Chính sách thuế quan của Mỹ gây áp lực lên thị trường tiền tệ
Đồng yen Nhật và won Hàn Quốc đã sụt mạnh so với đồng USD trong phiên giao dịch sáng 8/7, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo áp đặt mức thuế quan 25% lên hàng hóa từ các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, đồng euro được dự đoán sẽ ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn trong phạm vi toàn cầu.

Đồng yen Nhật Bản nối dài đà giảm - Ảnh minh họa
Đồng yen và won chịu áp lực bán ra trước mức thuế quan mới
Các đồng tiền châu Á đã chịu áp lực ngay lập tức sau thông báo trên. Đồng yen Nhật Bản nối dài đà giảm so với đồng USD sang phiên sáng 8/7 tại châu Á, giao dịch ở mức 146,44 yen/USD, sau khi giảm khoảng 1% xuống mức 146 yen/USD trong phiên giao dịch tại New York.
So với đồng euro, đồng yen cũng trượt xuống mức thấp nhất trong một năm là 171,40 yen/euro, tương đương mức giảm khoảng 0,5%.
Trong khi đó, đồng won Hàn Quốc có thời điểm giảm khoảng 1% so với đồng bạc xanh trước khi phục hồi nhẹ. Mặc dù vậy, cả hai đồng tiền vẫn chịu áp lực bán ra đáng kể.
Bà Carol Kong, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia, nhận định: "Vẫn còn rất nhiều bất ổn về mức thuế cuối cùng và quốc gia nào sẽ nhận mức thuế nào. Do đó, sự không chắc chắn về kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao và sẽ khiến các nhà đầu tư phải cảnh giác.”
Trái ngược với sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ, một số đồng tiền khác đã ghi nhận sự phục hồi so với đồng USD. Đồng bảng Anh tăng 0,17% lên 1,3626 USD/bảng. Đồng AUD tăng 0,32% lên 0,6513 USD, sau khi giảm 0,9% trong phiên trước đó, còn đồng NZD tăng 0,22% lên 0,6015 USD, đảo ngược mức giảm 0,8% hôm 7/7.
Chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, gần như đi ngang ở mức 97,40, giữ vững phần lớn đà tăng 0,5% từ phiên trước đó.
Đáng chú ý, thị trường chứng khoán của Nhật Bản và Hàn Quốc lại tỏ ra khá kiên cường. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mở cửa giảm nhẹ 0,11% xuống 39.542,07 điểm nhưng sau đó đã lấy lại 160 điểm, tăng 0,4%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng tăng 0,4% khi mở cửa.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng mức thuế mới sẽ gây ra "tác động tiêu cực không thể tránh khỏi" đối với xuất khẩu và đầu tư của Nhật Bản, đồng thời tạo ra một "cơn gió ngược" cho chu kỳ tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Tầm quan trọng của đồng euro trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng

Đồng euro đã tăng giá 14% so với USD trong năm nay - Ảnh minh họa
Theo các ngân hàng trung ương và chuyên gia kinh tế, tầm quan trọng của đồng euro trên toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay, khi các yếu tố chính trị thúc đẩy đồng tiền chung châu Âu tăng giá thêm so với đồng USD.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Aix-en-Provence, Pháp vào tuần trước, giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nói rằng có lẽ còn lâu euro mới có thể đe dọa vị thế đồng tiền dự trữ số 1 thế giới của USD, nhưng đồng tiền này đang ngày càng được xem là một lựa chọn thay thế ổn định cho bạc xanh, miễn sao có được sự hậu thuẫn từ hoạch định chính sách.
Năm nay, sự bất định xung quanh các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ, cùng tác động tiềm ẩn đến nền kinh tế và lạm phát ở Mỹ, là một nguyên nhân chính đưa đồng euro tăng giá 14% so với USD. Ngoài ra, đồng euro còn được hỗ trợ bởi việc các nước châu Âu, nhất là Đức, tăng chi tiêu tài khóa. Đà tăng của đồng euro duy trì ngay cả khi ECB cắt giảm lãi suất còn Fed giữ nguyên lãi suất.
Bên cạnh đó, Quốc hội Mỹ mới đây đã thông qua dự luật giảm thuế khổng lồ của Tổng thống Donald Trump và ông Trump đã ký dự luật này thành một đạo luật, đánh dấu một thắng lợi chính trị quan trọng của ông trong nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai. Tuy nhiên, đạo luật này được dự báo sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ, có thể làm suy giảm sự hứng thú của nhà đầu tư với nợ do Chính phủ Mỹ phát hành, trong bối cảnh niềm tin của thị trường với các tài sản Mỹ đã có phần lung lay trong năm nay do tác động của cuộc chiến thuế quan.
“Địa vị của đồng USD sẽ không thay đổi trong ngày một ngày hai, nhưng đồng euro đang ở vào một vị thế để gia tăng tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu”, ông Stournaras nói thêm. Ông cho rằng thực tế này đòi hỏi EU hoàn tất những nỗ lực dài hạn để thành lập một Liên minh Ngân hàng và Liên minh Thị trường vốn, đồng thời giảm bớt các hàng rào nội khối để cho phép đồng euro gia tăng vị thế trên trường quốc tế.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland Gabriel Makhlouf đồng tình với quan điểm này. “Tôi cho rằng những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ đối với đồng USD là một sự điều chỉnh từ phía các nhà đầu tư”, ông nói. “Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện thuế quan. Nhà đầu tư còn đang nhận thấy có những rủi ro khác từ Mỹ đối với các khoản đầu tư và tài sản của họ, nên họ tiến hành điều chỉnh”.
Theo một báo cáo của ECB công bố vào tháng 6 thì trong hơn 10 năm qua, tỷ trọng của euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giữ ổn định ở mức khoảng 1/5. Tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ 68,8% vào năm 2014 xuống còn 57,8% vào cuối năm ngoái.
Cũng theo dự báo của các chiến lược gia tỷ giá giữa euro và USD trong những tháng tới sẽ có nhiều biến động do những thay đổi về thuế quan, chính sách tiền tệ và nhiều thông tin khác, nhưng nhìn chung ưu thế vẫn sẽ thuộc về euro. Một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank cũng nhấn mạnh rằng bối cảnh chính cho sự mất giá của USD là các nhà đầu tư nước ngoài “không còn mua các tài sản USD tới mức đủ để bù đắp cho thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ của Mỹ”. Theo ngân hàng này nhận định “Người nước ngoài không cần phải bán tài sản Mỹ để làm suy yếu USD, mà chỉ cần từ chối mua thêm.