Chính thức tháo gỡ khó khăn về vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chính thức ký hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vào chiều nay 24/5.

Ngành đường sắt chính thức được "giải cứu" vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021. Ảnh minh họa

Theo đó, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh chính thức ký kết hợp đồng bảo trì đường sắt năm 2021.

Phạm vi hợp đồng bao gồm nội dung đặt hàng: Công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; Khắc phục hậu quả bão lũ bước 1; Sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất khác. Thời gian thực hiện hợp đồng từ 00h00 ngày 1/1/2021 đến 24h00 ngày 21/12/2021. Tổng giá trị hợp đồng là 2.821,9 tỉ đồng.

Trong đó, VNR có trách nhiệm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và theo quy định của pháp luật; đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác.

Sau khi ký hợp đồng, trong vòng 5 ngày làm việc, Bộ GTVT sẽ tạm ứng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 50% giá trị phần công việc. Công tác thanh toán, quyết toán, nghiệm thu bàn giao giữa hai bên thực hiện đúng quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật hiện hành.

Quang cảnh lễ ký kết

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao Cục Đường sắt Việt Nam (được Bộ GTVT ủy quyền) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương trao đổi, bàn bạc, đàm phán trên tinh thần trách nhiệm, hợp tác cao để đi đến thống nhất những nội dung cơ bản của hợp đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, sau khi hợp đồng được ký kết, hai bên khẩn trương triển khai những nhiệm vụ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác. Đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng, thu nhập, đời sống của người lao động ngành đường sắt.

Trong quá trình thực hiện, hai bên trao đổi, thống nhất, chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung còn vướng mắc để có căn cứ tiếp tục triển khai thực hiện hợp đồng một cách liên tục, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Từ đầu năm đến nay, do những vướng mắc về các quy định đã khiến 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 636/TTg-CN ngày 19/5/2021, yêu cầu "Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trước ngày 24/5/2021.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư, đảm bảo hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-thuc-thao-go-kho-khan-ve-von-bao-tri-ket-cau-ha-tang-duong-sat-quoc-gia-post135177.html