Chồng chéo nếu giao bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý

Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế là cánh tay nối dài trong hoạt động khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Nếu giao địa phương quản lý thì phát triển chuyên môn, chỉ đạo tuyến dưới thế nào?

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề xuất việc chuyển giao các bệnh viện trung ương trên địa bàn về cho TP Hà Nội quản lý nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Giao cho TP Hà Nội: Quá sức!

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến, ngoài phương án các bệnh viện thuộc Bộ Y tế vẫn giữ nguyên quản lý như hiện tại, Ban Soạn thảo dự án luật cũng đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn thủ đô về TP Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học. Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.

Bày tỏ quan điểm trước đề xuất này, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho biết việc bệnh viện trung ương chuyển về Hà Nội quản lý sẽ phát sinh nhiều vấn đề. PGS-TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khẳng định điều này không phù hợp. Cần xem xét về cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật của Việt Nam cũng như hệ thống y tế của Việt Nam từ cơ sở đến trung ương, cách tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ra sao để có những phân tích thấu đáo và vận dụng cho phù hợp với hệ thống y tế.

Theo ông Phú, vai trò của bệnh viện đầu ngành có nhiều điểm khác so với các bệnh viện tỉnh, thành phố. Bệnh viện trung ương còn thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học - công nghệ, chỉ đạo tuyến và đào tạo, chuyển giao công nghệ xuống tuyến dưới. Ngoài ra, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương còn có khả năng huy động và hỗ trợ, tổng hợp các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch COVID-19 vừa qua. "Trong đợt dịch vừa qua, vai trò của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương là rất quan trọng. Nếu là sở y tế tỉnh, thành phố thì không thể huy động, điều hành để khống chế đợt dịch bùng phát dữ dội như vừa rồi" - PGS Phú dẫn chứng.

Một số chuyên gia cũng băn khoăn về dự thảo và cho rằng đề xuất chuyển giao là "quá sức" với Hà Nội trong bối cảnh cán bộ y tế còn rất mỏng. Thậm chí, có ý kiến lo ngại việc đưa các bệnh viện đầu ngành về trực thuộc TP Hà Nội sẽ thu hẹp tầm hoạt động của bệnh viện. Tình huống xảy ra quá tải bệnh viện, người bệnh hiểm nghèo các tỉnh sẽ bị trả về địa phương để ưu tiên cho bệnh nhân thủ đô.

Bệnh viện trung ương có nhiều nhiệm vụ

Cách đây ít ngày, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với 17 lãnh đạo các bệnh viện trực thuộc bộ trên địa bàn TP Hà Nội về công tác khám chữa bệnh và việc sắp xếp các bệnh viện trực thuộc theo dự thảo Luật Thủ đô và đều thống nhất 100% ở lại bộ.

PGS-TS Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, cho biết bệnh viện tuyến cuối không chỉ làm công tác khám chữa bệnh của tuyến cao nhất mà còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới… "Nếu chuyển giao TP Hà Nội quản lý, việc phát triển chuyên môn, nhiệm vụ đào tạo, phát triển quan hệ quốc tế và chỉ đạo tuyến dưới sẽ ra sao?" - PGS Bính nêu.

Cùng quan điểm, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trên thế giới, hầu hết các nước phát triển có nhiều bệnh viện tư nhưng họ vẫn có 20%-30% bệnh viện công do chính phủ trực tiếp quản lý để làm công tác an sinh xã hội. Với vai trò là Giám đốc Câu lạc bộ Các bệnh viện phía Bắc, qua trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh, PGS Cơ cho biết đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để bảo đảm sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương.

Phân tích về nhiệm vụ quan trọng của tuyến cao nhất là chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng không nên chuyển bệnh viện trung ương về cho TP Hà Nội quản lý, nên để ngành y tế quản lý về chuyên môn. "Nếu chuyển bệnh viện trung ương cho địa phương quản lý thì muốn chuyển giao kỹ thuật cho Nghệ An hay một địa phương nào đó lại phải xin ý kiến của TP Hà Nội?" - ông Lợi đặt vấn đề.

Bệnh viện tuyến trung ương là đơn vị cuối cùng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng chuyển đến từ các tuyến. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Bệnh viện tuyến trung ương là đơn vị cuối cùng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nặng chuyển đến từ các tuyến. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)

Đưa ra khỏi dự thảo

Nhiều chuyên gia đề xuất ban soạn thảo đưa ra mô hình dự kiến cần đánh giá tác động, hiệu quả và khả năng thực hiện. Dù đơn vị nào quản lý thì mục tiêu hướng tới là người dân thuận lợi nhất trong khám chữa bệnh, được chăm sóc bởi hệ thống y tế tốt nhất.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, quan điểm của Bộ Y tế là đưa nội dung này ra khỏi dự thảo vì nhiều lý do. Đây là các cơ sở y tế đầu ngành của cả nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của bộ nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy, số đơn vị đầu mối không thay đổi. Đó là chưa kể Hà Nội đang đầu tư phát triển bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm. Vì thế, việc đưa các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự lãng phí chồng chéo.

Hiện Bộ Y tế đã xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và Hà Nội và đã đồng ý với quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, trong đó có các bệnh viện trung ương trên địa bàn. Số lượng bệnh viện thuộc bộ cũng sẽ giảm từ 34 còn 30 đơn vị so với hiện nay.

. GS-TS TẠ THÀNH VĂN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Hà Nội:

Khó trong chỉ đạo tuyến

Thực tiễn ở Việt Nam có nhiều khác biệt với các nước về trình độ phát triển, văn hóa, xã hội nên chúng ta đang thực hiện mô hình Bộ Y tế quản lý các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành và mô hình này đã, đang phát huy đặc biệt hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với vai trò quan trọng như vậy, nếu các bệnh viện trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lý, sẽ rất khó cho công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia. Do đó, sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc.

. Đại biểu Quốc hội - TS-BS chuyên khoa II NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM):

Cần cân nhắc kỹ và có lộ trình cụ thể

Việc đưa tất cả bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý sẽ khiến các đơn vị này bị bó hẹp, mất đi vai trò chủ đạo trong ngành y. Cần cân nhắc thật kỹ và có lộ trình cụ thể liên quan đến đề xuất "đưa các bệnh viện tuyến trung ương cho Hà Nội quản lý". Quan trọng nhất là cần đánh giá xem có đủ sức tiếp nhận và quản lý các bệnh viện này hay không.

Một trong các lý do các bệnh viện đặc biệt, chuyên khoa đầu ngành có chức năng, nhiệm vụ là đơn vị tuyến cuối, tiếp nhận người bệnh trong phạm vi khu vực và toàn quốc. Mức độ ảnh hưởng về chuyên môn của các bệnh viện này ảnh hưởng phạm vi vùng và toàn quốc. Ngoài chuyên môn, các bệnh viện này còn đảm nhận nhiều vai trò quan trọng khác như chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương trên cả nước, hợp tác quốc tế. Các bệnh viện cũng đóng vai trò là nơi thực hành đào tạo cán bộ sau đại học trong và ngoài nước…

N.Dung - N.Thạnh ghi

Bài và ảnh: Ngọc Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/chong-cheo-neu-giao-benh-vien-trung-uong-cho-ha-noi-quan-ly-20230805201114915.htm