Chọn SGK Tiếng Anh cần đảm bảo sự liền mạch, thay đổi liên tục 'lợi bất cập hại'

Để Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần ưu tiên những bộ sách giáo khoa tích hợp yếu tố giáo dục thông minh phù hợp với năng lực học sinh.

Trong bối cảnh hội nhập, tiếng Anh được coi là "chìa khóa" mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng.

Kết luận số 91-KT/TW đề ra nhiệm vụ mang tính đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh với nội dung trọng tâm: "Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học...".

Để làm được điều này rất cần sự đột phá, tăng cường ứng dụng, tích hợp công nghệ trong cách dạy và học tiếng Anh. Hiện nay, nhiều địa phương đang rục rịch chọn sách giáo khoa cho năm học mới.

Năm học 2024-2025 là vừa hết 1 quy trình chọn lựa sách giáo khoa cho tất cả các lớp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên và phụ huynh rất cần sự ổn định trong sử dụng sách để tránh lãng phí cũng như đảm bảo tính liền mạch trong công tác dạy và học.

 Giáo viên dạy Tiếng Anh ở Hải Phòng tham dự một buổi giới thiệu về chương trình tiếng Anh tiểu học.

Giáo viên dạy Tiếng Anh ở Hải Phòng tham dự một buổi giới thiệu về chương trình tiếng Anh tiểu học.

Giữ ổn định sách giáo khoa có lợi cho cả giáo viên và học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Tô Văn Hoài - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng) cho biết: Thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", trong những năm học qua, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn đã tập trung các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường như đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo, thực hiện tốt công tác xã hội hóa để bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy…

Với nhiệm vụ đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, nhà trường đã “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” theo Kết luận của Bộ Chính trị.

Ngoài những giải pháp trên, thì việc lựa chọn sách giáo khoa nói chung, sách giáo khoa Tiếng Anh nói riêng đã được nhà trường quan tâm lựa chọn trên nguyên tắc chung bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh; phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy và học của nhà trường.

Thầy Hoài cũng cho biết thêm, nhà trường đã tổng hợp, tiếp thu các kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt…

Ngay từ năm đầu tiên thực hiện chương trình thay sách giáo khoa lớp 3, nhà trường đã tập trung nghiên cứu sách giáo khoa Tiếng Anh của các nhà xuất bản, lựa chọn ra bộ sách phù hợp nhất để sử dụng trong các năm học. Chính vì vậy, việc sử dụng các bản sách giáo khoa Tiếng Anh trong nhà trường đã được ổn định trong thời gian qua và tiếp tục sẽ thực hiện trong năm học 2025-2026.

Nhờ vậy, giáo viên có điều kiện nghiên cứu sâu về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; học sinh tiếp thu kiến thức được thuận lợi, liền mạch; tiết kiệm được kinh phí vì có thể sử dụng lại được sách giáo khoa cũ nếu còn đảm bảo chất lượng, tạo sự yên tâm trong phụ huynh học sinh.

Bên cạnh đó, mỗi bộ sách giáo khoa có hệ thống ngữ liệu, triết lý, phương pháp giảng dạy khác nhau. Nếu thay đổi sách, giáo viên phải bắt đầu lại bằng việc tập huấn, giới thiệu lại phương pháp tiếp cận của cuốn sách. Đặc biệt, nếu thay đổi sách liên tục, học sinh, phụ huynh sẽ hoang mang. Vì thế rất cần sự ổn định trong việc sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh.

 Một tiết học tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng). Ảnh: Phạm Linh

Một tiết học tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng). Ảnh: Phạm Linh

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, mỗi bản sách giáo khoa cũng có những ưu điểm riêng, để đạt hiệu quả của việc ổn định một bộ sách giáo khoa, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên Tiếng Anh nghiên cứu các bộ sách giáo khoa khác để tiếp thu những điểm mới, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, khai thác triệt để các phần mềm hỗ trợ để vận dụng linh hoạt vào từng bài học trong sách giáo khoa nhà trường đang sử dụng nhằm nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh.

Chính vì vậy, giáo viên và học sinh nhà trường đã luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc dạy và học; phụ huynh học sinh yên tâm, đồng thuận đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh trong nhà trường.

Trong khi đó, cô giáo Trần Thị Mị - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng) thông tin: Để lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Anh sử dụng cho năm học 2025 - 2026 nhà trường đã thực hiện theo trình tự sau:

Triển khai tới 100% cán bộ, giáo viên các văn bản chỉ đạo của các cấp về hướng dẫn lựa chọn, điều chỉnh hoặc bổ sung danh mục sách giáo khoa sử dụng cho năm học 2025 – 2026;

Công khai trên website và trang fanpage của nhà trường các Quyết định: Quyết định số 4071/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2024 về việc phê duyệt sách giáo khoa cấp tiểu học sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; Quyết định số 664/QĐ-BGDĐT ngày 13/3/2025 về việc phê duyệt sách giáo khoa cấp tiểu học sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông;

Nhóm giáo viên chọn sách giáo khoa Tiếng Anh nhận danh mục đường link sách giáo khoa (kèm theo công văn 1505/SGDĐT-GDMN&GDTH ngày 19 tháng 3 năm 2025 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) chuyển đến tất cả các thành viên trong tổ/ nhóm. Sau đó, từng cá nhân nghiên cứu các bản sách giáo khoa mới được phê duyệt tại Quyết định số 4071/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2024 về việc phê duyệt sách giáo khoa cấp tiểu học sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông;

Nhóm giáo viên chọn sách Tiếng Anh họp báo cáo kết quả nghiên cứu các bản sách giáo khoa mới, rà soát danh mục sách giáo khoa đang sử dụng theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng được ban hành kèm theo Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 28/02/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố, lựa chọn danh mục sách giáo khoa: các giáo viên đều đánh giá bản sách Tiếng Anh đang sử dụng phù hợp với đặc điểm học sinh của nhà trường, đảm bảo tính ổn định nên giáo viên trong nhóm đều nhất trí không thay đổi sách Tiếng Anh cho năm học tới.

Cuối cùng tổng hợp danh mục sách giáo khoa Tiếng Anh đã thống nhất lựa chọn (giữ nguyên danh mục cũ), trình hiệu trưởng về danh mục sách giáo khoa sẽ sử dụng cho năm học 2025 – 2026.

 Cô giáo Trần Thị Mị - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng). Ảnh: website nhà trường

Cô giáo Trần Thị Mị - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Lê Chân, Hải Phòng). Ảnh: website nhà trường

Không thay đổi sách giáo khoa đảm bảo tính hệ thống - liên thông xuyên suốt

Cô giáo Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền, Hải Phòng bày tỏ: “Năm học 2024-2025 là năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 5. Như vậy đối với bậc tiểu học đến thời điểm này thực hiện đủ 5 năm chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Khi thực hiện chương trình với một khối lớp bất kỳ, trước thềm năm học mới nhà trường đều lựa chọn sách giáo khoa cho năm học đó. Năm học 2025-2026, nhà trường hoàn tất việc lựa chọn sách giáo khoa đối với cả 5 khối lớp. Việc lựa chọn sách giáo khoa năm học tiếp theo nhà trường vẫn giữ nguyên bộ sách giáo khoa của những năm học trước không thay đổi.

Việc lựa chọn sách giáo khoa Tiếng Anh của trường đảm bảo tính hệ thống - liên thông - xuyên suốt 5 năm tạo điều kiện cho học sinh và giáo viên trong việc dạy học và thuận tiện cho các bậc phụ huynh học sinh trong quá trình phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em học tập”.

 Cô giáo Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. (Ảnh: Lã Tiến)

Cô giáo Phạm Thị Diện - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. (Ảnh: Lã Tiến)

Chị Nguyễn Hoài An, phụ huynh của một học sinh lớp 5 tại quận Kiến An, Hải Phòng chia sẻ: “Theo tôi không nên thay đổi sách giáo khoa liên tục vì mỗi bộ sách kiến thức đã được tích hợp theo từng lớp. Khi học sinh đã học quen với bộ sách này, lên lớp trên mà vẫn được học bộ sách đó sẽ đảm bảo tính liên thông, liên mạch.

Hiện tại, trường nơi con tôi học cũng có rất nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo, sách giáo khoa là một ngữ liệu để học sinh và giáo viên tham khảo. Dù học chính bất cứ bộ sách nào thì giáo viên vẫn có thể tham khảo kiến thức từ bộ sách khác nên không nhất thiết phải thay sách giáo khoa mới. Như vậy vừa lãng phí, vừa khiến phụ huynh hoang mang khi mua sách cho con”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, anh Trần Hải Đăng, phụ huynh của một học sinh lớp 3 tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng bày tỏ: “Tôi đã nghe giáo viên chủ nhiệm của con phổ biến nhiều về chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Gia đình cũng rất chú trọng việc học ngoại ngữ cho con, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, có nhiều cách để nâng cao năng lực Tiếng Anh của học sinh thay vì thay đổi sách giáo khoa.

Theo tôi, sách giáo khoa hiện nay cần tăng cường tích hợp yếu tố giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ như các bài giảng điện tử, để học sinh nâng cao năng lực. Phụ huynh cũng có thể dễ dàng tiếp cận. Nếu sách giáo khoa năm học trước đã có các yếu tố này thì không nhất thiết phải thay sách giáo khoa mới.

Bên cạnh đó cũng cần ưu tiên những bộ sách giáo khoa có tính liên thông, liền mạch, có thể kết hợp chuyển đổi số, công nghệ AI phù hợp với từng vùng miền. Khi đó, sách giáo khoa sẽ là công cụ hữu hiệu để học sinh tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của phụ huynh”.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chon-sgk-tieng-anh-can-dam-bao-su-lien-mach-thay-doi-lien-tuc-loi-bat-cap-hai-post250396.gd