Chống hàng giả: Cần một nền tảng định danh và truy xuất hiệu quả
Để chống giả hiệu quả, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có một nền tảng thống nhất, cho phép kiểm chứng dữ liệu chuẩn hóa từ gốc.
Sáng 8/7, tại Hà Nội, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức hội thảo "Xác thực - Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam".
Những bất cập chính
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia trong bối cảnh gian lận thương mại thẳng thắn nêu ra những bất cập chính trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại Việt Nam.

Đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia. (Ảnh: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia)
Cụ thể: Một là, không thống nhất mã định danh thống nhất trên toàn quốc. Hai là, dữ liệu phân tán theo các bộ ngành, lĩnh vực. Ba là, thực hiện truy xuất nguồn gốc hình thức, thiếu chiều sâu. Bốn là, không kiểm soát hiệu quả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Năm là, người tiêu dùng chưa có công xác thực cụ thể. Sáu là, cơ quan chức năng xử lý thủ công, bị động chưa có kiểm soát chặt chẽ. Bảy là, doanh nghiệp không bắt buộc phải tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tám là, thiếu liên thông giữa truy xuất nguồn gốc và kiểm tra chất lượng hàng hóa. Chín là, không có cơ sở dữ liệu tập trung để đánh giá và kiểm soát hàng hóa.
Đặc điểm này có tác động tiêu cực lên quản lý thị trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Truy xuất từ gốc để chống hàng giả
Chỉ trong năm 2024, cơ quan chức năng đã xử lý trên 47.000 vụ /gian lận xử lý. Con số này được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2025.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Bá Chính, quyền giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định có 3 loại hình làm giả phổ biến: Giả chất lượng, giả thương hiệu, giả nguồn gốc.

Ông Bùi Bá Chính, quyền giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tại Hội thảo. (Ảnh: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia)
Dẫn chứng từ sản phẩm tại địa bàn Hà Nội, ông Chính nhấn mạnh nạn hàng giả ngày càng hoành hành, gây thiệt hại lớn cho sức khỏe người dân, uy tín quốc gia và dòng thương mại chính ngạch.
Để chống giả hiệu quả, cần kiểm chứng dữ liệu chuẩn hóa từ gốc. Ông nói: "Giống như bố mẹ làm giấy khai sinh cho con cái, doanh nghiệp phải làm giấy khai sinh cho sản phẩm".
Sản phẩm cần chứa thông tin trong từng chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất đến vận chuyển. Các thông tin này cần được định danh và mã hóa để người dùng có thể dễ dàng truy cập.
Nêu ra mô hình GS1 trên thế giới, ông Chính bày tỏ: "Chúng tôi mong muốn hàng hóa của Việt Nam cũng được định danh như vậy" nhưng không làm một cách lẻ tẻ, manh mún mà "chúng ta cần có một đầu mối để thống nhất định danh trong cả nước".
Dữ liệu và nền tảng phân tán
Đồng tình với lập luận này, ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công nghệ Thông tin, Công ty ECO Pharma cho biết: "Việc chống hàng giả giống như một ma trận và những gì ECO đang làm còn tồn đọng rất nhiều thách thức. Trong đó, dữ liệu và phần mềm truy xuất thiếu hệ thống, đồng bộ là một trong những thách thức lớn nhất".

Ông Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công nghệ Thông tin, công ty ECO Pharma. (Ảnh: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia)
Cụ thể, đại diện doanh nghiệp này chỉ ra năm vấn đề tồn đọng từ thực tiễn áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc: Một là, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc chỉ phục vụ nội bộ doanh nghiệp. Hai là, thiếu đồng bộ quy chuẩn, quy định về dữ liệu ở quy mô quốc gia. Ba là, giải pháp phân mảnh, tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Bốn là, chưa có nền tảng định danh được Nhà nước bảo chứng dẫn đến thiếu tính xác thực. Năm là, thông tin vòng đời sản phẩm thiếu minh bạch do dữ liệu rời rạc, phân tán.
Ông Tuấn Anh đề xuất phía chính quyền cung cấp một ứng dụng định danh - xác thực - truy xuất cần được cơ quan quản lý Nhà nước bảo chứng đồng thời chuẩn hóa định dạng mã và dữ liệu truy xuất, tích hợp và liên thông với Hệ thống dữ liệu Quốc gia.
Một nền tảng chung
Dẫn chứng từ cuộc khủng hoảng bệnh "bò điên" (BSE), bà Marion Chamindae - Tham tán Nông nghiệp Khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp cho biết Pháp đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt bò từ Anh do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm BSE vào năm 1996. Đây cũng là thời điểm người dân bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Bà Marion Chamindae - Tham tán Nông nghiệp Khu vực Đông Nam Á, Đại sứ quán Pháp. (Ảnh: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia)
Trên thực tế, 76% người dân châu Âu quan tâm tới đề tài này.
Để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, Pháp sử dụng 3 công cụ chính: hồ sơ điện tử, mã QR và công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Bà Marion Chamindae nhấn mạnh, riêng với chỉ dẫn địa lý tạo ra giá trị đặc biệt quan trọng, giúp truy xuất hàng hóa và bảo vệ thương hiệu tốt hơn.
Trong đó, châu Âu đã xây dựng một kho dữ liệu chung trực tuyến cho phép người dùng có thể truy xuất chỉ dẫn địa lý của sản phẩm theo thời gian thực, cung cấp chi tiết, tình trạng pháp lý, bản quyền ở các quốc gia ngoài EU.
NDATrace
Phân tích các vấn đề tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia nói: "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm không phải là vấn đề mới, nhưng gần đây trở thành vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia. (Ảnh: Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia)
Chúng ta có làm nhưng còn rất manh mún, rời rạc và hiện chưa có cơ chế xuyên suốt từ trên xuống dưới để thống nhất cách làm, cũng như chưa liên thông quốc tế. Đặc biệt các bộ tiêu chuẩn hiện có không được xác thực bởi cơ quan Nhà nước, mà đơn giản chỉ kết nối trong nội bộ của từng doanh nghiệp".
Để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội dữ liệu Quốc gia giới thiệu Nền tảng Định danh, Xác thực và Truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia (NDATrace).
Đây là giải pháp thuộc với 3 tính năng chính: Một là định danh (tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm). Hai là xác thực (thông tin hàng hóa và hoạt động chuỗi cung ứng). Ba là truy xuất (tra cứu vòng đời, nguồn gốc sản phẩm).
NDATrace nằm trong Hệ sinh thái Quốc gia, liên kết trực tiếp với NDA DID (Nền tảng tích hợp, chia sẻ, điều phối dữ liệu quốc gia) và NDA Chain (Nền tảng chuỗi khối quốc gia).
Nền tảng được triển khai đồng bộ toàn quốc, có khả năng vận hành theo thời gian thực và liên thông với quốc tế.
Dự kiến, NDATrace sẽ chính thức đi vào vận hành trong năm 2025.