Chờ tranh Việt 'cất tiếng'

Lâu nay, câu hỏi Việt Nam đã có thị trường tranh hay chưa dường như vẫn để ngỏ. Và cũng tại lĩnh vực hội họa này, có nhiều ý kiến nhận xét, phẩm bình rất khác nhau.

Điều đó phải chăng đã khiến người trẻ ngại đi vào con đường hội họa. Thứ nhất là nghề nghiệp mù mờ. Thứ hai là rất có thể… đói. Không rõ đúng sai, nhưng có thông tin năm 2023, Khoa Hội họa - Đại học Nghệ thuật Huế chỉ có 3 sinh viên tốt nghiệp. Còn danh sách tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM hệ chính quy năm học 2021 - 2022 là 79 sinh viên, trong đó chỉ có 1 sinh viên ngành Điêu khắc, 4 sinh viên ngành Hội họa, còn lại đa phần tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa.

Tương tự, ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số sinh viên theo học điêu khắc và hội họa chỉ khoảng 30%, còn lại chọn các ngành liên quan đến đồ họa, thiết kế mỹ thuật, thiết kế nội thất... là những ngành học ứng dụng có cơ hội việc làm cao, dễ kiếm tiền hơn.

Từ đó, có người lo ngại nếu giới trẻ ít theo đuổi “hội họa hàn lâm” mà chạy theo mỹ thuật ứng dụng, thì rồi chúng ta sẽ không có nghệ thuật đỉnh cao, thị trường tranh Việt sẽ không phát triển.

Nỗi lo không thừa, nhưng có cần phải quá lo hay không?

Thực sự thì không chỉ Việt Nam mà trên thế giới nhiều danh họa không hẳn đã theo học hội họa một cách bài bản. Quan trọng là họ có tư duy đặc biệt, tự đào luyện được kỹ thuật đỉnh cao, dám đam mê với cuộc chơi vương giả mà phần nhiều là đơn độc.

Trong lĩnh vực hội họa, cũng không nên mong sẽ có “một đội ngũ” danh họa, vì điều đó là không thể. Nếu tính trung bình cả nước mỗi năm có khoảng 200 người học mỹ thuật chuyên nghiệp, thì thử hỏi trong vòng 20 năm qua có mấy họa sĩ khẳng định được tên tuổi? Nếu ai cũng thành công thì không lẽ sau 20 năm đến nay đất nước có 4.000 họa sĩ tiếng tăm?

Thế nên mới nói, lo thì lo thật, nhưng cũng không nên thái quá. Không nên thấy ít người học “hội họa hàn lâm” trong lúc nhiều người theo mỹ thuật ứng dụng mà sợ không có thành quả. Mỹ thuật ứng dụng khác với mỹ thuật được coi là hàn lâm, vì thế sự thành công khác nhau. Cũng như nước sông và nước giếng, cùng là nước nhưng chất lại khác.

“Tiếng vọng” của tranh triệu đô của họa sĩ Việt từ các sàn đấu giá nước ngoài khiến nhiều người khấp khởi. Nhưng thực ra, nếu trong nước chưa có thị trường tranh đúng nghĩa, với các giám tuyển uy tín, nhà sưu tập, các phòng triển lãm khuyến khích họa sĩ… thì tranh đương đại Việt Nam sẽ chưa thể có vị trí trên thế giới. Chí ít là ở giá bán.

Cho đến nay, tuyệt đại đa số tranh Việt được tìm mua ở nước ngoài thì các tác giả đều thuộc thế hệ Mỹ thuật Đông Dương và Mỹ thuật kháng chiến. Tuy nhiên, ngay cả nhóm họa sĩ được mệnh danh là “tứ kiệt trời Âu” của hội họa Việt Nam là Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, thì tác phẩm được mua với giá cũng không quá cao. Tới nay, bức “Chân dung cô Phượng” của họa sĩ Mai Trung Thứ (1906 - 1980) vẽ vào năm 1930, được mua với giá cao nhất: 3,1 triệu USD.

Nhân câu chuyện này, cũng cần nói thêm “chút phàn nàn” đến từ chủ phòng tranh trong nước. Họ tạo điều kiện cho họa sĩ treo tranh, nhưng khi họa sĩ thoát khỏi cảnh eo hẹp về kinh tế, thì đã quên họ. Cũng có không ít người chuyên viết bài tán dương người vẽ, kể cả không hiểu mình đang viết gì, đã làm cho “vàng thau lẫn lộn”. Mục đích phía sau của họ là phỉnh phờ họa sĩ để… xin tranh, đem về nhà cất đi. Đợi đến lúc nào đó, biết đâu bán được.

Nếu thế, đến bao giờ tranh Việt mới thực sự có tiếng nói?

An Nhiên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cho-tranh-viet-cat-tieng-10282445.html