Chính sách tài chính vẫn là điểm tựa tổng cầu

Trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, cầu tiêu dùng phục hồi chậm…, Chính phủ, Quốc hội đã chủ động, linh hoạt điều chỉnh chính sách tài chính để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tổng cầu nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính bên lề Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2024.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

PV: Diễn đàn Tài chính Việt Nam là sự kiện được Bộ Tài chính tổ chức thường niên, xin bà cho biết, Diễn đàn năm nay sẽ tập trung bàn về vấn đề gì?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Diễn đàn Tài chính Việt Nam là sự kiện thường niên được Bộ Tài chính tổ chức từ năm 2017, nhằm tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp chính sách tài chính, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.

Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm nay không chỉ là sự tiếp nối của các Diễn đàn Tài chính Việt Nam trước đây mà còn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 - 2025 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ, nhưng để duy trì đà tăng trưởng và đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần vượt qua thách thức như suy giảm tổng cầu, cải thiện chất lượng tăng trưởng và ứng phó các yếu tố bất định.

Diễn đàn tập trung đánh giá thực trạng tổng cầu, nhận diện những vấn đề đặt ra đối với chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu, tạo động lực phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế.

PV: Trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến tổng cầu (xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng) của Việt Nam, theo bà, những giải pháp tài chính được áp dụng thời gian qua thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế ra sao?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Để thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Bộ Tài chính đã kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội thực hiện các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và một số khoản phí, lệ phí. Đơn cử như chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% được thực hiện trong giai đoạn 2022-2024 đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, kích cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.

Nhờ các giải pháp tích cực, trong 3 quý đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng có sự phục hồi tích cực hơn, tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế.

Để tiếp tục thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, rà soát, đánh giá các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trong thời gian qua; đồng thời đề xuất các giải pháp tài khóa cho năm 2025, như đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong 6 tháng đầu năm 2025, và giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong cả năm 2025. Tổng quy mô 2 gói giảm thuế này lên đến gần 70 nghìn tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm tới.

Đối với đầu tư, trong giai đoạn vừa qua, nguồn lực đầu tư công được đẩy mạnh với vai trò động lực của nền kinh tế; chi đầu tư phát triển nguồn NSNN tăng qua các năm. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công được cải thiện, bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 93,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt 52% tổng số dự án trong giai đoạn 2021-2025.

Theo tính toán, cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước vào nền kinh tế. Đồng thời, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm. Ngoài ra, nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng 1 điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm khoảng 0,12 điểm phần trăm. Vì vậy, việc thúc đẩy đầu tư công đóng vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV: Theo bà, thời gian tới cần có giải pháp trong chính sách tài chính ra sao để tiếp tục thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ phát triển kinh tế?

TS. Nguyễn Thanh Nga: Năm 2024 là năm thứ 5 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế với quy mô khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Tổng quy mô gói hỗ trợ trong 5 năm ước lên tới gần 900 nghìn tỷ đồng.

Năm 2025 và những năm tới, dự báo tình hình kinh tế thế giới khó khăn và thuận lợi đan xen. Do đó, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong ngắn hạn và thực hiện chính sách tài chính bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, chính sách tài khóa phải có sự đồng hành của các chính sách khác để phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Văn Tuấn - Thế Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-sach-tai-chinh-van-la-diem-tua-tong-cau-165317.html