Chờ 'làn gió mới' phát triển nhà ở xã hội
Thời gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến công tác phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên tiến độ vẫn chưa được như kỳ vọng. Đến thời điểm hiện tại, với việc 3 bộ luật liên quan được đẩy sớm hiệu lực (từ 1/8), hy vọng những 'điểm nghẽn' sẽ được khơi thông để các dự án nhà ở xã hội được triển khai mạnh mẽ.
Có tiến triển nhưng vẫn chậm
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn từ 2021 - 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 2 dự án hoàn thành một phần với khoảng 0,41 triệu m2 sàn, tương đương 5.200 căn hộ (bao gồm 1 dự án xây dựng nhà ở công nhân hoàn thành với 0,13 triệu m2 sàn, 1.170 căn hộ). Có 54 dự án đang triển khai với khoảng 3,1 triệu m2 sàn, tương đương 46.700 căn hộ. Đến giai đoạn 2015 - 2023, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn Hà Nội bình quân đạt khoảng 3,16%/năm. Tuy nhiên, phần lớn lượng giao dịch trên thị trường chủ yếu vẫn từ các dự án nhà ở căn hộ trung và cao cấp, tập trung tại khu vực gần trung tâm, giao thông thuận tiện, đa dạng về tiện ích, thiết kế căn hộ linh hoạt, có tiến độ thanh toán hợp lý, chủ đầu tư có uy tín và có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Cụ thể, ở giai đoạn trên có khoảng 466 dự án đã hoàn thành với khoảng 29,3 triệu m2 sàn; 598 dự án đang triển khai, tương đương khoảng 106,6 triệu m2 sàn. Trong số đó có 30 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với khoảng 1,66 triệu m2 sàn; 58 dự án đang triển khai với khoảng 4 triệu m2 sàn, 60.480 căn hộ và có 83 ô đất có tổng quy mô sử dụng đất khoảng 43,58ha tại 48 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20%, 25% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.
Để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở được giao, thành phố Hà Nội đã bổ sung 15 khu đất mới quy mô lớn để đầu tư các dự án nhà xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Trong đó có 2-3 khu xây nhà ở công nhân gần các khu công nghiệp. Mỗi khu đất dự kiến phát triển khoảng 2.000 căn, tổng 30.000 căn. Vừa qua, thành phố cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội độc lập với khoảng 1 triệu mét vuông sàn, chuẩn bị đấu thầu chọn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói đây mới chỉ là của Hà Nội, trên thực tế bên cạnh những lý do chủ quan ngay trong nội bộ thành phố như chưa bố trí quỹ đất, chưa có báo cáo nghiên cứu chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy mô dân số thì những vấn đề khách quan khác liên quan đến cơ chế chính sách mới là tác nhân chủ yếu khiến hầu hết kế hoạch đề ra đều không đạt được tiến độ.
Cần cơ chế rõ ràng
Nhiều ý kiến cho rằng, đa phần các vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản thì 70% liên quan đến pháp lý, ảnh hưởng này càng rõ ràng với các dự án nhà ở xã hội. Có thể kể đến như xác định tiền sử dụng đất, phê duyệt đầu tư dự án, đấu thầu dự án… Thực tế, thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy cả nước năm 2023 có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc chủ yếu về mặt pháp lý. Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, quá trình triển khai thực hiện công tác xây dựng nhà ở xã hội có một số khó khăn, vướng mắc như: Việc lựa chọn chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu mất nhiều thời gian; quy định về thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa rõ ràng…
Nhưng việc đẩy sớm thời gian hiệu lực kể từ ngày 1/8 với các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vướng mắc về chính sách, nhất là chính sách về nhà ở xã hội. Vấn đề quan trọng, đó là sớm có các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật liên quan nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn để vừa có thể tháo gỡ cho thị trường, vừa đảm bảo được các nhu cầu dân sinh.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, các quy định mới đã thể hiện sự thông thoáng nhờ đó, nhiều vướng mắc gây khó khăn trong triển khai các dự án nhà ở xã hội như quỹ đất, nguồn vốn, điều kiện mua bán… sẽ được tháo gỡ. Đây sẽ là động lực để phát triển thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội nói riêng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Điệp cũng nhấn mạnh các quy định thông thoáng cần song hành chế tài quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương chứng thực điều kiện cho người mua nhà đúng đối tượng. Các cấp, ngành kết hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để vừa tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân tiếp cận nhà ở nhưng phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng chính sách để đầu cơ, thổi giá.
Hiện, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển 5 khu nhà ở xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, với tổng quy mô sử dụng đất 248 ha. Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 4/5 dự án, với quy mô 203 ha đất, tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 0,83 triệu m2, khoảng 12.300 căn hộ; Sở Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì thẩm định.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cho-lan-gio-moi-phat-trien-nha-o-xa-hoi-175149.html