Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump gây áp lực đối với cả Mỹ và ASEAN
Giáo sư Kim Beng nhận định các mức thuế đối ứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Malaysia, quốc gia chịu mức thuế 24%, tuyên bố sẽ không tìm cách áp thuế trả đũa. (Nguồn: Bloomberg)
Bình luận về chính sách thuế quan mới, vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4, Giáo sư Phar Kim Beng, chuyên gia về vấn đề Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thuộc Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia (IIUM), cho rằng đây là một phần kế hoạch gây áp lực đối với các nền kinh tế ASEAN, song cũng có nguy cơ gây áp lực lạm phát tại Mỹ và nhiều nước khác.
Trao đổi với báo giới, Giáo sư Kim Beng nhận định các mức thuế đối ứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế ASEAN, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thuế đối ứng sẽ không dẫn đến sự sụp đổ của ASEAN.
Theo Giáo sư Kim Beng, ASEAN đã vượt qua nhiều cú sốc bên ngoài, từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đến các cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Bất chấp những tác động khác nhau của các mức thuế này, các khuôn khổ thể chế của ASEAN, như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ giúp duy trì khả năng phục hồi của khu vực.
Cũng theo Giáo sư Kim Beng, tác động tức thời nhất là lạm phát, cả ở Mỹ và trên toàn thế giới. Khi chi phí nhập khẩu tăng, các doanh nghiệp sẽ chuyển những chi phí này cho người tiêu dùng, đẩy giá lên cao.
Về phần mình, ông Deborah Elms, Giám đốc điều hành (CEO) của Trung tâm thương mại châu Á, lập luận sự gián đoạn chuỗi cung ứng do thuế gây ra áp lực lạm phát dài hạn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp phụ thuộc vào thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, ông Jeff Friedman, Đại học Harvard, một chuyên gia về chính sách thương mại, cảnh báo thuế trả đũa từ ASEAN cũng có thể làm trầm trọng thêm vòng xoáy lạm phát.
Đề cập đến giải pháp trước mắt trong bối cảnh hiện nay, Giáo sư Kim Beng cho rằng ASEAN nên đa dạng hóa thương mại và coi đó là chiến lược ứng phó của khu vực.
Cụ thể, ASEAN phải tăng cường quan hệ đối tác thương mại thông qua Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hợp tác Nam-Nam, đồng thời mở rộng thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).
Trong khi đó, ông Deborah Elms cũng nhấn mạnh các thỏa thuận như RCEP và CPTPP cung cấp cho ASEAN các thị trường thay thế, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và bảo vệ các nền kinh tế khỏi gián đoạn thương mại.
Các thỏa thuận này cho phép các quốc gia ASEAN tăng cường thương mại nội khối và thu hút đầu tư.
Về phần mình, Giáo sư kinh tế học tại Viện Á-Âu, thuộc Đại học Malaysia, ông Rajah Rasiah, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ kinh tế với các thị trường mới nổi ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông nhằm tránh sự phụ thuộc kinh tế vào phương Tây. Bên cạnh đó, ASEAN cũng nên mở rộng thương mại với EU và GCC.
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách thuế mới nhắm vào một số quốc gia ASEAN, tăng đáng kể thuế nhập khẩu đối với các đối tác thương mại quan trọng trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Sáu trong số 9 quốc gia Đông Nam Á được liệt kê trong danh sách áp thuế đối ứng mới của Mỹ phải chịu mức thuế quan cao hơn nhiều so với dự báo, từ 32% đến 49%. Hiện một số nước trong khu vực, trong đó có Malaysia và Thái Lan, đang chuẩn bị đàm phán với Mỹ về vấn đề trên.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết chính phủ nước này sẽ đàm phán với Mỹ về vấn đề thuế quan.
Phát biểu trước báo giới, bà Paetongtarn khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị một số bước… Tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể đàm phán.”
Thủ tướng Thái Lan cho biết chính phủ nước này đã có một kế hoạch vững chắc nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay sẽ không bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ.
Malaysia, quốc gia chịu mức thuế 24%, tuyên bố sẽ không tìm cách áp thuế trả đũa.
Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết đang thực thi các biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động đối với hàng hóa xuất khẩu, đồng thời sẽ không áp thuế trả đũa, tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng của Mỹ về quan hệ thương mại công bằng.
Bộ trên nhấn mạnh việc áp dụng chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra thách thức đáng kể đối với động lực thương mại toàn cầu. Malaysia tin tưởng vào sự tham gia mang tính xây dựng đối với các mối quan hệ kinh tế cùng có lợi./.