Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Ấn tượng về tác phẩm của những người lính cầm bút

TTH - Do diễn biến của đại dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế là 1/33 điểm cầu của cả nước kết nối với Hà Nội tham dự Hội nghị Tổng kết và công bố giải thưởng Liên hoan truyền hình toàn quân (LHTHTQ) lần thứ XIII-năm 2021, do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) tổ chức ngày 10/1/2022.

Hình ảnh trích từ phóng sự: “Tìm người ở Rào Trăng” của tác giả Trần Tình

Hình ảnh trích từ phóng sự: “Tìm người ở Rào Trăng” của tác giả Trần Tình

Điều thú vị tại liên hoan là tất cả các tác phẩm của các tác giả thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) Thừa Thiên Huế tham dự đều được trao giải, trong đó đáng chú ý là phóng sự: “Tìm người ở Rào Trăng” của tác giả Trần Tình được trao Huy chương Vàng; phóng sự: “Phía sau 80 giờ và 12 ngàn suất ăn” của tác giả Lê Sáu được trao Huy chương Bạc.

Riêng tác phẩm:“Nghĩa tình người chỉ huy” của Quang Đạo được trao Huy chương Bạc kèm giải “Hình ảnh ấn tượng” duy nhất của thể loại phim tài liệu. Do cơ duyên, tôi đã được xem những tác phẩm này trước khi được gửi tham dự Liên hoan.

So với phóng sự “ Vượt khó lập nghiệp” được LHTHTQ trao HCV năm 2016 thì ở tác phẩm“ Tìm người ở Rào Trăng”, tác giả Trần Tình đã có bước trưởng thành về tay nghề.

Trong vô vàn câu chuyện diễn ra sau sự cố sạt lở ở công trình xây dựng thủy điện Rào Trăng 3, có thời điểm hầu như ngày nào, các phương tiện truyền thông cũng đề cập về công tác tìm kiếm người bị nạn nhưng với góc nhìn của mình, thông qua hình ảnh thu thập được, Trần Tình đã trình bày khúc chiết hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ” không nề hà gian khổ và đã nỗ lực phối hợp hành động, đến mức thân nhân người bị nạn, sau khi được tận mắt chứng kiến đều cảm kích, mến phục.

Năm 2020 thiên tai dồn dập. Năm 2021 đại dịch COVID-19 bùng phát, gieo rắc tai họa. Hàng vạn lượt người xa quê hoảng loạn quay về dồn ứ ở các khu cách ly. Chính ở cao điểm này, tác giả Lê Sáu đã chọn đúng thời khắc để ghi lại những việc làm tưởng như “vượt quá sức mình”của bộ đội ở Khu cách ly Trường Bia.

Và tác phẩm “Phía sau 80 giờ và 12 ngàn suất ăn”, dù không có lời bình nhưng đã nói lên tất cả: Tinh thần trách nhiệm của anh bộ đội Cụ Hồ, sự chung tay sẻ chia của các mẹ, các chị, sự tận tâm của lực lượng y tế…, tạo nên sự an yên cho người dân ở khu cách ly và cộng đồng.

Trong một lần trò chuyện, Quang Đạo - tác giả phim tài liệu: “Nghĩa tình người chỉ huy” tâm sự, anh chịu khá nhiều áp lực khi làm phim về thủ trưởng của mình, bởi đây là lần đầu tiên thử sức ở thể loại mà mình chưa hề trải qua.

Trong phim, tác giả đã ghi lại hình ảnh cảm động về vị Chỉ huy trưởng BCHQS Thừa Thiên Huế Ngô Nam Cường cùng đoàn cán bộ tham gia tìm kiếm những người mất tích sau sự cố Rào Trăng 3, nhờ may mắn nên đã thoát hiểm.

Không chỉ quay lại tìm kiếm đồng đội và đôn đốc, kiểm tra công tác cứu hộ ở RàoTrăng 3, vị chỉ huy ấy còn tìm về với Nhân dân khi ruộng vườn đang còn ngập chìm trong lũ.

Là người con Quảng Điền - nơi thường xuyên gánh chịu hậu quả thiên tai nên vị chỉ huy ấy biết rõ những âu lo mà bà con ở những vùng thấp trũng phải đối diện, nhất là lúa vụ hè thu chưa kịp gặt khi lũ tràn về. Chậm thu hoạch ngày nào là nguồn sống vơi đi ngày đó.

Sau những chuyến “thị sát” ấy, vị chỉ huy cùng bộ đội đã về làng và họ đã dầm mình trong con nước bạc gặt lúa giúp dân, tiếp nối truyền thống tốt đẹp qua nhiều thế hệ tạo dựng.

Xem phim, tôi hình dung trong hai năm qua, vị chỉ huy ấy hình như không có thời gian dành riêng cho mình, bởi ngoài giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, ông còn đôn đốc, kiểm tra, góp phần cùng cả tỉnh phòng ngừa dịch bệnh và không quên thực hiện những nghĩa cử với đồng bào, đồng đội.

Mà quê nhà mình, trong hai năm qua đã có nhiều vị lãnh đạo, chỉ huy trên cương vị của mình đã hành xử như thế. Xem phim, tôi cảm thấy vui, chính là ở điểm chung nhất đó.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/an-tuong-ve-tac-pham-cua-nhung-nguoi-linh-cam-but-a109115.html