CHỐNG LÃNG PHÍ: Giải pháp thực hành phát triển bền vững
Ngay khi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta đã có lợi về kinh tế thông qua việc giảm chi phí, chưa kể lợi ích về môi trường và xã hội đi kèm.
Có lần, trong một buổi trò chuyện với sinh viên tại một sự kiện quảng bá phát triển bền vững với chủ đề “Act Responsible, Think Sustainable”, tôi nhận được câu hỏi từ một sinh viên: “Trước khi khái niệm phát triển bền vững ra đời, liệu con người có thực hành bền vững không?”
Câu hỏi ấy đưa tôi ngược dòng ký ức, trở về những năm tháng tuổi thơ trong một gia đình nhà giáo ở Huế. Ba mẹ tôi luôn dạy anh em cách sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Chẳng hạn, ba mẹ thường nhắc nhở tôi phải tắt đèn, khóa vòi nước thật chặt sau khi sử dụng để tiết kiệm điện, nước. Khi được cho tiền ăn quà, chúng tôi cũng được dặn dò biết chi tiêu hợp lý, thậm chí nên dành dụm nếu muốn mua một món đồ lớn hơn.
Họ cũng dạy tôi bài học quan trọng về cách ứng xử: “Điều gì mình không thích, đừng làm cho người khác” - một lời nhắc nhở giản đơn nhưng đầy sức nặng, giúp tôi tránh khỏi những xung đột không đáng có với bạn bè.
Giờ đây, tôi nhận ra rằng những lời bảo ban, nhắc nhở ấy không chỉ là bài học thường nhật mà còn thể hiện trọn vẹn cách sống và giá trị của thế hệ trước - những giá trị đã bao hàm tinh thần của phát triển bền vững từ lâu trước khi khái niệm ấy trở nên phổ biến.
Thật vậy, phương châm “Điều gì mình không thích, đừng gây ra cho người khác” chính là nền tảng để con người sống hòa hợp với xã hội. Chi tiêu hợp lý không chỉ hướng tới mục tiêu kinh tế, mà tiết kiệm điện, nước, tránh lãng phí cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ tài nguyên và giữ gìn sự bền vững của môi trường.
Cách sống bền vững của ba mẹ, ông bà và cả những thế hệ trước kia, vốn rất giản dị và đời thường, đã hình thành từ lâu trước khi khái niệm 3P của phát triển bền vững trở nên phổ biến.
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia về ESG và Phát triển bền vững.
Cách sống bền vững của ba mẹ, ông bà và cả những thế hệ trước kia, vốn rất giản dị và đời thường, đã hình thành từ lâu trước khi khái niệm 3P của phát triển bền vững (People - con người và xã hội, Planet - hành tinh và môi trường, Profit - lợi nhuận và kinh tế) trở nên phổ biến.
Từ giới hạn của hành tinh…
Gia đình chúng ta thường là hình mẫu thu nhỏ của hành tinh. Sẽ ra sao nếu một gia đình có mức thu nhập hạn chế nhưng lại tiêu xài phung phí, thậm chí phải vay mượn để chi tiêu? Chắc chắn, thế hệ sau của gia đình đó sẽ khó có thể trưởng thành trong một môi trường lành mạnh, và có thể sẽ phải gánh vác phần “nợ xấu” mà thế hệ trước để lại.
Mở rộng ra ở bình diện toàn cầu, Trái Đất của chúng ta cũng có nguồn tài nguyên và khả năng phục hồi hữu hạn. Nếu chúng ta tiếp tục khai thác tài nguyên vượt quá khả năng của hành tinh, những thế hệ sau sẽ phải đối mặt với “nợ xấu” - sự cạn kiệt tài nguyên và sự gia tăng khí nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu.
Khi “nợ xấu” lên đến mức độ quá lớn, không thể trả nổi, loài người sẽ phải đối diện với những thảm họa khủng khiếp và có thể là sự diệt vong.
…tới chống lãng phí và phát triển bền vững
Khi tài chính eo hẹp và không muốn vay mượn, giải pháp duy nhất là chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và tránh lãng phí. Tương tự, để ngăn ngừa viễn cảnh diệt vong có thể xảy ra, mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia đều phải tìm cách tiết kiệm tài nguyên, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực.
Nói cách khác, chúng ta vừa phải đáp ứng đủ nhu cầu của cuộc sống con người một cách hiệu quả, vừa chống thất thoát và lãng phí, như lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chống lãng phí bao gồm việc hạn chế thất thoát tài nguyên thiên nhiên, tối ưu hóa dòng tiền, chi phí đầu tư, và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Khi soi chiếu khái niệm “chống lãng phí” dưới góc nhìn mô hình 3P của phát triển bền vững, ta có thể nhận thấy sự tương quan rõ ràng. Việc chống lãng phí không chỉ giúp giảm tiêu hao tài nguyên thiên nhiên mà còn giảm gánh nặng lên môi trường (Planet), đồng thời duy trì giá trị kinh tế (Profit).
Bên cạnh đó, việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực còn đòi hỏi chúng ta phải bảo vệ quyền lợi người lao động và phân phối công bằng các giá trị cho người dân, qua đó đảm bảo yếu tố xã hội (People). Chẳng hạn, việc thực hành bình đẳng giới sẽ đảm bảo cơ hội và khả năng tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng cho phụ nữ, giúp họ phát huy tài năng và trí tuệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội.
Khi áp dụng khái niệm ESG (môi trường, xã hội và quản trị) vào phát triển bền vững ở các doanh nghiệp, việc chống lãng phí còn giúp giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu và vật tư đầu vào không cần thiết, qua đó giảm rác thải, khí nhà kính. Đồng thời, việc phân bổ quyền lợi công bằng cho người lao động, cộng đồng, đối tác và khách hàng cũng góp phần đảm bảo sự công bằng và bền vững trong hoạt động.
Chống lãng phí là công cụ và giải pháp thiết thực để đạt được phát triển bền vững, từ cấp độ doanh nghiệp thông qua mô hình ESG đến cấp quốc gia qua mô hình 3P.
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Chuyên gia về ESG và Phát triển bền vững.
Đối với chữ “G” (Governance) trong ESG, có thể nói, việc chống lãng phí là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả quản trị. Quản trị tốt yêu cầu hiểu rõ các nguồn lực mà doanh nghiệp hoặc tổ chức đang có, từ đó áp dụng các phương án thích hợp để tối đa hóa giá trị của các nguồn lực ấy. Nghĩa là, bằng một đơn vị nguồn lực, chúng ta tạo ra nhiều lợi ích và giá trị nhất có thể, đồng thời tránh lãng phí không cần thiết.
Tổng kết lại, chống lãng phí là công cụ và giải pháp thiết thực để đạt được phát triển bền vững, từ cấp độ doanh nghiệp thông qua mô hình ESG đến cấp quốc gia qua mô hình 3P.
Công cụ này mang tính tối ưu vì có hiệu quả ngay lập tức: ngay khi thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, chúng ta đã có lợi ích về kinh tế thông qua việc giảm chi phí, chưa kể các lợi ích về môi trường và xã hội đi kèm. Đây chính là lời giải cho bài toán phát triển bền vững, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn không có nhiều nguồn lực và không thể chi tiêu lớn để chờ đợi lợi ích lâu dài.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Trong vai trò chuyên gia phát triển bền vững, tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến chống lãng phí. Không chỉ vì họ quản lý phần lớn tài nguyên của xã hội, mà còn bởi khả năng tạo ra ảnh hưởng lan tỏa đến khách hàng, nhân viên và cộng đồng.
Đầu tiên và quan trọng nhất, lãnh đạo doanh nghiệp phải đóng vai trò tiên phong và xác định rõ định hướng. Nhà lãnh đạo cần trở thành hình mẫu, một tấm gương trong việc thực hành chống lãng phí. Khi lãnh đạo thực hành chống lãng phí một cách quyết liệt và kiên trì, họ sẽ truyền cảm hứng và tác động tích cực đến đội ngũ.
Sự làm gương của người lãnh đạo sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, là động lực thúc đẩy nhân viên thực hành chống lãng phí. Các nhân viên, khi thấy sự nỗ lực của lãnh đạo, sẽ cảm thấy có trách nhiệm và tự giác tham gia vào các hành động tiết kiệm và tối ưu hóa tài nguyên.
Thứ hai, việc tổ chức các hoạt động đào tạo và truyền thông nội bộ là rất quan trọng. Xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ về chống lãng phí là bước đi thiết yếu.
Cốt lõi của hoạt động này là làm cho mỗi nhân viên hiểu rằng chống lãng phí không phải là một khái niệm cao siêu mà là những hành động đơn giản trong công việc hàng ngày. Những hành động này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn liên quan mật thiết đến lợi ích cá nhân của họ, bởi vì chúng ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” của họ.
Thứ ba, sau khi đã xây dựng được nền tảng nhận thức, cần phải chuyển hóa nó thành những cam kết cụ thể, thông qua các cơ chế khuyến khích. Doanh nghiệp có thể tích hợp các chỉ tiêu chống lãng phí vào KPI của nhân viên để đánh giá hiệu suất cá nhân.
Đồng thời, xây dựng cơ chế thưởng cho những giải pháp, sáng kiến chống lãng phí hiệu quả là cách khuyến khích mạnh mẽ. Cách đánh giá rõ ràng và minh bạch như vậy sẽ tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhân viên, nhằm thúc đẩy họ tìm ra giải pháp tối ưu hơn, thay vì cạnh tranh tiêu cực, loại trừ lẫn nhau.
Cạnh tranh lành mạnh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong tổ chức. Chúng ta có thể nhìn thấy điều này qua triết lý kinh doanh Kaizen của người Nhật Bản, hay phong trào “Thi đua yêu nước” do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Cuối cùng, việc ứng dụng công nghệ, như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), sẽ giúp giám sát hiệu suất công việc theo thời gian thực, từ đó tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu lãng phí. Với các công nghệ này, khi một nguồn lực gần đạt ngưỡng lãng phí, hệ thống có thể tự động cảnh báo và can thiệp ngay lập tức, giúp ngăn ngừa lãng phí ngay từ đầu.
Vài lời nhắn nhủ
Quản trị doanh nghiệp, nếu nhìn nhận một cách đơn giản, là làm sao để doanh nghiệp có lãi. Khi doanh nghiệp có lãi, tức là quá trình quản trị đã thành công. Trong bối cảnh này, việc chống lãng phí trở thành yếu tố then chốt, bởi nó gắn liền với việc giảm chi phí và từ đó tăng trưởng lợi nhuận.
Tuy nhiên, chống lãng phí không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế trực tiếp. Thực hành này còn giúp doanh nghiệp xây dựng được niềm tin và uy tín với khách hàng, đối tác. Xa hơn nữa, nó còn mang lại những “lãi” vô hình nhưng vô cùng giá trị: bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội, và tạo ra những giá trị nhân văn sâu sắc.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, trong những giai đoạn khó khăn, phẩm chất tiết kiệm và tối ưu hóa nguồn lực là những yếu tố quyết định giúp chúng ta vượt qua thử thách. Trong thời đại ngày nay, chống lãng phí không chỉ là một lựa chọn, mà còn là một nhiệm vụ sống còn đối với mỗi cá nhân và doanh nghiệp.