Những điểm mới của Dự thảo về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp cho nhà giáo

Dự kiến bổ sung phụ cấp đặc thù cho nhà giáo từ 1,1 đến 1,6 theo tinh thần lương nhà giáo xếp cao nhất khối hành chính sự nghiệp theo Luật Nhà giáo.

Nhiều cơ sở giáo dục đã đăng tải dự thảo Nghị định về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo.

Dự thảo Nghị định mới này được nhà giáo cả nước đặc biệt quan tâm vì liên quan đến chế độ, chính sách lương, phụ cấp, các khoản hỗ trợ,....Dự kiến thu nhập nhà giáo sắp tới sẽ có nhiều cải thiện đúng tinh thần lương nhà giáo được xếp cao nhất đơn vị hành chính sự nghiệp theo Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 01/01/2026.

Dưới đây, xin được tổng hợp các điểm mới trong dự thảo so với các quy định hiện hành.

 Giáo viên Hải Phòng tích cực hỗ trợ dạy Tiếng Anh miễn phí cho học sinh vùng cao tỉnh Yên Bái. Ảnh: haiphong.edu.vn

Giáo viên Hải Phòng tích cực hỗ trợ dạy Tiếng Anh miễn phí cho học sinh vùng cao tỉnh Yên Bái. Ảnh: haiphong.edu.vn

Thứ nhất, bổ sung hệ số lương đặc thù cho nhà giáo

Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào thì được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó.

Mức phụ cấp đặc thù cho nhà giáo dự kiến từ 1,2 đến 1,6 tùy theo vị trí, chức danh nghề nghiệp đang hưởng.

Đối giáo viên trung học cơ sở, tiểu học, mầm non cao cấp và các chức danh tương đương khác áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3.2 (từ hệ số lương 5,75) sẽ có hệ số lương đặc thù là 1,2.

Đối với giáo viên trung học cơ sở, tiểu học, mầm non chính và các chức danh tương đương khác áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2.2 (từ hệ số lương 4,00) sẽ có hệ số lương đặc thù 1,3.

Đối với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34) sẽ có hệ số lương đặc thù 1,45.

Đối với giáo viên trung học cơ sở, tiểu học chưa đạt trình độ chuẩn (trình độ cao đẳng) áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (từ hệ số lương 2,10) sẽ có hệ số lương đặc thù 1,6.

Đối với giáo viên tiểu học, mầm non chưa đạt trình độ chuẩn (trình độ trung cấp) áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (từ hệ số lương 1,86) sẽ có hệ số lương đặc thù 1,6.

Ví dụ, giáo viên tiểu học mới nhận công tác, đang có hệ số lương 2,34 (chưa được hưởng phụ cấp thâm niên) sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù 1,45. Công thức tính lương như sau:

Lương = 2,34 x 2,340,000 x1,45 = 7,939,620 đồng.

Giáo viên tiểu học dự kiến hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 35% nên tổng thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu mỗi tháng.

Giáo viên công tác lâu năm có thêm phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên nên tổng thu nhập sẽ cao hơn nhiều.

Dự kiến bổ sung phụ cấp đặc thù cho nhà giáo là điểm mới đáng ghi nhận của Dự thảo quy định chế độ tiền lương, phụ cấp,…nhà giáo theo tinh thần lương nhà giáo xếp cao nhất theo Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 01/01/2026.

Thứ hai, nhà giáo được hưởng tối đa 2 phụ cấp trách nhiệm khi kiêm nhiệm

Điều 6. Nguyên tắc chung thực hiện chế độ phụ cấp

1. Nhà giáo được điều động hoặc biệt phái đến địa bàn nào thì được hưởng các mức phụ cấp áp dụng thực hiện tương ứng ở địa bàn đó. Trường hợp các mức phụ cấp áp dụng tại cơ sở giáo dục nơi đi cao hơn cơ sở giáo dục nơi đến thì nhà giáo được bảo lưu các chế độ phụ cấp được hưởng trước khi điều động hoặc biệt phái với thời gian như sau:

a) Tối đa 36 tháng đối với trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập;

b) Tối đa 12 tháng đối với trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục;

c) Thời gian biệt phái đối với trường hợp được cử đi biệt phái.

2. Nhà giáo thuộc đối tượng vừa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Nghị định này và vừa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề khác thì chỉ được hưởng 01 mức phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất. Nhà giáo công tác tại ngành, lĩnh vực có chế độ phụ cấp đặc thù theo quy định của ngành, lĩnh vực thì được hưởng thêm chế độ phụ cấp đặc thù đó.

3. Trường hợp đơn vị hành chính nơi mà cơ sở giáo dục đang hoạt động được cấp có thẩm quyền thay đổi loại đơn vị hành chính mà phân loại đơn vị hành chính cũ được hưởng các mức phụ cấp cao hơn, thì nhà giáo đang công tác tại cơ sở giáo dục đó tiếp tục được các hưởng mức phụ cấp này trong thời gian 06 tháng kể từ ngày có quyết định phân loại đơn vị hành chính mới của cơ quan có thẩm quyền. Nhà giáo được tuyển dụng sau thời điểm quyết định phân loại đơn vị hành chính mới có hiệu lực được hưởng mức phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính mới.

4. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giám đốc, phó giám đốc của cơ sở giáo dục có nhiều cấp học hoặc nhiều trình độ đào tạo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và phụ cấp chức vụ đối với cấp học hoặc trình độ đào tạo có mức phụ cấp cao nhất. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục có nhiều cấp học hoặc nhiều trình độ đào tạo được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với cấp học, trình độ đào tạo có số tiết thực dạy hoặc giờ chuẩn giảng dạy nhiều hơn trong tháng. Trường hợp số tiết thực dạy hoặc giờ chuẩn giảng dạy bằng nhau trong tháng thì nhà giáo được hưởng mức phụ cấp cao nhất.

Trong thời gian nghỉ hè, nhà giáo hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề của cấp học theo chức danh được bổ nhiệm.

5. Nhà giáo dạy liên trường theo phân công của cơ quan có thẩm quyền được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề áp dụng đối với cơ sở giáo dục nơi ký hợp đồng đối với nhà giáo. Trường hợp nhà giáo được phân công dạy liên trường ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giảng dạy từ 50% định mức quy định trở lên trong tháng thì được hưởng mức phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

6. Nhà giáo được giao kiêm nhiệm các công việc có chi trả phụ cấp trách nhiệm thì được hưởng tổng các phụ cấp trách nhiệm cho các công việc kiêm nhiệm đó nhưng không quá 02 công việc kiêm nhiệm.

7. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của cơ sở giáo dục có nhiều điểm trường hoặc phân hiệu thì được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề của điểm trường hoặc phân hiệu có mức phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất. Nhà giáo được phân công dạy ở nhiều điểm trường hoặc phân hiệu được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề của điểm trường hoặc phân hiệu có số tiết thực dạy hoặc số chuẩn giảng dạy nhiều hơn trong tháng (bao gồm cả số tiết được quy đổi, giảm hoặc tính đủ theo quy định). Trường hợp số tiết thực dạy hoặc giờ chuẩn giảng dạy bằng nhau trong tháng thì nhà giáo được hưởng mức phụ cấp cao nhất.

Thứ ba, phụ cấp chức vụ chỉ còn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường

Hiện nay, mức phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được quy định tại các văn bản pháp luật tại Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT.

Cụ thể mức phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng như sau:

Mức phụ cấp chức vụ cho tổ trưởng từ 0,2-0,25, tổ phó 0,15.

Dự kiến mới, tổ trưởng, tổ phó không còn hưởng phụ cấp chức vụ nữa, điều này phù hợp với quy định tại các Luật Viên chức và các quy định hiện hành như Thông tư 19,20/2023/TT-BGDĐT quy định về vị trí việc làm giáo viên mầm non, phổ thông.

Bên cạnh đó, tại Dự thảo Nghị định cũng dự kiến mức phụ cấp chức vụ cho Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông không phân biệt hạng trường.

Cụ thể, mức phụ cấp chức vụ đối với trường chuyên biệt cấp cơ sở, trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non: Hiệu trưởng 0,55; Chủ tịch Hội đồng trường 0,50; Phó hiệu trưởng 0,45.

Trường chuyên biệt cấp tỉnh, trường trung học phổ thông: Hiệu trưởng 0,70; Chủ tịch Hội đồng trường 0,60; Phó hiệu trưởng 0,55.

Như vậy, dự kiến mức phụ cấp chức vụ chỉ dành cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường và không phân biệt hạng trường.

Dự thảo mới cũng dự kiến bổ sung đối tượng Chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ.

Thứ tư, dự kiến tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non lên 45%

Hiện nay, giáo viên mầm non, tiểu học được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 35%, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 30%.

Dự thảo mới, giáo viên mầm non được dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi lên 45%, nhằm ghi nhận sự đóng góp và công việc vất vả của giáo viên mầm non.

Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông mức phụ cấp ưu đãi giữ nguyên so với hiện hành. Đối với cấp tiểu học phụ cấp ưu đãi 35%, đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, mức phụ cấp ưu đãi 30%.

Bên cạnh đó cũng dự kiến mức phụ cấp 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ (hiện nay là 70%).

Thứ năm, dự kiến thời gian không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề

Tại khoản 4 Điều 8 dự kiến thời gian không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi nghề gồm:

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

b) Thời gian nghỉ không hưởng lương;

c) Thời gian bị đình chỉ công tác;

d) Thời gian nghỉ vượt quá thời gian quy định của pháp luật

Thứ sáu, bổ sung nhiều trường hợp được hưởng phụ cấp trách nhiệm

Tại khoản 3 Điều 9 dự kiến mức phụ cấp trách nhiệm công việc như sau:

a) Ngoài các đối tượng được hưởng theo quy định hiện hành của pháp luật, những trường hợp sau được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc:

- Nhà giáo được cử làm các nhiệm vụ của nhà giáo cốt cán từ 15 ngày/tháng được hưởng phụ cấp trách nhiệm cho tháng đó; nhà giáo được cử làm tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng bộ môn hoặc tổ trưởng tổ quản lý học sinh hoặc tổ trưởng tổ tư vấn học sinh tại các cơ sở giáo dục hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc là 0,3 so với mức lương cơ sở;

- Nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên nếu đảm bảo số giờ dạy theo định mức, trong đó có số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số từ 04 tiết/tuần trở lên đối với giáo viên; từ 02 tiết/tuần dạy tiếng dân tộc thiểu số trở lên đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và tương đương được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương cơ sở;

- Nhà giáo được giao thực hiện công tác tư vấn học sinh tại các cơ sở giáo dục; nhà giáo làm tổ phó chuyên môn hoặc tổ phó bộ môn tại các cơ sở giáo dục hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc là 0,2 so với mức lương cơ sở;

b) Trường hợp nhà giáo được cử làm tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng bộ môn tại trường chuyên biệt thì vừa được hưởng phụ cấp trách nhiệm công tác tại trường chuyên biệt vừa được hưởng phụ cấp trách nhiệm của tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng bộ môn theo quy định tại điểm này.

Theo dự thảo, ngoài các giáo viên được đối tượng được hưởng theo quy định hiện hành của pháp luật như Tổng phụ trách Đội, dạy khuyết tật, công đoàn,...dự thảo bổ sung giáo viên cốt cán từ 15 ngày được hưởng phụ cấp trách nhiệm,...

Ngoài ra, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tại các trường mầm non, phổ thông sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm thay cho phụ cấp chức vụ hiện hành.

Theo dự thảo, mức phụ cấp trách nhiệm của tổ trưởng là 0,3, tổ phó là 0,2 (hiện nay tổ trưởng hưởng phụ cấp chức vụ 0,2-0,25, tổ phó 0,15).

Thứ bảy, bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ mới cho nhà giáo

Tại Điều 10. Chính sách hỗ trợ đối với nhà giáo

1. Khám sức khỏe, điều trị bệnh nghề nghiệp cho nhà giáo:

a) Nhà giáo được khám sức khỏe ít nhất 01 lần/năm. Trường hợp nhà giáo thuộc đối tượng được chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm thì được khám sức khỏe ít nhất 02 lần/năm;

Bổ sung nhà giáo được khám sức khỏe ít nhất 01 lần/năm thể hiện chính sách nhân văn, quan tâm đến sức khỏe nhà giáo theo quan điểm của Đảng, Nhà nước.

b) Trường hợp nhà giáo được xác định mắc bệnh nghề nghiệp thì được hưởng trợ cấp một lần hoặc hằng tháng theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động;

c) Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho nhà giáo thực hiện theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Nhà giáo dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một và nhà giáo dạy lớp ghép 02 trình độ được hưởng phụ cấp 50% mức tiền lương hiện hưởng của 01 tiết dạy. Nhà giáo dạy lớp ghép 3 trình độ được hưởng phụ cấp 75% mức tiền lương hiện hưởng của 01 tiết dạy.

Trong đó mức tiền lương của 01 tiết dạy được tính như sau: Tiền lương 01 tiết dạy = Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học x Số tuần dành cho giảng dạy Định mức tiết dạy/năm 52 tuần

3. Nhà giáo dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non là người dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

4. Nhà giáo đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa có nhà ở thì được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục bảo đảm chỗ ở tập thể. Việc đầu tư, xây dựng, quản lý chỗ ở tập thể thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về đầu tư. Khuyến khích các nguồn tài trợ hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà ở tập thể cho nhà giáo.

5. Trường hợp cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này thì nhà giáo được hỗ trợ một khoản tiền không thấp hơn mức tiền thuê nhà ở công vụ theo quy định. Chi phí hỗ trợ tiền thuê nhà ở được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên của cơ sở giáo dục. Căn cứ điều kiện cụ thể, cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục xác định mức tiền hỗ trợ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đây cũng là điểm mới đáng ghi nhận, tạo mọi điều kiện giúp nhà giáo có thể công tác tốt nhất.

6. Nhà giáo dạy thể dục thể thao, nhà giáo dạy quốc phòng – an ninh tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được hưởng chế độ bồi dưỡng, chế độ trang phục theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Ngoài các chế độ hỗ trợ quy định tại Điều này, nhà giáo được hưởng các chế độ hỗ trợ khác theo quy định hiện hành của pháp luật và quy định của địa phương, cơ sở giáo dục.

Thứ tám, bổ sung chính sách trọng dụng với nhà giáo

Tại Điều 11. Chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo

1. Các trường hợp được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo:

a) Người có tài năng theo quy định của Chính phủ;

b) Người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống phù hợp với nghề dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Người tốt nghiệp từ loại khá trở lên các ngành thuộc lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt;

d) Người tình nguyện làm việc ở cơ sở giáo dục thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

đ) Người dân tộc thiểu số thuộc danh mục các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tình nguyện làm việc tại cơ sở giáo dục thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người đó.

2. Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này: Được hưởng các chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Chính phủ.

3. Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này:

a) Được tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận nhà giáo. Yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ đào tạo đối với trường hợp này thấp hơn trình độ chuẩn được đào tạo đối với nhà giáo giảng dạy ở cấp học, trình độ đào tạo tương ứng;

b) Sau khi được tiếp nhận trở thành nhà giáo thì được bổ nhiệm chức danh giáo viên hoặc giảng viên và được xếp lương, hưởng các chế độ, chính sách theo quy định đối với vị trí việc làm;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ đào tạo, các thành tích cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống để được đăng ký tiếp nhận trở thành nhà giáo.

4. Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này:

a) Được tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận nhà giáo;

b) Sau khi tiếp nhận được hưởng mức phụ cấp là 150% mức lương hiện hưởng kể từ ngày có quyết định tiếp nhận. Thời gian được hưởng là thời gian ngành đào tạo được xác định là ngành thuộc lĩnh vực trọng điểm, thiết yếu theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Được ưu tiên, tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng, đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với ngành, lĩnh vực giảng dạy từ nguồn ngân sách nhà nước.

5. Đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này:

a) Được tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận nhà giáo;

b) Được hưởng các chế độ, chính sách đối với người công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ;

c) Sau 02 năm kể từ ngày được tiếp nhận và hoàn thành chế độ tập sự, thử việc, nếu được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được nâng bậc lương trước thời hạn;

d) Căn cứ vào cống hiến nhà giáo được xem xét tặng huân chương, huy chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm chương hoặc các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật; không áp dụng tỷ lệ trong xét tặng danh hiệu thi đua hoặc xét khen thưởng.

6. Đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này:

a) Được tuyển dụng theo hình thức tiếp nhận nhà giáo;

b) Sau khi tiếp nhận được hưởng mức phụ cấp là 150% mức lương hiện hưởng kể từ ngày có quyết định tiếp nhận. Thời gian được hưởng là 05 năm kể từ ngày có quyết định tiếp nhận;

c) Sau 02 năm kể từ ngày được tiếp nhận và hoàn thành chế độ tập sự, thử việc, nếu được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì được nâng bậc lương trước thời hạn;

d) Được ưu tiên, tạo điều kiện tham gia bồi dưỡng, đào tạo tập trung trong nước, quốc tế từ nguồn ngân sách nhà nước;

đ) Căn cứ vào cống hiến nhà giáo được xem xét tặng huân chương, huy chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm chương hoặc các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật; không áp dụng tỷ lệ trong xét tặng danh hiệu thi đua hoặc xét khen thưởng.

7. Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này ngoài các chế độ, chính sách được hưởng quy định tại Điều này còn được hưởng các chế độ, chính sách khác đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật, quy định của địa phương và cơ sở giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhung-diem-moi-cua-du-thao-ve-chinh-sach-tien-luong-che-do-phu-cap-cho-nha-giao-post253093.gd