hồ”(3). Như vậy, Văn Miếu được xây ngay trong khu vực thủ phủ của chúa Nguyễn gia đoạn (1626 – 1636). Sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng xác nhận có một Văn miếu dựng ở làng Triều Sơn vào năm 1692: “Nhâm Thân, năm thứ 1, mùa xuân, tháng Giêng, sửa Văn miếu. Chúa từng ra Triều Sơn xem miếu, muốn mở rộngthêm nên sai sửa lại”. Đây là nơi của chúa Nguyễn Phúc Thái và các chúa kế nghiệp sau này.
Năm 1808, Nguyễn Ánh cho dựng một Văn miếu mới, ngay bên cạnh Văn miếu Long Hồ, ở thôn An Bình, làng An Ninh (số 72 Văn Thánh, P. Hương Hồ, Tp. Huế hiện nay), Việc tu sửa hoặc thay đổi vị trí tọa lạc của Văn miếu thể hiện sự quan tâm, khuyến khích Nho học của các chúa Nguyễn. Hệ thống Văn miếu được dựng lên ở nhiều nơi minh chứng cho sự phát triển Nho giáo ở Đàng Trong.
Sau khi lên ngôi không lâu (1/1803), Gia Long chủ trương lập ở mỗi dinh trấn một Văn miếu: “Mỗi miếu đặt 2 người điển hiệu, lễ sinh và miếu phu đều 30 người”(5). Riêng Văn miếu ở trung tâm Phú Xuân thì “đặt lễ sinh ở Văn miếu 50 người, giám hiệu 1 người, điển hiệu 2 người, miếu hiệu phu 30 người”. Giai đoạn này Đàng Trong được phân thành 12 dinh.
Như vậy, Nguyễn Phúc Ánh có chủ trương dựng 12 Văn miếu từ Quảng Bình trở vào. Tuy nhiên thời điểm này quân Nguyễn đang phải dốc hết lực lượng vào công cuộc bình định, thống nhất đất nước nên trên thực tế chỉ có 4 Văn miếu được dựng mới.
Đương thời, Nho giáo Đàng Ngoài rơi vào khủng hoảng, chính quyền Lê – Trịnh đang phải tìm cách chấn hưng Nho giáo, ngược lại ở Đàng Trong, học thuyết chính trị – xã hội, đạo đức mang tính tôn giáo này mới bước vào giai đoạn khởi đầu. Bằng việc xây dựng hệ thống Văn miếu, tổ chức hoặc đích thân tham gia tế lễ cho thấy các chúa Nguyễn rất chú ý, coi trọng việc phát triển Nho giáo. Bên cạnh đó, những người đứng đầu phủ chúa cũng quan tâm đến hoạt động đào tạo nho sĩ. Đặc biệt sau khi cuộc chiến với Đàng Ngoài tạm thời chấm dứt (1672), yêu cầu xây dựng một chính quyền quân chủ tập quyền thiên về văn trị, đức trị đòi hỏi các chúa Nguyễn không thể không quan tâm đến việc xây dựng cơ sở đào tạo Nho học.
Những người đứng đầu phủ chúa đã cho xây Học cung ở nội phủ. Học cung là một trường học lớn và quan trọng nhất Đàng Trong.
Ngoài ra, chính quyền Đàng Trong cũng cho phép các trường tư được tự do phát triển ở cấp địa phương.
Nhằm phát triển Nho giáo ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã thiết lập và thi hành một hệ thống quy chế đào tạo, thi tuyển ngày càng quy củ.
Nguyễn Hoàng khi còn ở Bắc Hà đã từng được vua Lê cử làm chức Đề điệu cho khoa thi năm Ất Mùi (1595). Các vị chúa đời sau cũng được dưỡng dục qua “cửa Khổng sân Trình” nên nhận thức rất rõ sự cần thiết phải có quy chế và chính sách thi tuyển phù hợp để phát triển Nho giáo. Khi Nho học chưa phát triển, việc thi tuyển chủ yếu được giao cho các phủ huyện tổ chức nhằm tuyển dụng nho sĩ và những người biết chữ Hán để giúp việc trong bộ máy hành chính địa phương.
Việc thi tuyển được giao cho văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, cai bạ, ký lục, nha úy làm giám khảo, nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thí. Kỳ thi này được gọi là thi hội mùa thu, được gọi là “thu vi hội thí”(6).
Nhìn chung, những người đứng đầu phủ chúa Nguyễn thực hiện cơ chế: chính quyền và tư nhân tự do mở trường học, nhà nước tổ chức thi tuyển để chọn người phục vụ cho chính quyền tùy theo nhu cầu cụ thể của từng thời điểm. Nếu so với Đàng Ngoài, Nho học ở Đàng Trong vẫn còn khoảng cách tương đối. Song nhìn chung chính sách phát triển Nho giáo của chính quyền Đàng Trong đã đem lại thành tựu đáng kể.
2.2. Đối với Phật giáo
Việc tổ chức phổ biến kinh pháp được các chúa Nguyễn rất quan tâm nhằm phát triển Phật giáo trên vùng đất Nam Hà. Phật giáo theo bước chân lưu dân Việt (Kinh) trên đường Nam tiến. Nhưng Phật giáo ở Đàng Trong thời kỳ đầu chủ yếu phát triển ở dạng bình dân, giáo lý, kinh sách vốn được dân gian hóa, giản đơn hóa, các sư tăng cũng chỉ hành đạo đơn lẻ ẩn tu, ít truyền bá giáo lý. Mặt khác, chiến tranh loạn lạc, lượng kinh điển truyền bá trong dân gian cũng như tàng lưu trong các chùa chắc chắn không đầy đủ. Trước tình hình đó, năm 1603, chúa Nguyễn Hoàng đã “sai thỉnh nhà sư trụ trì đứng ra mở hội Đại pháp, đọc kinh Đại Thặng”.(7)
Nhằm phát triển nền Phật giáo Đàng Trong, công tác khắc in, phổ biến kinh Phật đã được các chúa chú trọng. Chính sử của triều Nguyễn không ghi chép về việc các chúa Nguyễn tổ chức in loát kinh Phật. Nhưng một số mộc bản hiện nay đang tàng giữ tại chùa Từ Đàm (Tp. Huế) chứa đựng những thông tin khẳng định trên thực tế phủ chúa rất quan tâm, chú ý đến công tác phát triển kinh điển Phật giáo.
Mộc bản được tìm thấy có niên đại sớm nhất cho đến nay là ván khắc bộ kinh Kim Cang vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu năm Chính Hòa thứ 19 (1698). Mặt cuối cùng của bộ mộc bản này khắc bức họa đồ cảnh pháp hội giảng kinh Kim Cang do thiền sư Thạch Liêm vẽ.
Bên cạnh đó, việc tạc tượng, ghi bia, khắc minh chuông cũng được coi là một hình thức phát triển kinh pháp quan trọng. Nhiều chúa Nguyễn đã thực hiện công việc này rất nhiệt thành.
Ngoài Tam giáo ra, không có hoạt động cụ thể nào từ phủ chúa cho thấy việc phát triển kinh sách đối với tôn giáo khác. Một số vị chúa Nguyễn khi lên cầm quyền còn ra lệnh đốt kinh Thánh, phá nhà thờ của đạo Thiên Chúa. Ngược lại, nhiều chúa Nguyễn đã trực tiếp phái người đi tìm mua kinh Phật từ ngoại quốc về Phú Xuân hoặc tổ chức khắc in những bộ kinh lớn của Phật giáo để phổ biến rộng rãi tới dân chúng. Điều này minh chứng rất rõ cho những chính sách đề cao Phật giáo của chính quyền Đàng Trong.
Chùa Thiên Mụ đóng vai trò ngôi chùa vương phủ đồng thời là một quốc tự trọng yếu nhất. Được trùng tu vào các năm 1602, 1635, 1701, 1714, ngôi chùa này đồng hành cùng sự hưng vong của chính quyền Đàng Trong. Bên cạnh đó, các chúa Nguyễn còn “Sắc tứ” cho những ngôi đại tự hoặc có công hộ quốc, an dân.
Năm 1734, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc. Năm 1747, chúa Nguyễn Phúc Khoát lại cho trùng tu chùa Hàm Long, ban “Sắc tứ Báo Quốc tự”.
Hơn hai thế kỉ tồn tại, chính quyền Đàng Trong xây dựng và trùng tu nhiều chùa am. Bên cạnh đó, qua sự bảo hộ và khuyến khích của chính quyền, người dân Đàng Trong đã góp công quả xây dựng nhiều cơ sở thờ Phật.
Nhằm phát triển Phật giáo, việc tạo dựng thiết chế quản lý cũng được các chúa Nguyễn chú ý. Sang thế kỉ XVII, ở Đàng Trong “người bản quốc có lòng tin rất kiên cố, chùa chiền khắp xứ, sãi vãi đầy đoàn”(8) Phật giáo cung đình cũng như Phật giáo bình dân cùng phát triển nhưng Phật giáo bình dân phát triển mạnh mẽ hơn.
Những chùa lớn hoặc ở trung tâm được chính quyền Đàng Trong chọn làm chùa công. Ở trấn Thuận Hóa “có chùa công Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ, đều là đại danh lam” Tại các chùa này, chính quyền Phú Xuân bố trí cao tăng trụ trì. Thiền sư Hương Hải được chúa Nguyễn Phúc Thái đón về phủ Chúa, sau đó cho lập Vĩnh Tĩnh viện trên núi Quy Kính để Thiền sư tu trì là trường hợp tiêu biểu. Chính sách này thể hiện rõ chủ trương của các chúa Nguyễn trong việc đưa bàn tay bảo trợ tinh thần của những người đứng đầu phủ chúa đến tất cả tín đồ Phật giáo Đàng Trong.
Có thể nói, các chúa Nguyễn cố gắng xây dựng một thiết chế ngày càng chặt chẽ với hệ thống quy định, chế tài cụ thể để quản lý và phát triển Phật giáo Đàng Trong.
Thích Chúc Hòa
Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 9/2023
***
CHÚ THÍCH:
(1) Quốc sử triều Nguyễn (2007), Đại nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục, tr.142.
(2) Lê Văn Thuyên (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, nghiên cứu- tuyển dịch, Nxb Thuận Hóa, tr. 72.
(3) Quốc quán sử triều Nguyễn (2006), tr. 42.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, (2007), tr. 106.
(5) Sđd, tr. 546.
(6) Sđd, tr.57.
(7) Nguyễn Khoa Chiêm, (2003), tr. 88.
(8) Thích Đại Sán, (1963), tr. 46.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc sử triều Nguyễn (2007), Đại nam thực lục tập 4, Nxb Giáo dục.
2. Quốc quán sử triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
3. Nguyễn Khoa Chiêm, (2003), Nam triều công nghiệp diễn chí, HN: Nxb. Hội Nhà văn.
4. Thích Đại Sán, (1963). Hải ngoại kỷ sự, Viện Đại học Huế – Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch và chú giải, Huế: Nxb. Thuận Hóa.
5. Lê Văn Thuyên (2008), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế, nghiên cứu- tuyển dịch, Nxb Thuận Hóa.