Chính thức thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 như Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, mức thuế với xăng, trừ ethanol là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít.
Chiều 24/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính ngân sách; trong đó đã nhất trí thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu năm 2025.
Giảm thuế góp phần kiểm soát lạm phát
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy định tại mục 1 khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, từ ngày 01/01/2025 sẽ áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn mới. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, khi mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần trong Biểu khung thuế từ ngày 01/1/2025 thì sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Bởi, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ làm tăng giá bán lẻ những mặt hàng này; tạo áp lực gia tăng lạm phát, từ đó gây bất lợi trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2025 như quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15. Cụ thể xăng, trừ ethanol là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/lít; dầu hỏa là 600 đồng/lít.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, để bảo đảm tính ổn định của chính sách và đạt được mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thời hạn áp dụng Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025. Từ ngày 01/01/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ cam kết và chịu trách nhiệm việc đề xuất giảm các mức thuế này không ảnh hưởng đến dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội thông qua.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, bên cạnh việc giảm thuế trong năm 2025, Chính phủ cần cân nhắc lộ trình tăng dần mức thuế bảo vệ môi trường để tiến tới áp dụng mức thuế quy định tại Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bảo đảm phù hợp với bản chất và nguyên tắc của thuế bảo vệ môi trường, phù hợp với diễn biến dự báo giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, Chính phủ cần dự báo chính sách, đánh giá tác động để xác định trong năm 2026 liệu có thể tiếp tục áp dụng mức thuế này không. Nếu như trong năm 2026 có thể áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 579, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thực hiện tăng dần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn ngay từ cuối năm 2025 để người dân, doanh nghiệp dần quen với mức thuế mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Chính phủ có giải pháp để dự báo tình hình phản ứng nhanh, chính xác, kịp thời hơn, chủ động trong việc xây dựng chính sách; bảo đảm thời gian, trình tự, thủ tục cho các cơ quan có cuộc thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định hoặc là cho ý kiến; tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra... Đây là bước quan trọng trong lộ trình tăng thuế, phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của Việt Nam.
Tại Phiên họp, với 100% số thành viên tham dự nhất trí tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn.