Chờ xu hướng bán ròng của khối ngoại 'quay đầu'
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang miệt mài bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của khối nhà đầu tư nội. Do đó, câu chuyện mua ròng trở lại của khối này vẫn luôn được thị trường quan tâm.
Trong 5 phiên giao dịch trước phiên 15/5, khối ngoại bán ròng hơn 5.000 tỷ đồng. Nhìn rộng hơn, từ đầu năm 2024, dù chưa đầy 5 tháng nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại đã chính thức qua mốc 25.000 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu Việt Nam đã bị khối ngoại bán ròng.
Vì sao bán ròng?
Con số trên đã vượt mức 24.831 tỷ trong cả năm 2023. Xu hướng này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt khi nhiều phiên vừa qua, giá trị bán ròng mỗi phiên đều sát, thậm chí vượt mức 1.000 tỷ.
Đáng chú ý, các quỹ ETF tiếp tục chịu sức ép rút vốn mạnh trong tháng 4 với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và ghi nhận là tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp.
Tính từ đầu năm, dòng tiền rút 10.580 tỷ đồng ra khỏi các Quỹ ETF, chiếm 13% tổng tài sản quỹ. Như vậy, tổng tài sản các quỹ ETF giảm về chỉ còn 70.000 tỷ đồng, so với mức đỉnh hồi tháng 8/2023 là 89.000 tỷ đồng.
Xu hướng rút ròng duy trì ở hầu hết các quỹ ETF lớn. Điển hình, các quỹ DCVFM VNDiamond (1,8 nghìn tỷ đồng), SSIAM VNFINLead (560 tỷ đồng), iShares Frontier and Select EM (634 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (408 tỷ đồng), và DCVFM VN30 (181 tỷ đồng) đều bị rút ròng trong nhiều tháng liên tiếp.
Nhìn chung, ngoại trừ giai đoạn cuối năm 2022 khi thị trường chứng khoán (TTCK) xuống đáy và khối ngoại dồn dập mua ròng bắt đáy, còn lại xu thế bán ròng vẫn chiếm lĩnh xuyên suốt vài năm trở lại đây. Nếu không tính tháng 1/2024 khi khối ngoại mua ròng nhẹ nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến, còn lại 12/13 tháng gần nhất khối ngoại đều bán ròng trên HoSE.
Theo giới phân tích, chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ và tỷ giá khả năng cao đã tác động đáng kể tới xu hướng của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt.
Thống kê từ SSI Research, riêng trong tháng 4 vừa qua, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) rút 3 tỷ USD. Các thị trường châu Á mới nổi đều khá yếu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (rút ròng tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị 174 triệu USD).
Bên cạnh đó, xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn cũng là nguyên nhân gây ra áp lực bán ròng của khối ngoại. Các chuyên gia cho rằng dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam khó có sự bứt phá với 3 yếu tố chính: hạn chế về số lượng các quỹ ETF với chiến lược đầu tư đa dạng và Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên để có thể thu hút dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài; tăng trưởng lợi nhuận của các chỉ số ETF như Fubon Vietnam hay VanEck đều đang kém hơn so với lợi nhuận ghi nhận của các chỉ số thị trường của Mỹ hay Đài Loan và nhà đầu tư cá nhân trong nước vào các quỹ ETF là không nhiều để có thể nâng đỡ dòng vốn.
Mặt khác, một số câu chuyện riêng trên thị TTCK Việt Nam cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới khối ngoại như việc chuyển đổi hệ thống mới KRX chưa thể thực hiện trong tháng 5, hay sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn, thiếu những hàng "ngon" như nhóm ngành sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khỏe,...
Mua ròng trở lại khi Fed hạ lãi suất?
Dưới góc nhìn tích cực, một số ý kiến cho rằng dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, không tác động quá lớn tới thị trường chung.
“Trong thời gian qua, lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu ở một số cổ phiếu nhất định với những thỏa thuận mua bán của những tổ chức từ trước, không hẳn mức bán ròng tệ như giá trị bán ròng chung”, theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc CTCP Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của khối nhà đầu tư nội. Do đó, nhà đầu tư nội vẫn đang “ngóng” những hành động của khối ngoại để từ đó đưa ra chiến lược cho việc đầu tư của mình. Câu hỏi "Bao giờ khối ngoại dừng đà bán ròng" vẫn là chủ đề “nóng” trong bối cảnh hiện nay.
“Giao dịch của khối ngoại cũng chắt lọc, có mua – có bán nhưng cũng thực hiện luân chuyển theo các nhóm ngành. Đà bán ròng trong thời gian tới có thể vẫn tiếp diễn nhưng sẽ hạ nhiệt dần”, Giám đốc DSC nhận định.
SSI Research duy trì quan điểm cho rằng sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu Việt Nam khó có thể đem lại sự bứt phá khi gặp phải các rủi ro về lãi suất, tỷ giá và các biến động nội tại.
Dù vậy, nội tại nền kinh tế được đánh giá khả quan mở ra triển vọng tích cực cho TTCK Việt Nam, đặc biệt là tiến trình nâng hạng thị trường đang được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng TTCK Việt Nam được thực hiện quyết liệt hơn, điều này sẽ tạo ra sự hấp hấp thu hút dòng vốn ngoại chảy vào nhằm đón sóng nâng hạng.
Mặt khác, “Trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng TTCK được thực hiện quyết liệt hơn, dòng tiền đầu tư vào thị trường Việt Nam có thể được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển, sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất”, SSI Research nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh, câu chuyện lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là thị trường. Nếu thị trường tăng thì họ chấm dứt bán và quay lại mua ròng.
Về trung và dài hạn, xu hướng khối ngoại vẫn phụ thuộc vào câu chuyện tỷ giá, tỷ giá hạ nhiệt thì họ mới quay trở lại mua ròng mạnh mẽ hơn. Nếu không, họ chỉ mua ròng ở một vài cổ phiếu, áp lực bán ròng thậm chí mạnh hơn.
“Dự báo trong vòng 6 tháng cuối năm, trong trường hợp Fed chưa hạ lãi suất mà chúng ta nâng lãi suất cũng giúp hạ nhiệt tỷ giá”, ông Minh nói.