'Chính trị đường ống' của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á

Trung Á và Nam Kavkaz (South Caucasus) từ lâu đã nằm trong quỹ đạo địa chính trị của Nga. Nhưng khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách tận dụng lợi thế bằng cách tăng cường ảnh hưởng của mình ở những vùng chiến lược quan trọng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rất muốn biến đất nước của mình thành một trung tâm năng lượng. Ảnh: AFP /Anadolu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rất muốn biến đất nước của mình thành một trung tâm năng lượng. Ảnh: AFP /Anadolu

Không có gì bí mật khi Ankara coi Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan và Uzbekistan là các quốc gia thuộc thế giới Turkic – một ý tưởng mà cựu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul từng gọi bằng khái niệm “một quốc gia, sáu nhà nước”. Tuy nhiên, các mối quan hệ văn hóa không phải là điều thúc đẩy người kế nhiệm của ông, Recep Tayyip Erdogan. Hôm nay, tất cả là về năng lượng.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Turkmenistan đặc biệt quan trọng. Mặc dù không phải là thành viên của Tổ chức Các quốc gia Turkic - một nhóm các quốc gia ngữ hệ Turk có ảnh hưởng trong khu vực, Turkmenistan đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược Trung Á của Ankara. Như ông Erdogan đã nói thẳng vào tháng trước: “Tôi hy vọng rằng khí đốt của Turkmenistan sẽ sớm chảy đến Thổ Nhĩ Kỳ qua biển Caspi”.

Mặc dù bị coi là một trong những quốc gia cô lập nhất thế giới, Turkmenistan đứng thứ tư toàn cầu về trữ lượng khí đốt tự nhiên sau Nga, Iran và Qatar. Mặc dù hiện tại Trung Quốc là khách hàng mua khí đốt chính của Turkmenistan, nhưng Ankara đặt mục tiêu bắt đầu mua năng lượng từ nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này, giúp đưa Thổ Nhĩ Kỳ thành một trung tâm khí đốt trong khu vực.

Và đây là cách kế hoạch này hoạt động: Bằng cách đầu tư vào các điều kiện kinh tế và chính trị cần thiết để nhập khẩu lượng lớn khí đốt tự nhiên từ Nga, Azerbaijan, Iran và Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chuyển hướng dòng năng lượng đó sang châu Âu và trở thành trung gian bán khí đốt.

Mặc dù Điện Kremlin ủng hộ ý tưởng này về nguyên tắc – đặc biệt là khi Nga không còn có thể cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua các đường ống Nord Stream, chiến lược năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp phải một số sự phản đối ở Nga.

Đáng chú ý nhất là Thượng nghị sĩ Alexander Bashkin, người gần đây tuyên bố rằng Moskva sẽ không cho phép xây dựng đường ống dẫn khí xuyên biển Caspi từ Turkmenistan đến Azerbaijan, một phần thiết yếu của bất kỳ mối liên kết nào trong tương lai với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Bashkin lấy lý do những lo ngại về môi trường cho lập trường của mình, nhưng ẩn ý địa chính trị đã rõ ràng.

Đường ống dẫn khí đốt TAPI của Turmenistan. Ảnh: Business.com

Đường ống dẫn khí đốt TAPI của Turmenistan. Ảnh: Business.com

Tuy nhiên, ngay cả khi Điện Kremlin chia sẻ quan điểm của ông Bashkin, thì không chắc Moskva có đủ phương tiện để đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đi chệch hướng. Đang vướng tại Ukraine, Nga khó thể ra lệnh cho các quốc gia khác, và đặc biệt là không phải Thổ Nhĩ Kỳ.

Về lý thuyết, Moskva có thể cung cấp các đường ống dẫn khí đốt của riêng mình tới Turkmenistan, Kazakhstan và Uzbekistan để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Nhưng xét đến sự cô lập của Nga trên trường quốc tế, các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ sẽ khó rộng mở làm ăn với Điện Kremlin.

Do đó, Ankara gần như chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ năng lượng với Turkmenistan mà không sợ bị Nga trả đũa.

Thổ Nhĩ Kỳ đã mua năng lượng ở những nơi khác trong khu vực; họ cũng là một trong những khách hàng mua khí đốt tự nhiên chính của Azerbaijan. Nhưng do nguồn lực của Azerbaijan có hạn nên Ankara vẫn coi Turkmenistan là trụ cột trong chiến lược địa kinh tế của mình.

Trong khi các lợi ích kinh tế và năng lượng đang thúc đẩy chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong không gian hậu Xô Viết, chắc chắn ông Erdogan sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa “toàn Thổ Nhĩ Kỳ” (pan-Turk), vì hầu hết các quốc gia ngữ hệ Turk đều có mối quan hệ lịch sử, dân tộc và văn hóa với Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ nghĩa Pan-Turk giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các mục tiêu đầy tham vọng của mình ở trung tâm Á-Âu – cụ thể là cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở các quốc gia xung quanh Biển Caspi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (thứ ba từ trái sang) và các nhà lãnh đạo Turkmenistan, Uzbekistan, Azerbaijani, Hungary và Kyrgyztan. Ảnh: arabweekly

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (thứ ba từ trái sang) và các nhà lãnh đạo Turkmenistan, Uzbekistan, Azerbaijani, Hungary và Kyrgyztan. Ảnh: arabweekly

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ vào những năm 1990. Kể từ đó, Ankara đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ với khu vực, tham gia vào các dự án kinh tế và giáo dục, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thâm nhập vào Kyrgyzstan, mở các nhà thờ Hồi giáo và trường học, đồng thời tăng cường hợp tác năng lượng.

Ở nước láng giềng Kazakhstan - một đồng minh khác của Nga trong trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) - Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đầu tư khoảng 2 tỷ USD, chủ yếu vào ngành công nghiệp nhẹ. Sự hiện diện kinh tế của Ankara tại quốc gia Trung Á giàu dầu mỏ này còn khiêm tốn, thương mại giữa Ankara và Astana chỉ hơn 5,3 tỷ USD vào năm 2021, trong khi kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Nga đạt 11,6 tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, gần đây, Kazakhstan đã có dấu hiệu xa rời Nga khi nước này tìm cách đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình. Để tận dụng lợi thế, Ankara nhắm trở thành điểm trung chuyển dầu mỏ và kim loại đất hiếm của Kazakhstan tới Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tạo ra một hành lang năng lượng nối Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Á.

Thời điểm của chiến lược này với Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là hoàn hảo. Kazakhstan dự kiến sẽ thông qua dự thảo thỏa thuận về hành lang giao thông kết nối Trung Quốc với EU thông qua Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi, hay còn gọi là Hành lang Trung tâm, sẽ bỏ qua Nga và định vị Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia trung chuyển quan trọng.

Sẽ mất thời gian để xây dựng tất cả các hành lang và đường ống này. Khi Thổ Nhĩ Kỳ chờ đợi chiến lược năng lượng của mình thành hiện thực, các nhà lãnh đạo của họ nhiều khả năng sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có để đạt được các mục tiêu kinh tế và năng lượng mà họ mong muốn ở Trung Á.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asia Times)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chinh-tri-duong-ong-cua-tho-nhi-ky-o-trung-a-20230106170836283.htm