Chính sách tài khóa là trụ cột để dẫn dắt tăng trưởng

Việc chính sách tài khóa đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả với chính sách tiền tệ đã, đang và sẽ góp phần quan trọng tạo 'trụ cột' dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công chính là một trong những chính sách tài khóa quan trọng đã được Việt Nam đẩy mạnh những năm gần đây. Ảnh: Dũng Minh

Đầu tư công chính là một trong những chính sách tài khóa quan trọng đã được Việt Nam đẩy mạnh những năm gần đây. Ảnh: Dũng Minh

Bệ đỡ cho tăng trưởng

Vào ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc “chỉ đạo sát sao, quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính sách tài khóa có hiệu quả, đồng bộ với các chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác”, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành đó, nên dù tình hình thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do biến động địa chính trị toàn cầu, nhưng kinh tế - xã hội năm 2023 đã đạt được kết quả khá toàn diện, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05%; lạm phát được kiểm soát; quản lý thu, chi ngân sách nhà nước được tăng cường, thu ngân sách nhà nước vượt 9,3% so với dự toán; chi ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển…

Tiếp nối đà tích cực của năm 2023, đóng góp của các chính sách tài khóa - tiền tệ cho thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 còn lớn hơn nữa. Năm 2024, tăng trưởng GDP đạt 7,09%, còn năm 2025, mục tiêu của Chính phủ là đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8%, tạo tiền đề cho việc đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

“Trong bối cảnh áp lực từ thuế quan, tỷ giá và các biến động địa chính trị toàn cầu đè nặng lên dư địa chính sách tiền tệ, thì sự linh hoạt, chủ động và quy mô đủ lớn của chính sách tài khóa là trụ cột để dẫn dắt tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn”, ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính (Bộ Tài chính) nói.

Năm 2025 có thể nói là năm mà chính sách tài khóa tiếp tục được mở rộng hơn, với mục tiêu đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao. Các chính sách giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… tiếp tục được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ… cũng tương tự. Thậm chí mới đây, sau đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ đã trình Quốc hội chấp thuận kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2026, mở rộng sang một số nhóm hàng hóa, dịch vụ khác.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng số tiền đã giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 6/2025 là khoảng 106.700 tỷ đồng (giảm khoảng 48.800 tỷ đồng, gia hạn khoảng 57.900 tỷ đồng). Dự kiến tổng mức hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp năm 2025 sẽ đạt khoảng 232.600 tỷ đồng, cao hơn năm 2024 khoảng 35.000 tỷ đồng.

Việc giảm, gia hạn thuế, phí, có thể nói, sẽ góp phần quan trọng “trợ lực” cho nền kinh tế, kích thích tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh… Đó là lý do khi thảo luận về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng mới đây, hầu hết các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình và bấm nút thông qua.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn khó lường, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những công cụ hiệu quả để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh và góp phần ổn định vĩ mô. Đây chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Đi bằng hai chân: Tài khóa và tiền tệ

Thực tế những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, các chính sách tài khóa, tiền tệ luôn được thực hiện linh hoạt, hiệu quả và đồng bộ, khi nới lỏng, lúc thắt chặt, tùy vào diễn biến của nền kinh tế, nhưng đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là vừa duy trì đà tăng trưởng, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Giai đoạn 2021-2022, khi kinh tế toàn cầu đối mặt với lạm phát lập đỉnh, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế từ Mỹ, châu Âu, tới Nhật Bản, Hàn Quốc… đều phải thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng buộc phải tăng lãi suất điều hành, kiểm soát chặt tín dụng, quản lý chặt chẽ thị trường ngoại hối… để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá.

Nhưng bài toán khó của Việt Nam là làm sao phục hồi kinh tế, duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn hậu đại dịch. Trong bối cảnh ấy, giữa lúc tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, không chỉ Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, mà cả các chuyên gia đều lo tiền “nằm chết” ở ngân hàng, thì chính sách tài khóa trở thành “cứu cánh”.

Một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô tới 350.000 tỷ đồng đã được thực hiện, trong đó riêng chính sách tài khóa là 291.000 tỷ đồng, gồm miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, gia hạn nộp thuế và hỗ trợ đầu tư phát triển. Trước đó, năm 2020, lần đầu tiên, những người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã được nhận hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước.

Cả chính sách tiền tệ và tài khóa đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua.

Những chính sách tài khóa này đã phát huy hiệu quả, đưa nền kinh tế nhanh chóng phục hồi và tăng tốc. Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%. Năm 2023, do ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam chỉ đạt mức tăng trưởng 5,05%, nhưng sang năm 2024, lại bứt phá, với con số tăng trưởng 7,09%.

“Chính sách tài khóa đã đóng vai trò như ‘bệ đỡ vững vàng’ cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói như vậy vào thời điểm đó, đồng thời đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là tăng đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đầu tư công chính là một trong những chính sách tài khóa quan trọng đã được Việt Nam đẩy mạnh những năm gần đây. Ngân khoản của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách đầu tư công hàng năm đã góp phần quan trọng để nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai những năm vừa qua.

Năm 2025, bên cạnh số vốn gần 830.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2025 được Quốc hội quyết nghị, còn có số vốn chuyển nguồn từ năm trước và vốn bổ sung từ nguồn tăng thu năm 2024. Do vậy, đây là năm có lượng vốn đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay, có thể lên tới cả triệu tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2024 khoảng 237.000 tỷ đồng.

Ngân khoản lớn, nhưng với sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, giải ngân vốn đầu tư công đã đạt kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm, con số là 268.100 tỷ đồng, đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2024 khoảng 79.700 tỷ đồng (giải ngân cùng kỳ năm 2024 ước đạt 188.400 tỷ đồng, đạt 28,2%).

Tỷ lệ có thể chưa đạt kỳ vọng, trong đó có yếu tố đặc thù của giải ngân đầu tư công là thường chậm vào đầu năm, tăng tốc vào cuối năm, nhưng đây là một kết quả tích cực. Những năm gần đây, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công luôn đạt mức 93-95%. Năm nay, Chính phủ quyết tâm giải ngân 100%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng mới đây đã báo cáo Quốc hội, thời gian qua, vốn đầu tư công được dồn lực vào các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, tạo ra động lực mới, không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả rõ thấy nhất là đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.327 km lên 2.268 km.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, vào thời điểm đầu năm 2022, đã nhắc tới chuyện sau 20 năm khởi động làm đường cao tốc, “chúng ta chỉ làm được hơn 1.000 km”, tức là mỗi năm làm được chưa tới 50 km. Nhưng chỉ trong vòng 3 năm qua, số km đường cao tốc đã tăng lên 2.268. Con số của 3 năm qua còn vượt cả 20 năm trước, và mục tiêu 3.000 km đường cao tốc nhiều khả năng sẽ đạt được vào cuối năm nay.

Làm được điều này một phần quan trọng là nhờ chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả trong thời gian qua. Chính sách tài khóa đã hỗ trợ cho tăng trưởng, nhờ đó ngân sách nhà nước tăng thu, nền kinh tế có thêm nguồn để thực hiện các chính sách an sinh cũng như cho đầu tư phát triển. Thủ tướng Chính phủ khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội luôn hồ hởi nhấn mạnh chuyện ngân sách “thu đủ chi” trong nhiệm vụ bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thực tế, những năm gần đây, thu đều vượt dự toán. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.302.100 tỷ đồng, bằng 66,2% dự toán, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2024. Có được khoản thu lớn này là nhờ quý IV/2024, kinh tế tăng trưởng cao (7,55%), đưa cả năm đạt 7,09%. Và đầu năm nay, đà tăng trưởng vẫn đang tiếp tục.

Để giữ đà tăng trưởng, cả chính sách tài khóa và tiền tệ đều đang được điều hành theo hướng nới lỏng hơn. Chính sách tiền tệ sẽ giúp đưa nhanh vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ cho sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng của người dân. Còn chính sách tài khóa, có thể có độ trễ hơn, nhưng lại tạo được bệ đỡ vững chắc cho không chỉ chính sách tiền tệ, mà cho cả tăng trưởng kinh tế.

Trọng trách lớn

Cả chính sách tiền tệ và tài khóa đang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Nhưng tới đây, trọng trách lớn đang được đặt lên vai cả hai chính sách này, đặc biệt là chính sách tài khóa.

Khi nền kinh tế chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, với mục tiêu trước mắt là đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, thì đòi hỏi một nguồn lực rất lớn cho đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư công. Câu hỏi đặt ra là, làm sao huy động đủ nguồn lực để đầu tư cho hàng loạt dự án lớn, như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường vành đai 3-4 quanh Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, dự án điện hạt nhân…

Chính sách tiền tệ, trong bối cảnh này, cũng sẽ là “cánh tay đắc lực” cho chính sách tài khóa. Tuy vậy, khi tiền “bung” ra, sẽ lại là nỗi lo mất ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cao trở lại…

Thực tế, kể từ năm 2011 đến nay, trong điều hành kinh tế vĩ mô, Chính phủ luôn nhất quán quan điểm “ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô”, coi đó là yếu tố nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Ngay cả khi ban hành Nghị quyết 154/NQ-CP mới đây về việc đưa nền kinh tế đạt tăng trưởng trên 8%, Chính phủ vẫn nhấn mạnh yếu tố “ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát ở mức 4,5-5%.

Suốt những năm qua, quan điểm điều hành này đã được nhất quán thực hiện, với nhiều biện pháp quyết liệt và hiệu quả. Nhờ vậy, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, ngay cả vào thời điểm Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện, một dòng tiền lớn được đổ vào nền kinh tế. Mục tiêu này cũng cần được nhất quán thực hiện trong thời gian tới, khi chính sách tài khóa và cả tiền tệ gánh trọng trách góp phần đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới.

Hà Nguyễn - Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chinh-sach-tai-khoa-la-tru-cot-de-dan-dat-tang-truong-d316380.html