Chính sách hỗ trợ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang
Triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định 423/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 về phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình. Theo đó, tổng vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 là 4.423.492,5 triệu đồng.
Kinh phí được giao thực hiện dự án 1 là 1.025.245 triệu đồng, trong đó đối với hỗ trợ đất ở là 11.130 triệu đồng (hỗ trợ cho 106 hộ có nhu cầu về đất ở), hỗ trợ nhà ở là 211.696 triệu đồng (hỗ trợ cho 2.096 hộ), hỗ trợ đất sản xuất là 21.300 triệu đồng (hỗ trợ cho 213 hộ), hỗ trợ chuyển đổi nghề là 690.039 triệu đồng (hỗ trợ cho 11.054 hộ), hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung, phân tán là 91.000 triệu đồng (hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung là 20 công trình, nước sinh hoạt phân tán là 10.260 hộ).
Năm 2022, tỉnh hỗ trợ đất ở cho 28 hộ; hỗ trợ làm nhà ở 597 hộ (đảm bảo 3 cứng theo quy định); hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 47 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.097 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.062 hộ; đầu tư xây dựng 02 công trình nước sinh hoạt tập trung. Cùng với đó, UBND tỉnh đã có Quyết định số 49/2022/QĐ-UBND ngày 31/12/2022 quy định về định mức đất sản xuất để thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương đã rà soát, bố trí quỹ đất và triển khai hỗ trợ đất sản xuất cho nhiều hộ có nhu cầu cấp thiết.
Năm 2024, tỉnh ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 07/02/2024 của về thực hiện Chương trình, tỉnh sẽ hỗ trợ đất ở cho 22 hộ; hỗ trợ làm nhà ở 326 hộ (đảm bảo 3 cứng: nền cứng, khung tường cứng, mái cứng); hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho 16 hộ; tiếp tục thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho các hộ; đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung ở các xã vùng đồng bào DTTS…
Cùng với đó, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nội dung chuyển đổi nghề cho hộ có nhu cầu nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho hộ DTTS thuộc đối tượng thụ hưởng Dự án 1. Theo rà soát, giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có khoảng 11.054 hộ sẽ được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Từ khi thực hiện đến tháng 5/2024, tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ có nhu cầu. Tính riêng trong năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.840 hộ gia đình thuộc đối tượng của Chương trình.
Từ nguồn vốn của Chương trình, nhiều công trình nước sạch tập trung được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS. Trong giai đoạn 2022-2024, với tổng vốn là 57 tỷ đồng tỉnh đầu tư xây dựng 19 công trình nước sạch tập trung được tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương. Trong đó, có 7 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. 100% công trình được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước.
Trong năm 2024, với nguồn vốn đầu tư trên 9,7 tỷ đồng, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.234 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Cùng với đó, các địa phương trong toàn tỉnh đang tổ chức rà soát hộ nghèo là DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cần được hỗ trợ. Căn cứ vào nhu cầu và việc bình xét đối tượng thụ hưởng có đơn đề nghị hỗ trợ, UBND các xã, thị trấn tham mưu cấp huyện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng.
Triển khai Nghị định số 28/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình, UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện rà soát đối tượng, giải ngân nguồn vốn để hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống. Qua hơn 2 năm triển khai, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 4 chương trình cho vay: vay hỗ trợ đất ở, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề; có 1.595 hộ được vay vốn, với tổng dư nợ 76 tỷ 365 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả thực hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban chuyên môn phê duyệt kịp thời danh sách đối tượng nhằm giải ngân kịp thời nguồn vốn đến người thụ hưởng; đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi đến vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình đã triển khai chương trình cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân trên địa bàn. Đến nay, đã có 60 hộ đồng bào DTTS là hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền trên 4,1 tỷ đồng. Với mức vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất 3,3%/năm, cho vay thời hạn tối đa 10 năm. Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị định, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ dân, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, qua đó, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào DTTS kịp thời tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tại huyện Chiêm Hóa, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban Đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời triển khai việc cho vay để hỗ trợ nhà ở và các chương trình, đối tượng được vay vốn nhằm đẩy mạnh hiệu quả thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Đồng thời, phối hợp các ban ngành, cấp ủy, chính quyền các xã tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng và đẩy mạnh tuyền truyền Nghị định 28/2022/NĐ-CP đến với đông đảo người dân. Đến nay đã có 187 hộ được vay vốn với dư nợ trên 8,1 tỷ đồng, trong đó, cho vay hỗ trợ nhà ở 172 hộ với số vốn trên 6,8 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề 15 hộ với số vốn trên 1,3 tỷ đồng…đã tạo động lực để các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang yêu cầu tập trung giải ngân 100% nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phân bổ; tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; chú trọng chỉ đạo công tác giải ngân nguồn vốn sự nghiệp bảo đảm nhanh chóng, thiết thực, hiệu quả, kịp thời phục vụ và đáp ứng quyền lợi hợp pháp, chính đáng, cấp thiết của Nhân dân. Minh Anh