Chợ đen darknet lớn nhất phương Tây biến mất cùng hàng trăm triệu USD, bị nghi lừa đảo rút lui

Abacus Market, chợ đen trên darknet (mạng tối) lớn nhất phương Tây, đã ngừng hoạt động cơ sở hạ tầng công cộng của mình. Đây là động thái bị nghi ngờ là một vụ lừa đảo rút lui (exit scam).

Lừa đảo rút lui xảy ra khi người điều hành một thị trường hay chợ đen quyết định biến mất cùng số tiền đang giữ trong tài khoản ký quỹ cho các giao dịch khác nhau giữa những người dùng nền tảng.

Công ty tình báo blockchain TRM Labs (Mỹ) báo cáo rằng việc Abacus đột ngột đóng cửa có tất cả dấu hiệu của một vụ exit scam hoặc chiến dịch bí mật của cơ quan thực thi pháp luật nhằm triệt phá hoạt động này.

TRM Labs là công ty phân tích blockchain và tình báo tiền mã hóa, chuyên cung cấp các công cụ giúp theo dõi, điều tra và phát hiện hành vi phạm pháp liên quan đến tiền mã hóa như rửa tiền, lừa đảo, tài trợ khủng bố hay tội phạm trên darknet.

Trong lịch sử, đã có những vụ triệt phá âm thầm không đi kèm thông báo chính thức từ cơ quan chức năng nhằm không cản trở quá trình điều tra và thu thập thêm bằng chứng buộc tội hoặc xác định đồng phạm.

Chợ đen darknet lớn nhất phương Tây

Abacus Market ra mắt vào tháng 9.2021 với tên gọi ban đầu là Alphabet Market và dần dần gia tăng mức độ phổ biến, đặc biệt khi số lượng các chợ đen khác trên dark web (web tối) giảm dần, chủ yếu do các hành động của cơ quan thực thi pháp luật.

Dark web là phần internet ẩn và không thể truy cập bằng trình duyệt thông thường như Google Chrome, Girefox hay Safari. Bạn cần phần mềm đặc biệt, phổ biến nhất là Tor, để vào được dark web.

Dark web là một phần nhỏ của deep web (web chìm), tức là toàn bộ nội dung không hiển thị trên Google hay các công cụ tìm kiếm phổ biến.

Năm 2022, Abacus Market được sử dụng bởi 10% người dùng trên các chợ đen darknet phương Tây. Con số này tăng lên 17% vào năm 2023 và đạt vị thế dẫn đầu 2024 với 70%.

TRM Labs báo cáo rằng Abacus Market từng cho phép thực hiện các giao dịch Bitcoin trị giá gần 100 triệu USD. Con số này không gồm cả Monero (XMR) - loại tiền mã hóa khó truy vết và chiếm ít nhất 2/3 tổng số giao dịch trên Abacus Market.

Tính cả các giao dịch Monero, những nhà nghiên cứu ước tính rằng tổng doanh số trên Abacus Market có thể lên tới ít nhất 300 triệu USD (khoảng 7.620 tỉ đồng). Tháng tốt nhất của Abacus Market là tháng 6 vừa qua, khi giá trị các giao dịch môi giới đạt đỉnh 6,3 triệu USD.

Giao dịch môi giới là giao dịch được thực hiện thông qua bên trung gian, gọi là môi giới - kết nối người mua và người bán, giúp họ hoàn tất giao dịch, thường là để đổi lấy một khoản hoa hồng hoặc phí dịch vụ.

Về tiền gửi vào của người dùng, Abacus Market đã nhận được trung bình 230.000 USD mỗi ngày vào tháng 6 trên 1.400 giao dịch, theo báo cáo từ TRM Labs.

Con số này đã giảm nhanh chóng vào đầu tháng 7, chỉ còn 13.000 USD mỗi ngày trên 100 giao dịch gửi vào, do người dùng mất niềm tin vì các khoản rút tiền bị chậm trễ.

Trang chủ của Abacus Market quảng cáo các chất cấm - Ảnh: TRM Labs

Trang chủ của Abacus Market quảng cáo các chất cấm - Ảnh: TRM Labs

Kịch bản lừa đảo rút lui đang diễn ra

Khi các lời phàn nàn của người dùng bắt đầu xuất hiện, quản trị viên Abacus Market có biệt danh Vito đã giải thích trên diễn đàn Dread của darknet rằng lý do khiến việc rút tiền gặp sự cố là do lượng người dùng mới tăng đột biến sau khi Archetyp Market đóng cửa gần đây, cộng với một cuộc tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDoS).

Archetyp Market là một chợ đen trên darknet từng được sử dụng để buôn bán ma túy, dữ liệu bị đánh cắp, công cụ hack và các mặt hàng bất hợp pháp khác. Nó là một trong những chợ nổi bật trên darknet trước khi bị đóng cửa vào giữa năm 2024.

Bất chấp những lời trấn an của Vito, hoạt động giao dịch hằng ngày trên Abacus Market vẫn giảm.

Trong những ngày tiếp theo, toàn bộ cơ sở hạ tầng trực tuyến của Abacus Market, gồm cả bản sao trên clearnet, đã ngừng hoạt động mà không có biểu ngữ bị thu giữ hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có sự can thiệp từ lực lượng chức năng.

Clearnet tức là internet thông thường, nơi bạn dùng các trình duyệt phổ biến như Google Chrome, Firefox, Safari để truy cập các trang có đuôi .com, .net, .vn…

Theo đánh giá của cộng đồng và những người thân cận với nhóm điều hành Abacus, khả năng cao đây không phải là một chiến dịch của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) mà nghiêng về kịch bản lừa đảo rút lui.

Thông tin cần biết về darknet

Darknet là một phần của internet mà bạn không thể truy cập bằng các trình duyệt web và công cụ tìm kiếm thông thường. Để vào được darknet, bạn cần sử dụng các phần mềm chuyên biệt và cấu hình đặc biệt, nổi bật nhất là trình duyệt Tor.

Bạn hãy hình dung internet như một tảng băng trôi:

Surface web (web nổi): Là phần đỉnh của "tảng băng", nơi chúng ta tương tác hằng ngày (Google, Facebook, báo chí...). Đây là phần được các công cụ tìm kiếm lập chỉ mục.

Deep web (web chìm): Là phần lớn hơn nằm "dưới mặt nước", gồm cả các nội dung không được lập chỉ mục bởi công cụ tìm kiếm. Ví dụ: Tài khoản ngân hàng trực tuyến, email cá nhân, cơ sở dữ liệu nội bộ của các công ty, những trang web yêu cầu đăng nhập. Deep web không phải lúc nào cũng bất hợp pháp.

Darknet (mạng tối): Là phần sâu nhất, ẩn kín nhất của "tảng băng". Đây là một phần nhỏ của deep web, được thiết kế để hoạt động ẩn danh hoàn toàn thông qua các công nghệ mã hóa phức tạp.

Cách thức hoạt động của darknet

Darknet hoạt động dựa trên các mạng lưới ẩn danh, trong đó Tor là phổ biến nhất. Khi bạn truy cập darknet qua Tor, dữ liệu của bạn sẽ được mã hóa và truyền qua nhiều lớp máy chủ trung gian khác nhau trên thế giới, giống các lớp của một củ hành. Mỗi máy chủ chỉ biết đến máy chủ kế tiếp, làm cho việc truy tìm danh tính và vị trí của người dùng trở nên cực kỳ khó khăn. Điều này đảm bảo tính ẩn danh cao cho người dùng.

Mục đích sử dụng darknet

Darknet được sử dụng cho cả mục đích hợp pháp và bất hợp pháp.

1. Mục đích hợp pháp

Bảo vệ quyền riêng tư và tự do ngôn luận: Các nhà báo, nhà hoạt động và người sống ở một số quốc gia bị kiểm duyệt gắt gao sử dụng darknet để trao đổi thông tin an toàn, tránh bị theo dõi hoặc đàn áp.

Tránh kiểm duyệt: Cho phép người dùng truy cập các nội dung bị chặn ở quốc gia của họ.

Chia sẻ thông tin nhạy cảm: Giúp những người tố giác (whistleblower) chia sẻ thông tin mật một cách an toàn.

2. Mục đích bất hợp pháp

Chợ đen: Đây là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán hàng hóa và dịch vụ bất hợp pháp như ma túy, vũ khí, thông tin cá nhân bị đánh cắp (thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng), phần mềm độc hại (vi rút, ransomware), dịch vụ hack và tiền giả.

Lừa đảo: Rất nhiều trang web lừa đảo tồn tại trên darknet.

Nội dung độc hại: Có thể chứa các nội dung cực đoan, khiêu dâm trái phép hoặc những hoạt động phi đạo đức khác.

Rủi ro khi truy cập darknet

Dù việc truy cập darknet không phải là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia (trừ khi bạn thực hiện các hành vi phạm pháp) nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nguy cơ pháp lý: Tham gia vào các giao dịch hoặc hoạt động bất hợp pháp có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Mã độc: Darknet là nơi phát tán nhiều loại phần mềm độc hại, có thể lây nhiễm vào thiết bị của bạn.

Lừa đảo: Bạn dễ dàng trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tài chính hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Tiếp xúc với nội dung độc hại: Có thể vô tình tiếp xúc với những nội dung gây sốc, bạo lực hoặc phi pháp, gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực.

Tóm lại, darknet là mạng lưới ẩn danh được mã hóa trong internet, yêu cầu phần mềm chuyên biệt để truy cập. Dù mang đến những lợi ích về quyền riêng tư, darknet chủ yếu được biết đến là nơi ẩn chứa nhiều hoạt động bất hợp pháp và tiềm ẩn rủi ro cao cho người dùng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cho-den-darknet-lon-nhat-phuong-tay-bien-mat-cung-hang-tram-trieu-usd-bi-nghi-lua-dao-rut-lui-234989.html