Chỗ dựa vững chắc cho sự nghiệp trồng người

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Nhà giáo với 9 chương, 42 điều, đánh dấu một cột mốc quan trọng không chỉ với ngành giáo dục, với 1,6 triệu nhà giáo, mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Cô giáo và học sinh Trường trung học phổ thông Trần Phú, phường Cửa Nam, Hà Nội. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Cô giáo và học sinh Trường trung học phổ thông Trần Phú, phường Cửa Nam, Hà Nội. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, quá trình xây dựng Luật Nhà giáo được đơn vị này tiến hành từ lâu và bắt đầu có những bước tiến quan trọng từ năm 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mất 4 năm, từ 2018 đến 2021, nghiên cứu phục vụ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, huy động đông đảo chuyên gia trong và ngoài ngành để rà soát hệ thống pháp luật, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế; thêm gần 4 năm, từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2024 để lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, đánh dấu bước đi chính thức về mặt pháp lý.

Thời gian soạn thảo luật và trình Quốc hội thông qua diễn ra nhanh chóng trong vòng một năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải tập trung cao nhất lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc để thực hiện nhiệm vụ này.

Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ban hành một đạo luật riêng, quy định đầy đủ về vị trí, vai trò, quyền, nghĩa vụ và các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, lực lượng then chốt trong sự nghiệp trồng người.

Luật Nhà giáo là minh chứng cụ thể cho chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc tôn vinh, chăm lo, bảo vệ và phát triển đội ngũ nhà giáo; đồng thời thể hiện rõ quyết tâm chính trị trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Luật Nhà giáo là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng từ Trung ương đến địa phương; là kết tinh trí tuệ tập thể, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật không chỉ đáp ứng kỳ vọng của đội ngũ nhà giáo mà còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri và nhân dân cả nước.

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của luật từ ngày 1/1/2026, trong vòng 6 tháng kể từ khi được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Chính phủ ban hành ba nghị định và ban hành theo thẩm quyền 12 thông tư. Nội dung các văn bản dưới luật tập trung vào các vấn đề cốt lõi như: Chế độ làm việc, lương, phụ cấp, chuẩn nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, chức danh và quyền tuyển dụng.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cũng sẽ ban hành thông tư quy định đối với đội ngũ nhà giáo thuộc lực lượng vũ trang. Những văn bản hướng dẫn thi hành sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bảo đảm tính khả thi của luật, đồng thời đón đầu các yêu cầu mới của giáo dục thời kỳ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học-công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh: Đây là một dự án luật khó, tác động sâu rộng đến gần 1,6 triệu nhà giáo và hơn 20 triệu học sinh, sinh viên. Quá trình xây dựng đòi hỏi sự thận trọng, cầu thị và trách nhiệm rất cao từ các cơ quan soạn thảo, thẩm tra.

Luật Nhà giáo là điển hình của đổi mới tư duy lập pháp, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội, mang tính ổn định lâu dài; còn các quy định chi tiết được cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư, bảo đảm tính linh hoạt và thực tiễn.

Dưới góc nhìn của nhà quản lý giáo dục đại học, trực tiếp đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Luật Nhà giáo chính là nguồn động lực lớn đối với sinh viên sư phạm, giúp các em định hình rõ hơn về nghề nghiệp, tương lai ổn định hơn, công việc được tôn vinh hơn. Từ đó, có thể kỳ vọng sẽ thu hút thêm nhiều học sinh, sinh viên có năng lực, có tâm huyết lựa chọn nghề giáo.

3 yếu tố mà Luật Nhà giáo bảo đảm chính là sự tôn vinh, bảo đảm đời sống và sự trao quyền, những điều kiện tiên quyết để xây dựng một đội ngũ nhà giáo chuẩn hóa, chuyên nghiệp, hoàn thành sứ mệnh mà Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó.

Tiếp tục nhấn mạnh vai trò và giá trị của Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chỉ rõ 4 dấu ấn lớn, thứ nhất, lần đầu tiên có luật riêng cho đội ngũ nhà giáo, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, luật đáp ứng kỳ vọng của cơ quan soạn thảo, thẩm tra và chỉ đạo từ lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm.

Thứ ba, đây là một luật mẫu về tư duy lập pháp đổi mới.

Thứ tư, luật là căn cứ pháp lý đủ mạnh, tổng thể, để từ đó ban hành các văn bản chính sách cụ thể về nhà giáo. Từ thực tiễn quá trình xây dựng Luật, 6 bài học được rút ra, gồm: Xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phạm vi đối tượng áp dụng của luật; công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán và thông suốt; công tác phối hợp phải chủ động, chia sẻ và hết sức thấu hiểu; phát huy trí tuệ tập thể, tham khảo đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng; cầu thị, nghiêm túc lắng nghe, giải trình một cách thuyết phục, trên cơ sở thực tiễn và lý luận vững chắc, cùng với đó là đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo là một dấu mốc đặc biệt, không chỉ của ngành mà còn của cả đất nước, là niềm vui không chỉ của hơn 1,6 triệu nhà giáo mà còn là niềm vui chung của tất cả những người quan tâm đến giáo dục.

“Chúng ta muốn một nền giáo dục tạo ra sự thay đổi cho đất nước thì không thể không phát triển lực lượng nhà giáo. Vì vậy, trong quá trình xây dựng luật, khẩu hiệu, tinh thần mà chúng tôi theo đuổi là xây dựng luật để phát triển lực lượng nhà giáo. Làm điều gì để phát triển lực lượng nhà giáo thì chúng tôi kiên quyết làm, cố gắng làm. Với công cụ quan trọng đã có trong tay, Luật Nhà giáo sẽ là công cụ sắc bén, là chỗ dựa vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo nước ta trong thời kỳ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cho-dua-vung-chac-cho-su-nghiep-trong-nguoi-post895983.html