Thạc sĩ Đại học Bắc Kinh khiến mọi người ngỡ ngàng khi đi làm nhân viên căng tin

Câu chuyện của cô gái này là minh chứng cho việc dám bước qua những khuôn khổ để tìm hạnh phúc thực sự cho chính mình.

Câu chuyện của cô Huang, 26 tuổi, gần đây đã gây chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc khi mang 2 mác "Nghiên cứu sinh Bắc Đại" và "Dì căng tin" trở thành biểu tượng đối lập. Trong khi nhiều người chỉ trích cô vì "lãng phí tài nguyên giáo dục", không ít người khác lại bày tỏ sự thất vọng với quan điểm "học cao chẳng ích gì".

Dù vậy, cô Huang đã tìm thấy niềm vui và sự bình yên trong công việc bếp núc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người trong việc tìm lại ý nghĩa cuộc sống thông qua những lựa chọn dám thoát ra khỏi khuôn khổ xã hội.

Dám đứng lên lột bỏ "nhãn mác"

Được biết, cô Huang từng là thực tập sinh tại một cơ quan truyền thông lớn và có kinh nghiệm làm việc tại các công ty Internet danh tiếng. Tuy nhiên, cuộc sống của cô dần trở nên ngột ngạt khi phải đối mặt với những đêm làm việc muộn, khối lượng công việc đồ sộ và hàng loạt chỉ tiêu KPI khắt khe. Cuối cùng, cô cảm thấy như mình đang mất đi sự tự do và lạc lối trong cuộc sống.

Thế nhưng thay vì tiếp tục chạy theo những chuẩn mực xã hội về thành công, cô đã quyết định lột bỏ mác "nghiên cứu sinh Bắc Đại" để tìm về với công việc đơn giản hơn, làm phục vụ trong căng tin đại học.

Cô không còn phải đối mặt với những giờ làm việc căng thẳng, những buổi họp đêm khuya, mà thay vào đó là những giờ phút thoải mái đứng sau quầy ăn, phục vụ các suất cơm cho sinh viên, nghe họ gọi mình là "dì Huang". Đối với cô, đây là quyết định đưa bản thân lại gần hơn với hạnh phúc, mặc dù mức lương của cô chỉ 5.000 tệ/tháng (khoảng 19 triệu đồng)

Cô Huang dám từ bỏ công việc lương nghìn đô.

Cô Huang chia sẻ rằng, công việc trong căng tin mặc dù rất mệt mỏi về thể chất nhưng lại đem lại cho cô cảm giác thanh thản mà những công việc trước đây không thể có được. "Công việc trí óc là dao mòn cắt thịt, còn công việc thể lực mang lại cảm giác sảng khoái, như mồ hôi tuôn ra trong lúc lao động. Sau mỗi ngày, tôi có thể ngủ ngon và sáng hôm sau thức dậy với đầy năng lượng" - cô cho hay.

Sự thay đổi này không chỉ mang lại sự ổn định về mặt thể chất mà còn giúp cô tìm lại được cảm giác tự chủ trong cuộc sống, điều mà trước đây cô đã đánh mất trong công việc văn phòng đầy căng thẳng.

Định nghĩa lại sự thành công

Trong khi xã hội thường đề cao những thành tựu nghề nghiệp và cuộc sống vật chất, cô Huang lại quyết định đặt câu hỏi ngược lại: Liệu những tiêu chuẩn đó có thực sự đem lại hạnh phúc? Thay vì so sánh mình với những người bạn làm việc trong các công ty lớn hay những du học sinh, cô tự hỏi: "Ngày hôm nay, tôi đã giúp được bao nhiêu sinh viên?".

Đối với cô, hạnh phúc không phải là đạt được những mục tiêu xã hội đặt ra, mà là sống một cuộc đời phù hợp với bản thân mình.

Chính sự đơn giản trong cuộc sống và sự thoải mái khi được làm công việc thực tế đã giúp cô tìm lại được ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống. "Thực sự, thành công không phải là sống để người khác ngưỡng mộ, mà là sống một cách thoải mái, với chính mình", cô nói.

Huang rất hạnh phúc với lựa chọn trở thành nhân viên căng tin của mình

Cô Huang không chỉ dừng lại ở việc làm công việc đơn giản trong căng tin. Cô đã đặt ra mục tiêu rõ ràng là trở thành quản lý căng tin, sử dụng kiến thức quản lý để cải thiện quy trình phục vụ thức ăn, giúp sinh viên ăn uống lành mạnh hơn. Mơ ước này không còn mơ hồ mà đã được thực hiện trong mỗi bữa ăn, mỗi quyết định cô đưa ra trong công việc hằng ngày.

Cô nói: "Chính công việc phục vụ ở căng tin đã giúp tôi nhìn thấy rõ hơn con đường thực sự mình cần đi. Tôi không cần phải chen chân vào các tòa nhà văn phòng, cũng không cần phải đạt những tiêu chuẩn xã hội để cảm thấy mình thành công".

Phan Hằng - Sohu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thac-si-dai-hoc-bac-kinh-khien-moi-nguoi-ngo-ngang-khi-di-lam-nhan-vien-cang-tin-204250404111908022.htm