Chọn môn học lớp 10: Phù hợp với năng lực và xu hướng phát triển nghề nghiệp

Học sinh được chọn môn học ngay từ lớp 10 theo định hướng nghề nghiệp được đánh giá là một bước tiến của chương trình giáo dục phổ thông mới. Thời điểm này, học sinh lớp 10 trên địa bàn tỉnh đang tập trung lựa chọn tổ hợp môn học cho phù hợp với năng lực, sở trường.

Chú trọng tư vấn, giáo dục nghề nghiệp

Năm học 2024-2025 là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT. Điểm khác biệt của chương trình là thay vì học tất cả các môn học, các em bắt buộc phải học 6 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh), 2 chuyên đề (Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương) và 4 môn tự chọn trong 9 môn: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Chương trình đã giảm bớt một số môn để học sinh có thể tập trung cho những môn yêu thích.

 Trường THPT Lục Nam tổ chức tư vấn cho học sinh chọn tổ hợp môn học.

Trường THPT Lục Nam tổ chức tư vấn cho học sinh chọn tổ hợp môn học.

Được biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Đặc biệt, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) cho biết: “Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, các trường THPT trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy và học tập. Việc lựa chọn tổ hợp môn học ngay từ khi vào lớp 10 có ý nghĩa quan trọng trong việc chọn ngành, chọn nghề khi kết thúc bậc THPT. Để thuận lợi cho học sinh, các trường đã xây dựng các phương án lựa chọn môn học phù hợp với điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất bảo đảm cho các em học tập đạt hiệu quả và tổ chức tư vấn, hỗ trợ cho học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp”.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, những trường có quy mô nhiều lớp 10, đông học sinh dễ xếp lớp theo nguyện vọng của các em. Trường ít học sinh đòi hỏi các phương án lựa chọn phải linh hoạt, nhất là với những môn học chỉ có vài trường hợp đăng ký sẽ khó khăn cho việc xếp thời khóa biểu, phòng học, giáo viên.

Năm học này, toàn tỉnh có gần 20,2 nghìn học sinh lớp 10. Để tạo thuận lợi cho học sinh, các trường THPT đều có các nhóm môn học như: Nhóm Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), nhóm Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Cô giáo Nguyễn Thị Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Yên số 1 cho biết: “Năm học này, trường có 530 học sinh lớp 10 được xếp vào 12 lớp với 6 nhóm tổ hợp môn học. Nhà trường xếp những em có môn học giống nhau vào học chung lớp. Trong quá trình tư vấn, giáo viên tập trung cao phân tích về xu hướng nghề nghiệp tương lai, nhu cầu xã hội để các em lựa chọn môn học".

Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có gần 20,2 nghìn học sinh lớp 10. Để tạo thuận lợi cho học sinh, các trường THPT đều có các nhóm môn học như: Nhóm Khoa học tự nhiên, nhóm Khoa học xã hội, nhóm Công nghệ và Nghệ thuật. Ngoài tuyên truyền trên mạng xã hội, tư vấn trực tiếp cho học sinh, các trường còn gửi thông tin về tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho phụ huynh. Qua đó, phụ huynh và học sinh chủ động nắm bắt chương trình giáo dục phổ thông mới. Em Hà Hương Chi, học sinh lớp 10, Trường THPT Thái Thuận (TP Bắc Giang) cho biết: “Từ định hướng của nhà trường, em nhận thấy khi lựa chọn tổ hợp môn học, mình phải xác định năng lực của bản thân xem phù hợp với nhóm môn học nào để lựa chọn hợp lý”.

Đáp ứng nguyện vọng của học sinh

Thực tế, trong 2 năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp THPT vừa qua, nhiều học sinh và phụ huynh chưa nắm chắc những điểm mới của chương trình, còn lúng túng khi lựa chọn môn học. Điều này dẫn đến trong quá trình học tập, nhiều em nhận thấy lựa chọn của mình chưa phù hợp nên có nguyện vọng thay đổi, gây khó khăn cho bản thân, phải học lại kiến thức.

Các thầy, cô giáo cho rằng để chọn tổ hợp môn học phù hợp cần căn cứ vào sở thích và năng lực của từng em. Bởi khi được học môn yêu thích, việc học sẽ hiệu quả hơn. Cô giáo Đoàn Thị Hải Yến, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế) chia sẻ: “Mỗi tổ hợp môn học sẽ gắn với phương án xét tuyển đại học. Vì vậy, học sinh cần suy nghĩ thấu đáo, tính toán kỹ yếu tố năng lực, sở trường, định hướng nghề nghiệp sau 3 năm học THPT”.

Kinh nghiệm của một số trường không có học sinh thay đổi nguyện vọng như: THPT Yên Thế, THPT Lục Nam là ngay từ đầu năm học, nhà trường chú trọng tư vấn, định hướng, phân lớp theo tổ hợp các môn học. Giáo viên chủ nhiệm được phân công nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh để có phương án giảng dạy hiệu quả nên đến nay chưa có học sinh nào muốn thay đổi môn học.

Đối với những học sinh có nguyện vọng thay đổi môn học, các trường sẽ xem xét điều chỉnh khi kết thúc năm học. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường xây dựng phương án bổ sung kiến thức cho học sinh khi thay đổi từ môn học này sang môn học khác, đồng thời yêu cầu các em nêu cao ý thức tự học để có đủ năng lực tiếp nhận kiến thức ở môn học mới. Các trường lưu ý phụ huynh, học sinh cần nghiên cứu kỹ khi chọn tổ hợp bởi khi thay đổi sẽ phải học lại từ đầu môn học mới. Khối lượng kiến thức lớn, học sinh phải nỗ lực nhiều mới theo kịp các bạn.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học. Chú trọng hơn công tác giáo dục, định hướng nghề nghiệp ở cấp THCS, THPT. Nhiều cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh mong muốn các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh từ năm 2025 và định hướng cho các năm tiếp theo, trong đó có các tổ hợp xét tuyển cụ thể để giáo viên, học sinh chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chon-mon-hoc-lop-10-phu-hop-voi-nang-luc-va-xu-huong-phat-trien-nghe-nghiep-084702.bbg