Chọn cây xanh nào cho Hà Nội?

Nhiều năm qua, Hà Nội đã liên tiếp cho trồng mới hàng vạn cây xanh, thế nhưng không phải loại cây nào cũng phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của thủ đô. Chọn loài cây nào vẫn là một bài toán khó.

Những tuyến đường khát cây xanh

Gần đây, các khu đô thị mới mọc lên với mật độ dày, nhiều tuyến phố to đẹp, nhưng cảnh quan cây xanh vẫn còn thiếu sự đồng bộ. Đặc biệt, nhiều tuyến phố trục chính, lưu lượng tham gia giao thông dày đặc nhưng thiếu bóng cây xanh, hoặc có trồng nhưng thưa thớt và không được chăm sóc nên èo uột.

Trên tuyến phố Trần Duy Hưng, dù đã thay cây xanh cỡ lớn đến hai lần nhưng hệ thống cây xanh vẫn lộn xộn, không hợp lý. Tuyến đường này đã từng được trồng cả nghìn cây hoa anh đào Nhật Bản, nhưng không hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cây chết nhanh chóng.

Trước đó, 262 cây phong lá đỏ được thành phố trồng trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng vào đầu năm 2018 với kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội. Tuy nhiên, việc trồng thử nghiệm không mang lại hiệu quả.

Theo thống kê, 45 cây trong số này đã chết, 217 cây còn lại sinh trưởng kém, thường xuyên héo lá; cành, nhánh khô và sâu bệnh.

Trên trục đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài hay còn gọi là Pháo Đài Láng trước đây, cây xanh thưa thớt, không đồng đều, nhiều cây gục, chết; nhiều cây đã chết từ lâu, mọc cả giàn leo phủ kín, nhưng không được quan tâm thay thế.

Người Hà Nội thấy mệt mỏi và ngộp thở trước "rừng" bê tông cao ốc ở những khu vực Lê Văn Lương, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân).

Hiệu ứng nhà kính cộng thêm lưu lượng giao thông quá lớn gây lượng khí thải khổng lồ mỗi ngày hai đợt giờ cao điểm. Vào những đợt nắng nóng đỉnh điểm, nhiều tuyến phố bỏng cháy, khiến việc di chuyển trên phố như trong chảo lửa.

Hàng cây xanh chết khô trên một tuyến phố ở Hà Nội do không hợp khí hậu, thổ nhưỡng.

Hàng cây xanh chết khô trên một tuyến phố ở Hà Nội do không hợp khí hậu, thổ nhưỡng.

Chọn cây xanh nào cho Hà Nội?

Trong rất nhiều chủng loại cây xanh đô thị được trồng mới, cây bàng lá nhỏ đang tạo được nhiều ấn tượng, làm xanh mát cho nhiều tuyến đường mới mở, như trên tuyến vành đai 2, đoạn đường Láng, đường Bưởi.

Bàng lá nhỏ có tán lá đẹp, nhỏ gọn, các cành ngắn, mọc theo hướng chếch lên tạo vòm tán vừa phải, không tốn nhiều diện tích, phù hợp trong điều kiện không gian ngày càng bị thu hẹp. Bàng lá nhỏ có quả nhỏ, lá nhỏ nên khi rụng ít gây ô nhiễm hơn cây bàng ta.

Cây phù hợp với đô thị do có dáng đẹp, trung bình mỗi cây cao từ 10 m đến 20 m, chiều cao vút ngọn từ 6 m đến 8 m, phát triển nhanh, chịu được điều kiện hoàn cảnh khắc nghiệt và thích hợp trồng ở nhiều địa hình. Mỗi khi lá chuyển sang sắc vàng, vị trí này thành tâm điểm để các bạn trẻ đến chụp ảnh.

Tại tuyến đường Võ Chí Công, sau khi được nâng cấp, mở rộng, dọc hai bên đường phố đều mọc lên những vườn cây xanh, hàng cây xanh. Tầng trên cùng là cây bàng Đài Loan lá nhỏ, giáng hương cao 4-6 m, phía dưới là cây cảnh trang trí như hoa giấy, điệp vàng, thuộc lớp cây trung tầng, sắc hoa nổi bật giữa các loại cây xanh khác.

Với hệ thống cây xanh như thế này, thành phố đã đẹp hơn, xanh mát hơn nhờ các hàng cây đều tăm tắp, màu sắc phong phú, đẹp quanh năm.

Hà Nội đã có quy hoạch cây đô thị trồng ở từng khu vực để tạo ra nét đặc thù về kiến trúc cảnh quan. Việc trồng cây không chỉ phủ xanh thành phố, giúp điều hòa không khí, cải tạo môi trường mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho từng tuyến phố.

Cây bàng lá nhỏ đang tạo được nhiều ấn tượng, làm xanh mát cho nhiều tuyến đường mới mở ở Hà Nội.

Cây bàng lá nhỏ đang tạo được nhiều ấn tượng, làm xanh mát cho nhiều tuyến đường mới mở ở Hà Nội.

Chuyện cây xanh tại các nước

Stockholm của Thụy Điển là thành phố nổi tiếng với diện tích công viên cây xanh lớn và nằm trong top những thành phố có nhiều cây xanh nhất thế giới. Nơi đây có những thảm thực vật trải dài, công viên xanh rộng lớn, dọc khắp đường phố là những hàng cây xanh rộng lớn giúp cho không gian nơi đây luôn trong lành và thoáng đãng.

Với những nỗ lực không ngừng trong việc phủ kín cây xanh toàn thành phố, Stockholm đã được giải thưởng “Thủ đô xanh nhất châu Âu”.

Với gần 40% diện tích dành cho thiên nhiên, London (Anh) đã trở thành một trong những thành phố có nhiều cây xanh nhất thế giới. Sở hữu không gian sống trong lành, thảm thực vật rộng lớn, London được miêu tả như một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với những công viên rộng lớn rợp bóng cây xanh, những con đường với những đám cỏ xanh tươi.

Berlin là một trong những thành phố xanh nhất ở Đức và cũng là nơi có lượng cây xanh nhiều nhất thế giới. Nơi đây có diện tích rừng lớn, số lượng lớn cây lâu năm, hàng trăm công viên lớn nhỏ, vườn công cộng rộng khắp thành phố,... tạo nên không gian xanh mát, trong lành.

Stockholm của Thụy Điển là thành phố nổi tiếng với diện tích công viên cây xanh lớn và nằm trong top những thành phố có nhiều cây xanh nhất thế giới.

Stockholm của Thụy Điển là thành phố nổi tiếng với diện tích công viên cây xanh lớn và nằm trong top những thành phố có nhiều cây xanh nhất thế giới.

Cây xanh - di sản quý giá của người Paris

Với gần 1/3 diện tích được trồng cây xanh, Paris là một trong những thủ đô xanh nhất châu Âu. Người dân thủ đô nước Pháp trân trọng cây xanh như những di sản kiến trúc, văn hóa quý giá khác, do đó cây được trồng và chăm sóc theo hướng bền vững như bảo tồn, phát triển một di sản sống. Chính quyền Paris đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ trồng thêm được 170.000 cây xanh.

Truyền thống trồng cây của Paris bắt đầu từ thế kỷ XVI. Từ hàng cây đầu tiên trồng trên đường phố vào năm 1597, đến nay thành phố đã có 730 công viên và vườn hoa công cộng, gần 700km đường phố được trồng cây.

Paris còn có hai khu rừng khu rừng là Boulogne và Vincennes được ví như lá phổi xanh của thành phố. Từ năm 2014, việc quản lý cây ở Paris được thực hiện trên cơ sở dữ liệu, bản đồ và ứng dụng di động. Mỗi cây đều có mã số ghi đầy đủ thông tin về chủng loại, năm trồng, nơi trồng, tình trạng sức khỏe....

Cây ở Paris cũng được cắt tỉa định kỳ để phù hợp với môi trường đô thị như không che mất đèn giao thông, biển báo đường; duy trì khoảng cách giữa cây và xe cộ. Để bảo vệ cây cổ thụ, các công nhân tiến hành các đợt cắt tỉa cách nhau từ 7-9 năm và cố gắng tôn trọng hình dạng tự nhiên của cây. Những cây bị sâu bệnh, đơn vị chặt cây phải xin giấy phép của cơ quan hành chính.

Paris là một trong những thủ đô xanh nhất châu Âu.

Paris là một trong những thủ đô xanh nhất châu Âu.

Tiêu chí chọn cây xanh đô thị của người Pháp

Từ năm 2019, chính quyền Paris đã triển khai dự án trồng cây để đối phó với biến đổi khí hậu, mục tiêu đến năm 2026 sẽ trồng thêm được 170.000 cây. Dự án này dựa trên một bộ công cụ hướng dẫn tiêu chuẩn lựa chọn cây xanh đô thị và các dịch vụ cây xanh của Sesame - một nghiên cứu đã tiến hành ở thành phố Metz thuộc miền đông bắc nước Pháp.

Trước hết, họ lựa chọn các loài cây có khả năng thích nghi với môi trường đô thị vốn hạn chế về đất và nguồn nước. Do đó họ chọn các loài thân thẳng, rễ sâu, có bóng rộng, hạn chế những cây mùi quá nồng hoặc có phấn hoa gây dị ứng.

Thứ hai là đa dạng các loài với các loại cây thân gỗ, cây bụi, các loài hoa và cây thân leo. Việc đa dạng hóa cây trồng không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ, mà còn là biện pháp ứng phó hiệu quả, kinh tế và bền vững duy nhất đối với các bệnh thực vật.

Hầu hết các bệnh chỉ tấn công một loài. Đây là lý do vì sao việc tập trung các cây cùng loài ở một chỗ sẽ thúc đẩy sự lây lan dịch bệnh. Để tránh nguy cơ đó, cần ưu tiên luân phiên các loài khi trồng cây mới.

Thứ ba là trồng cây thích nghi với nắng nóng. Các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu đòi hỏi các loài cây trồng mới phải thích ứng với nguy cơ xảy ra các đợt nắng nóng ngày càng thường xuyên hơn trong trung và dài hạn.

Đặc biệt, một số loài cây Địa Trung Hải (như cây mâm xôi từ Provence, cây phỉ từ Byzantium, cây lê từ Trung Quốc, cây ô liu từ Bohemia hoặc cây sồi) được chứng minh là đặc biệt phù hợp với môi trường sóng nhiệt cao.

Thứ tư là thúc đẩy các loài bản địa vì chúng phát huy hiệu quả trong việc duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái và thích nghi tốt với hệ động vật sở tại. Đặc biệt, các loài cây này có khả năng ra hoa, quả hoặc hạt tốt, có thể tích hợp vào chuỗi thức ăn hoặc sinh sản của các loài sinh vật. Không những thế, việc trồng các loài cây bản địa có hoa có thể bù đắp ít nhất một phần cho việc giảm số lượng ong ở các vùng nông thôn.

Với cách tiếp cận trong việc bảo vệ và phát triển cây xanh dưới góc độ của bảo tồn di sản, Paris đã rất thành công trong việc duy trì và mở rộng độ phủ xanh của thành phố. Điều này không chỉ giúp "kinh đô ánh sáng" thêm hấp dẫn với du khách, mà còn giúp ích đáng kể cho thành phố chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang rất phức tạp hiện nay.

Ai Cập: Chiến dịch trồng cây xanh

Tạo bóng mát, không khí trong lành và có trái ngọt là mục tiêu của một chiến dịch trồng cây quy mô lớn tại Ai Cập. Sáng kiến này được khởi xướng từ năm 2016 và đến nay đã có 350.000 cây ăn quả được trồng ở 17 tỉnh của nước này. Các nhà tổ chức chiến dịch đặt mục tiêu trồng một triệu cây xanh từ nay tới năm 2030.

Tạo bóng mát, không khí trong lành và có trái ngọt là mục tiêu của một chiến dịch trồng cây quy mô lớn tại Ai Cập.

Tạo bóng mát, không khí trong lành và có trái ngọt là mục tiêu của một chiến dịch trồng cây quy mô lớn tại Ai Cập.

Tại một ngôi trường ở thành phố Mit Ghamr tỉnh Dakahlia của Ai Cập, các tình nguyện viên đang cùng nhau trồng những cây ăn quả. Tổng cộng hơn 500 cây xanh sẽ trồng ở 4 trường công lập của tỉnh này

Còn anh Osama El-Masry, một tình nguyện viên của chiến dịch đang kiểm tra những cây chanh, cây ổi và cây táo được trồng cách đây 6 năm Sáng kiến mang tên "Shagrha" này do anh Omar el-Deeb khởi xướng cách đây 8 năm. Anh El-Deeb cho biết Shagrha tập trung vào những cây có quả, có giá trị kinh tế cũng như lợi ích xã hội và môi trường

Anh El-Deeb cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người trồng những cây cho quả và lấy gỗ, vừa mang lại lợi ích thiết thực đối với đời sống hàng ngày vửa giảm tác động của biến đổi khí hậu”.

Theo anh El-Deeb, hơn 10.000 ban công và mái nhà cũng đã được trồng cây rau, cây thuốc và cây ăn quả. Hàng trăm trường học và tổ chức trên đất nước Ai cập đã tham gia sáng kiến này vì vậy mục tiêu trồng một triệu cây xanh từ này đến năm 2030 sẽ không còn là xa vời.

Bỉ: Vẻ đẹp kỳ diệu của rừng hoa chuông xanh

Tại nước Bỉ, chỉ cách thủ đô Brussels chưa đầy 30 km, có một khu rừng tuyệt đẹp và nổi tiếng với thảm hoa chuông xanh.

Thời điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp như trong cổ tích của khu rừng Hallerbos là vào sáng sớm, đón ánh bình minh qua những tán cây, hoặc vào buổi chiều tối khi mặt trời bắt đầu lặn.

Thảm hoa chuông xanh tại khu rừng Hallerbos.

Thảm hoa chuông xanh tại khu rừng Hallerbos.

Thảm hoa trải rộng dưới bóng những cây cự sam khổng lồ, tiếng chim hót và những chú nai hoang dã khiến khu rừng càng trở nên huyền ảo và quyến rũ.

Nhiều nghệ sĩ và những người yêu thiên nhiên đã tới đây để ghi lại những bức ảnh đẹp về khu rừng Hallerbos. Loài hoa chuông xanh kỳ diệu này nở vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết cũng như lượng ánh sáng mặt trời.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/chon-cay-xanh-nao-cho-ha-noi-251574.htm