Chống trốn thuế, rửa tiền qua các 'thiên đường thuế'

Các chuyên gia cho rằng, tham gia quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá, rửa tiền thông qua 'thiên đường thuế' của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá và mang lại sự công bằng giữa các quốc gia và doanh nghiệp.

Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế

Chặn tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, cuộc đấu tranh chống trốn thuế, rửa tiền thông qua “thiên đường thuế” đã được Chính phủ các quốc gia coi là vấn đề toàn cầu, gần đây đã đạt được sự đồng thuận bằng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá và mang lại sự công bằng vì phân bổ lại hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận nhiều nhất cho các nước, góp phần tránh tình trạng nhiều nước đua nhau giảm thuế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và hạn chế tình trạng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

“Thuế tối thiểu toàn cầu là vấn đề mới của thế giới, sẽ có tác động lâu dài đến chủ trương thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam. Do đó, cần có cách tiếp cận khoa học, để khi áp dụng tại Việt Nam không gây ra tác động tiêu cực, mà trái lại góp phần cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta, hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới”- GS. TSKH Nguyễn Mại đưa ra lưu ý.

Còn theo phân tích của TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, khi có hiệu lực, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam. Việc tham gia thực thi thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng.

Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng áp dụng

Theo dữ liệu, thông tin thống kê sơ bộ từ cơ sở dữ liệu doanh nghiệp toàn cầu, hiện có khoảng 1.017 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có khoảng ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024.

Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.000 đến 20.000 tỷ đồng (theo số liệu quyết toán thuế năm 2022).

Đặc biệt, việc tích cực tham gia thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút FDI của Việt Nam theo hướng giảm ưu đãi về thuế, tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân lực.

Cần có cơ chế thu hút đầu tư phù hợp hơn

Nhận định về ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu đến sức cạnh tranh trong thu hút FDI, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế thay đổi.

Châu Á hiện nay là khu vực có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp nhất so với các khu vực khác trên thế giới và dự kiến có thể chịu tác động nhiều nhất khi các doanh nghiệp đa quốc gia phân bổ lại hoạt động, đầu tư của mình nhằm tối ưu về thuế.

Hiện nay, mặc dù thuế TNDN trung bình ở mức 20% cao hơn so với mức thuế tối thiểu đặt ra, song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án với mức thuế suất ưu đãi (thay đổi giữa các lĩnh vực, hạng mục) và thời gian ưu đãi (thời gian miễn thuế và thời gian được giảm thuế suất) khiến thuế suất thực tế có thể thấp đến 5%.

Các ưu đãi bao gồm: Ưu đãi thuế suất (10% lên đến 15 năm và 20% lên đến 10 năm); miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến 9 năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng 5 năm); miễn đánh thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (không áp dụng đối với công ty được đầu tư có lỗ lũy kế); cho phép được khấu hao nhanh...

Cùng với đó, các ưu đãi về thuế, giảm tiền thuê đất..., đã góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh cho các nhà đầu tư, đồng thời thu hút mạnh mẽ vốn FDI vào Việt Nam thời gian qua.

Theo Tổng cục Thuế, các ưu đãi thuế khiến cho thuế TNDN thực tế của các doanh nghiệp FDI chỉ là 12,3%, trong đó các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế TNDN là 2,75% - 5,95% (nhiều doanh nghiệp FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong cả đời dự án, miễn thuế TNDN 4 năm đầu, giảm 50% thuế suất trong 9 năm tiếp theo...).

Do đó, khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ phải chịu một số hình thức “thuế bổ sung” tại quốc gia nơi đặt trụ sở chính nếu được hưởng mức thuế suất tại Việt Nam thấp hơn 15%.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này đến Việt Nam còn phụ thuộc vào phạm vi và đối tượng mà thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu điều chỉnh. Đối với những đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, nội luật vẫn sẽ được áp dụng.

“Một tác động nữa đó là, việc áp dụng các quy tắc chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) có thể làm phát sinh các chi phí cải cách hệ thống quản lý thuế, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và tiến độ triển khai phụ thuộc vào năng lực quản lý của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Điều này đòi hỏi đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cơ chế thu hút đầu tư của Việt Nam để phù hợp hơn với quy tắc GloBE trong thời gian tới” - ông Lực nói.

Cần có giải pháp ứng phó để giữ nhịp thu hút đầu tư

Đến nay, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các đối tác đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Đông Á. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là những nước dẫn đầu danh sách các nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong thu hút đầu tư của Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.

Nhờ có chính sách ưu đãi thuế cạnh tranh, cùng với các thế mạnh như: tình hình kinh tế, chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào..., dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng qua các năm. Trong năm 2022, Việt Nam đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.

Qua thống kê, hiện có khoảng 335 dự án có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thấp hơn 15%, trong đó, thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron...

Theo đó, tuy chỉ chiếm khoảng 1% số dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các loại dự án này lại chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (đạt khoảng 131,3 tỷ USD). Đây là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng và Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế TNDN mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chong-tron-thue-rua-tien-qua-cac-thien-duong-thue-129288.html